Phú Quốc mở cửa đón khách, niềm tin khởi đầu đầy hi vọng cho BĐS du lịch
Với mục tiêu tháo dỡ dần các khó khăn của ngành du lịch, Việt Nam có kế hoạch mở cửa trở lại thành phố đảo Phú Quốc đối với thị trường khách du lịch quốc tế từ tháng 10 năm 2021 theo chương trình thí điểm kéo dài 6 tháng.
3 tháng đầu tiên, đặt mục tiêu mỗi tháng khoảng 3.000 - 5.000 lượt du khách quốc tế theo mô hình "du lịch khép kín"
Đại dịch kéo dài đã gây trở ngại cho ngành du lịch của Đảo, theo thống kê của Sở du lịch Kiên Giang, trong 9 tháng đầu năm 2021, địa phương ước tính phục vụ 1.1 triệu lượt khách lưu trú, giảm 36% và tổng thu từ hoạt động kinh doanh du lịch giảm 57.4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo kế hoạch thí điểm, Phú Quốc dự kiến sẽ đón 40.000 khách quốc tế đáp ứng các yêu cầu đặt ra, với thị trường mục tiêu là nhóm du khách đến từ Châu Âu, Hoa Kỳ, Đông Bắc Á, Úc và Trung Đông. Trong ba tháng đầu tiên, thành phố đảo kỳ vọng sẽ chào đón mỗi tháng khoảng 3.000 - 5.000 lượt du khách theo mô hình "du lịch khép kín", những du khách này sẽ đến Phú Quốc thông qua các chuyến bay thuê (charter flight) và lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng riêng biệt. Trong giai đoạn ba tháng tiếp theo, chương trình đặt mục tiêu đón tiếp 5.000-10.000 lượt khách, cân nhắc mở rộng áp dụng đối với nhóm khách du lịch đến từ các chuyến bay thương mại và được phép di chuyển, tham quan nhiều điểm đến hơn trên đảo.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels chia sẻ "Chúng tôi vui mừng nhận thấy rằng Chính Phủ đang nỗ lực thực hiện các hoạt động hỗ trợ ngành du lịch vốn đang gặp nhiều khó khăn. Đây là một bước đi đáng khích lệ cho ngành du lịch và hy vọng chương trình này sẽ được triển khai một cách thận trọng ở nhiều địa phương khác phù hợp tiêu chí nhằm tiến gần hơn với việc mở cửa các hoạt động du lịch trên phạm vi cả nước vào thời điểm thích hợp. Việc chuẩn bị lộ trình để tái mở cửa biên giới là cần thiết, để Việt Nam sớm nắm lấy cơ hội khôi phục các hoạt động du lịch quốc tế.
Nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang từng bước tìm hướng nới lỏng phù hợp, bao gồm việc dần nối lại các hoạt động du lịch như Thái Lan, Indonesia. Tôi tin rằng nếu chỉ đánh giá sự thành công của chương trình thí điểm này trên góc độ doanh thu đem lại cho ngành du lịch thì sẽ chưa được đầy đủ, do lượng khách dự kiến từ chương trình này vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên một khía cạnh quan trọng hơn mà việc thí điểm này đem lại đó chính là cho thấy Việt Nam có thể đạt được mục tiêu kép, mở cửa đón khách du lịch quốc tế nhưng vẫn đảm bảo được sự an toàn cho cả người dân địa phương lẫn khách du lịch đến Việt Nam".
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels
Theo vị chuyên gia này, số lượng du khách được đề xuất trong giai đoạn đầu vẫn chỉ là một phần nhỏ so với nguồn cung phòng của Phú Quốc và chương trình thí điểm này có thể chỉ giúp đem đến nguồn khách cho một số khu nghỉ dưỡng nhất định. Tuy nhiên, đây vẫn là một bước đi cần thiết cho đến khi thị trường sẵn sàng cho quá trình phục hồi toàn diện hơn, điều này sẽ đòi hỏi một lộ trình dài hơi và nỗ lực từ tất cả các đơn vị hoạt động trong ngành để thiết lập lại các hoạt động du lịch quốc tế.
Trong khu vực, Thái Lan là quốc gia đầu tiên tiên phong mở cửa đón khách quốc tế thông qua chương trình Phuket Sandbox. Việt Nam cũng có thể học hỏi các chiến lược của Thái Lan và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và tính chất của thị trường.
Trong hai tháng kể từ khi triển khai Phuket Sandbox, 26.400 khách du lịch nước ngoài đã đến hòn đảo này, với tổng cộng 366.971 đêm lưu trú. Trong số đó, chỉ 0,3% tương đương với 83 du khách có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid khi đến Phuket.
Chương trình này đã đem đến nhiều hy vọng, và được xem là một phần của kế hoạch dài hạn góp phần tái khởi động ngành du lịch địa phương. Việc thực hiện mô hình Phuket Sandbox đã thúc đẩy 69% khách sạn trong khu vực mở cửa lại so với mức 65% khi chưa có chương trình này. Tỷ lệ lấp đầy của các khách sạn tham gia vào chương trình Phuket Sandbox đã đạt gần 20% vào cuối tháng 7 so với mức một con số trong giai đoạn trước đó.
Thắp lên niềm hi vọng phục hồi BĐS du lịch – khách sạn
Theo ông Mauro, mặc dù Phuket Sandbox chưa hoàn toàn đạt được các mục tiêu kỳ vọng, khi công suất thuê phòng tại các khách sạn vẫn còn thấp, nhưng chương trình này đã thắp lên hy vọng để ngành du lịch Thái Lan bắt đầu một hành trình khôi phục vốn đã được chờ đợi từ lâu cũng như khởi động lại hệ sinh thái. Cho đến nay, Thái Lan đang cũng đang xem xét mở cửa trở lại Bangkok cũng như các điểm đến khác trên toàn quốc.
Mặc dù có một số điểm tương đồng với kế hoạch mở cửa trở lại của Phú Quốc so với Phuket nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt cần lưu ý. Một trong số đó là hoạt động du lịch tại Phuket phụ thuộc phần lớn vào thị trường quốc tế trong khi đó hiện tại Phú Quốc vẫn chủ yếu là điểm đến của thị trường nội địa với gần 90% khách du lịch, điều này cho thấy nguồn khách nội địa hiện vẫn là nguồn doanh thu chủ đạo của Phú Quốc.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng một số vấn đề cần lưu ý trước khi triển khai các kế hoạch mở cửa này. Trước hết, có thể kể đến là vấn đề thời gian, hiện vẫn còn một số công tác chuẩn bị cần thực hiện để việc mở cửa được diễn ra an toàn và trọn vẹn. Vấn đề cần quan tâm thứ hai là khả năng thu hút khách du lịch khi Việt Nam vốn được biết đến là một đất nước giàu trải nghiệm về văn hóa với đa dạng các điểm đến du lịch nổi tiếng, tuy nhiên việc áp dụng hộ chiếu vaccine hiện vẫn còn nhiều hạn chế về mặt di chuyển, và việc chỉ cho phép đến một địa điểm nhất định cũng sẽ hạn chế khả năng thu hút khách du lịch.
Phú Quốc mở cửa đón khách, niềm tin khởi đầu đầy hi vọng cho ngành BĐS du lịch
Nói về những thách thức trong việc triển khai chương trình mở cửa du lịch tại Phú Quốc, ông Mauro chia sẻ: "Nếu chúng ta muốn thành công trong việc nhanh chóng thu hút khách quốc tế thì cần phải đảm bảo sự an toàn xuyên suốt cho hành trình của họ tại địa phương. Tôi tin rằng sẽ có một cuộc chạy đua trong tương lai từ các điểm đến khác nhau để chứng minh rằng nguy cơ lây nhiễm virus tại điểm đến đó duy trì ở mức thấp.
Tuy nhiên cũng cần đảm bảo rằng trong trường hợp lây nhiễm, địa phương sẽ có các cơ sở y tế, bệnh viện quốc tế với quy trình an toàn, đủ điều kiện điều trị và chăm sóc hỗ trợ cho du khách nước ngoài. Du lịch là một hoạt động đặc thù, chủ yếu dựa vào cảm giác an toàn trong đó bao gồm khả năng chăm sóc y tế thích hợp khi được yêu cầu. Ngoài ra, một vấn đề khó khăn khác có thể dự báo trong lộ trình mở cửa trở lại là nguồn nhân lực và môi trường làm việc với nhiều biến động, rủi ro hơn so với trước đây."
Theo thống kê của Savills Hotels, Phú Quốc hiện có hơn 12.000 phòng khách sạn thuộc phân khúc từ trung cấp đến cao cấp. Trong năm nay, một vài khu nghỉ dưỡng dự kiến sẽ mở cửa, với tổng nguồn cung mới ước tính khoảng 1.800 phòng, tuy nhiên phần lớn đang tạm hoãn kế hoạch khai trương. Tính đến nay, mới chỉ có một khu nghỉ dưỡng mới được đưa vào hoạt động từ tháng 5 năm 2021.
"Năm nay thị trường Phú Quốc được kỳ vọng sẽ có sự gia nhập của một số dự án mới đặc sắc. Rất tiếc với tình hình hiện tại, một số dự án đã phải tạm hoãn kế hoạch đón khách. Hy vọng rằng trong thời gian sớm nhất khi tình hình tại Tp.HCM và Hà Nội được kiểm soát, du lịch nội địa sẽ sớm khôi phục trở lại và Phú Quốc sẽ là một trong những điểm đến chính để khai thác ngay nguồn cầu sẵn có này.
Đối với thị trường du lịch quốc tế, Phú Quốc sẽ cần nỗ lực xây dựng thương hiệu, cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cấp dịch vụ nhằm tăng cường vị thế cạnh tranh của mình, từ đó sớm bắt nhịp với các điểm đến quen thuộc như Phuket hay Bali vốn cũng đang nỗ lực trong việc thu hút khách quốc tế quay trở lại", ông Mauro nhận định.