Phớt lờ quy định cấm kinh doanh trong căn hộ
Theo Nghị định 99/2015/ NĐ-CP, kể từ ngày 10/6/2016 các căn hộ chung cư không được dùng làm địa điểm kinh doanh. Tuy nhiên, tại nhiều chung cư, các doanh nghiệp thuê căn hộ làm văn phòng công ty, tổ chức các hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bất chấp quy định.
- 07-10-2015Ông chủ Sơn Kim Land: Kinh doanh căn hộ cao cấp cũng giống như ngành thời trang
- 14-07-2015Nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines có 40 biệt thự, căn hộ, đất
- 05-11-2013Kinh doanh căn hộ: Phạt chứ không cấm!
Thản nhiên hoạt động
Quá hạn chót di dời gần ba tháng, nhiều doanh nghiệp ở TP HCM vẫn chưa có kế hoạch chuyển địa điểm kinh doanh ở chung cư. Chẳng hạn, tại chung cư 42 Nguyễn Huệ vẫn còn hơn 30 căn hộ được sử dụng vào mục đích kinh doanh. Đây là một trong những chung cư nhộn nhịp nhất thành phố về lượng quán xá và khách khứa ra vào.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Trần Quốc Thắng, thành viên Ban quản lý chung cư 42 Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM), cho biết cư dân sống tại chung cư này rất khó chịu vì quán xá đông đúc, ồn ào tới tận 12 giờ khuya, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. “Đây là chung cư để ở chứ không phải trung tâm thương mại. Các vấn đề như an toàn cháy nổ, tội phạm, ma túy… ai quản lý?” - ông Thắng bức xúc.
Theo ông Thắng, hiện chung cư này chỉ còn 7-8 hộ dân sinh sống, các hộ còn lại đã chuyển đi nơi khác và dùng căn hộ của mình cho người khác thuê lại kinh doanh. “Chúng tôi không quản được vì chủ căn hộ muốn cho ai thuê thì thuê. Người kinh doanh phải có giấy phép đăng ký, nhưng việc này cũng thuộc sự quản lý của các cơ quan chức năng” - ông Thắng cho biết, đồng thời cũng băn khoăn không biết xử lý ra sao nếu các cơ sở kinh doanh này không ngừng hoạt động và cơ quan chức năng không vào cuộc.
Theo Điều 80, Nghị định 99/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chuyển địa điểm kinh doanh tại căn hộ chung cư sang địa điểm khác không phải chung cư trong vòng sáu tháng, kể từ ngày 10-12-2015 (ngày có hiệu lực của nghị định này). Như vậy, sau ngày 10-6-2016, hộ gia đình, cá nhân không được phép dùng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh nữa.
Giống như chung cư 42 Nguyễn Huệ, nhiều chung cư khác ở trung tâm TP HCM với cửa hàng và quán xá vẫn hoạt động bình thường. Một số người đang kinh doanh tại các chung cư này thậm chí còn tỏ ra không biết đến quy định cấm của Nghị định 99.
“Tôi đăng ký kinh doanh và mở cửa hàng ở chung cư đã nhiều năm nhưng không thấy ai nói gì, bây giờ mà bảo chuyển đi thì khó cho chúng tôi quá. Giá thuê mặt bằng ở quận 1 đâu có rẻ, thuê căn hộ chung cư lợi hơn nhiều”, một chủ cửa hàng ăn uống tại một chung cư ở quận 1 cho biết.
Cũng có doanh nghiệp đang dùng căn hộ chung cư làm trụ sở cho rằng, công ty đăng ký trụ sở ở chung cư nhưng hoạt động kinh doanh lại diễn ra ở địa điểm khác. “Trụ sở này chỉ là nơi nhận thư từ, điện thoại…, hoàn toàn không ảnh hưởng đến cư dân chung cư”, giám đốc một công ty đặt trụ sở ở chung cư tại quận 3 cho biết.
Luật chưa chặt
Trao đổi với PV, ông Cù Thanh Đức, Phó phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và đầu tư TP HCM, cho biết cơ quan này gặp khá nhiều khó khăn khi thực thi nghị định này. Theo quy định, khi đăng ký kinh doanh, người thành lập doanh nghiệp không phải nộp hồ sơ chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp đối với địa chỉ trụ sở đăng ký. Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm giấy tờ khác không quy định tại Luật Doanh nghiệp.
“Người đăng ký chỉ phải kê khai trụ sở doanh nghiệp, gồm số nhà, đường, phường, huyện, quận… Trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ, nhưng không kê khai địa chỉ trụ sở là chung cư thì sở không có cơ sở để từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký cho doanh nghiệp được” - ông Đức cho biết.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và đầu tư TP HCM, hiện nay thành phố có khoảng 2.000 doanh nghiệp đăng ký trụ sở ở chung cư, 1.300 doanh nghiệp đăng ký trụ sở ở cao ốc và có trên 10.000 doanh nghiệp đăng ký trụ sở trong tòa nhà. “Trên thực tế, nhiều chung cư vẫn được doanh nghiệp đăng ký làm trụ sở là do lách chữ “chung cư” thành “tòa nhà” hoặc thậm chí không đề “chung cư” vào địa chỉ đăng ký. Đây là phần sở không kiểm soát được khi doanh nghiệp đăng ký địa điểm kinh doanh” - ông Đức nói.
Hơn nữa, để doanh nghiệp chuyển sang địa điểm kinh doanh mới thì doanh nghiệp phải nộp hồ sơ làm thủ tục đăng ký đổi địa chỉ trụ sở doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không tự giác thực hiện thì cơ quan đăng ký kinh doanh không có hồ sơ cũng như cơ sở thực hiện đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở cho doanh nghiệp được.
Sắp tới, Sở Kế hoạch và đầu tư TP HCM sẽ phối hợp với Sở Xây dựng để hướng dẫn UBND quận, huyện kiểm tra và xử lý các trường hợp doanh nghiệp đăng ký địa chỉ trụ sở tại chung cư trước đây nhưng đến nay chưa chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết trước đây luật không cấm doanh nghiệp kinh doanh tại chung cư. Chẳng hạn, Luật Doanh nghiệp 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành đều không có quy định về việc cấm doanh nghiệp đặt trụ sở tại chung cư.
Quy định về sử dụng về “nhà nhiều tầng có mục đích sử dụng hỗn hợp” của Bộ Xây dựng năm 2009 (Công văn số 2544/BXD-QLN ngày 19/11/2009) cũng cho phép doanh nghiệp được phép dùng phần diện tích có thể tách riêng với phần diện tích ở làm văn phòng hoặc địa điểm kinh doanh.
“Khi đó, doanh nghiệp muốn đăng ký kinh doanh tại chung cư thì phải xem văn bản phê duyệt dự án, tức phần công năng, để xem có phần “diện tích thương mại dịch vụ” hoặc “căn hộ thương mại” hay không thì mới được đăng ký kinh doanh” - ông Phượng phân tích.
Vấn đề là, Điều 80 của Nghị định 99 cấm dùng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh, nhưng nghị định này chỉ ghi là “địa điểm kinh doanh” mà lại không định nghĩa địa điểm kinh doanh là gì.
“Luật Doanh nghiệp định nghĩa địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể. Hiểu một cách thông thường như thế thì Nghị định 99 chỉ cấm dùng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh chứ không cấm làm trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện. Như vậy, quy định của nghị định này chưa chính xác” - ông Phượng phân tích.
Còn nếu viện dẫn quy định “căn hộ phải sử dụng đúng mục đích” để không cho đăng ký, xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn được, vẫn đúng pháp luật. Luật sư Phượng cho rằng, Nghị định 99 cần phải sửa đổi cho chính xác tránh để luật quy định không rõ “nơi kinh doanh”, khiến người dân phải chịu thiệt hại, thời gian, công sức và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
“Vẫn có sự không có bình đẳng trong kinh doanh. Chung cư thì bắt dùng đúng mục đích để ở, không cho làm nơi kinh doanh. Tuy nhiên, những công trình khác của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp như công viên, bảo tàng thì lại cho thuê kinh doanh và vẫn được đăng ký kinh doanh” - luật sư Phượng nêu thực tế.