Phụ huynh Hà Nội đang chia phe tranh cãi rất căng: Người hò reo ăn mừng, người bức xúc "đừng ép ai cũng như mình"
Đây là một trong những sự kiện được phụ huynh quan tâm nhất những ngày gần đây.
- 02-03-2024Du học sinh Hà Lan "tự bóc" chi phí sinh hoạt 1 ngày, đắt hay rẻ hơn so với Việt Nam?
- 01-03-2024Lại thêm một vấn đề giáo dục khiến phụ huynh chia phe tranh cãi: Liệu đã thực sự công bằng với học sinh nghèo?
- 01-03-2024Xúc động câu chuyện 2 học sinh hiến tóc tặng bệnh nhân ung thư
- 29-02-2024Giáo viên chủ nhiệm về hưu nói thẳng: 90% học sinh dễ thành công trong tương lai được bố mẹ nuôi dạy theo 4 cách này
Một trong sự kiện giáo dục được quan tâm nhất gần đây chính là việc năm học 2024 - 2025, Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam sẽ không tuyển sinh lớp 6, đồng thời cũng sẽ không còn học sinh khối không chuyên trong trường chuyên.
Trước đó, Bộ GD&ĐT có văn bản trả lời ý kiến của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc tuyển sinh lớp không chuyên trong trường chuyên, cụ thể là tuyển sinh lớp 6 khối THCS trong trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam từ năm học 2024 - 2025.
Bộ đề nghị Sở chỉ đạo việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đúng quy định. "Căn cứ khoản 1 Điều 62 Luật Giáo dục, trường chuyên chỉ được thành lập ở cấp THPT, không có cấp THCS trong trường chuyên", Bộ GD&ĐT nêu.
Thông tin trường Ams dừng tuyển sinh lớp 6 lập tức khiến phụ huynh Hà Nội chấn động. Từ nhiều năm nay, có con trúng tuyển lớp 6 trường Ams là ước mơ của rất nhiều phụ huynh. Bởi chất lượng đào tạo cấp 2 trường Ams đã được khẳng định qua nhiều năm. Học sinh cấp 2 trường Ams không chỉ được giảng dạy bởi đội ngũ giáo viên giỏi, chương trình học vượt trội hơn, mà còn được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, ngoài ra được học trong môi trường cơ sở vật chất "xịn sò",...
Theo thống kê, trong kỳ thi chọn Học sinh Giỏi thành phố các môn văn hóa và khoa học lớp 9 năm học 2023 - 2024 của Hà Nội, học sinh cấp 2 trường Ams chiếm gần 1/5 số giải Nhất Học sinh Giỏi cấp thành phố.
Phụ huynh Hà Nội chia làm 2 phe tranh cãi trước tin dừng tuyển sinh lớp 6 trường Ams
Phương thức tuyển sinh vào lớp 6 của trường Ams thường là kết hợp giữa xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực. Học sinh phải trải qua 2 vòng: vòng 1 (sơ tuyển) và vòng 2 (kiểm tra, đánh giá năng lực).
Để vượt qua vòng 1, học sinh phải có học bạ đẹp. Mùa tuyển sinh năm ngoái, từng có trường hợp, một số phụ huynh sốc nặng khi học bạ tiểu học của con toàn điểm 10 vẫn không đủ điều kiện nộp hồ sơ, nguyên nhân là bởi một số môn đánh giá bằng nhận xét chỉ được ghi là "Hoàn thành" mà không phải là "Hoàn thành tốt" hoặc "Hoàn thành xuất sắc".
Chính vì việc tuyển sinh quá khó và khắt khe nên nhiều phụ huynh khi đặt mục tiêu cho con vào cấp 2 Ams đã vạch ra đường lối ôn thi cho con cực kỳ nghiêm ngặt. Nhiều người cho con đi học thêm ngay từ lớp 1. Anh Th. Bình (quận Cầu Giấy), có con trúng tuyển cấp 2 Ams 2 năm trước cho hay: "So với những đứa trẻ khác thì đúng thật là con tôi không có tuổi thơ. Cháu bắt đầu được cho đi học thêm từ lớp 1, cuối tuần cũng đi học, học kể cả hè. Tết chỉ được chơi mùng 1, đến chiều mùng 2 là đã phải mở vở ra ngồi ôn. Toán, Tiếng Việt, Anh, mỗi môn 2 buổi/tuần. Học xong ở trường là bố chở đi học thêm".
Được biết, mỗi buổi học thêm của con anh Th. Bình có mức phí 300.000 đồng/buổi, vị chi một tháng anh đóng hơn 7 triệu đồng tiền học phí cho con. Theo anh Bình, đây là một cuộc đua cả về học tập và kinh tế. "Con áp lực chuyện học, cha mẹ thì áp lực kinh tế", anh Bình chia sẻ.
Cũng chính vì những áp lực này nên khi hay tin trường Ams năm nay dừng tuyển sinh lớp 6, nhiều phụ huynh đã... hò reo, ăn mừng! Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, không ít phụ huynh cho rằng, nên dừng tuyển sinh lớp 6 trường Ams từ sớm.
"Độ tuổi cấp 1 là độ tuổi cần vui chơi, học tập các kỹ năng, thay vì học nhồi nhét như này. Nhiều đứa trẻ mới lớp 3, lớp 4 đã đeo kính dày cộp. Tôi từng nhìn thấy hình ảnh một cháu bé đeo kính cận, ngồi sau xe máy của bố, ăn vội bánh mỳ trên đường đến lớp học thêm, trông rất tội. Tôi thấy mấy ngày nay toàn phụ huynh kêu gào tiếc nuối, hụt hẫng, sao không hỏi thử cảm xúc của đứa trẻ?", chị T.Ngoan, một phụ huynh ở quận Thanh Xuân chia sẻ.
Một phụ huynh khác cũng bày tỏ quan điểm. Anh này cho rằng việc bắt con trẻ phải chạy đua, đến lò luyện thi từ lớp 1, rồi lại tiếp tục sống trong một môi trường đầy cạnh tranh những năm lớp 6 là điều... thiếu nhân văn: "Tôi cảm giác những đứa trẻ như mắc kẹt trong một vòng vây áp lực".
Tuy nhiên bên cạnh những ý kiến đồng tình thì cũng không có ý kiến phản đối. Nhiều phụ huynh cho rằng, Ams 2 tuy có tạo ra áp lực nhưng đây cũng là một môi trường tuyệt vời, đã bồi dưỡng ra rất nhiều thế hệ học sinh ưu tú.
Phụ huynh Nguyễn Kiên (quận Thanh Xuân) chia sẻ: "Tôi không nghĩ Ams 2 tạo ra áp lực mà là chính phụ huynh tạo áp lực cho con mình. Mới lớp 1, lớp 2 thì trẻ đã biết gì về trường lớp? Phụ huynh đọc thông tin, chia sẻ với nhau là Ams 2 tốt, kỳ vọng cho con vào rồi lao đi tìm lớp học thêm, tạo áp lực cho con đó chứ? Sao không quan sát năng lực của con ra sao, rồi chọn cho con vào ngôi trường phù hợp. Đằng này, nhiều phụ huynh thấy lực học của con chỉ ở mức B, rồi dồn ép, bắt con học đến mức A, để thi bằng được trường top".
Một phụ huynh khác thì cho rằng: "Nhiều em học sinh từ cấp 1 đã lộ rõ sự ưu tú, cần có môi trường phù hợp để bồi dưỡng và phát triển. Trong trường hợp này, Ams 2 là rất cần thiết. Nhiều phụ huynh không thể vì ý kiến chủ quan của mình rồi nhao nhao đòi bỏ một môi trường học tập tốt được. Bạn muốn thế nhưng đâu phải ai cũng muốn thế, đừng ép ai cũng như mình".
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, có thể tách hệ THCS trong trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam ra như một trường THCS bình thường, chẳng hạn như trường THCS Ngoại ngữ chẳng hạn; đồng thời tăng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm lên. Điều này vừa giúp giảm áp lực học tập, sự cạnh tranh cho học sinh, vừa giữ được một môi trường học tập tốt.
Hệ THCS (thường gọi là Ams 2) của chuyên Hà Nội - Amsterdam được thành lập năm 1992. Mỗi năm, Ams2 tuyển 200 học sinh, nhận khoảng 3.000 - 5.000 hồ sơ.
Phụ Nữ Số