Phú Yên cho lấy 870ha rừng làm dự án nuôi bò
Trong khi dự án chưa được đánh giá tác động môi trường thì chính quyền Phú Yên đã cho kiểm đếm để thu hồi diện tích rừng chuẩn bị giao cho Công ty chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên.
Cuối năm 2015, UBND tỉnh Phú Yên đã có quyết định chấp thuận về mặt chủ trương cho Công ty CP chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên đầu tư dự án chăn nuôi bò thịt và bò sữa trên diện tích hơn 4.600ha ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa và Tây Hòa, với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng.
Theo dự án, giai đoạn 1 được triển khai trong 940ha ở hai tiểu khu 310, 311.
Điều đáng nói đây lại là khu vực được quy hoạch là rừng sản xuất từ năm 2007, hiện thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh.
Trong diện tích này hiện có gần 630ha rừng tự nhiên tái sinh, cây rừng phát triển tốt và hơn 240ha rừng trồng.
Chưa đánh giá tác động môi trường, đã giải phóng mặt bằng
Việc tỉnh cho đầu tư một dự án nuôi bò tại khu vực rừng tái sinh, rừng trồng này đã khiến nhiều người dân lo lắng.
“Dự án này triển khai thì nguy cơ mất rừng rất lớn, rồi còn ảnh hưởng đến những khu rừng phòng hộ ở xung quanh hai tiểu khu 310, 311 nữa. Tại sao không tìm đất không có rừng mà giao, lại cho đầu tư dự án trong rừng như thế?” - ông Ksor Y Thọ, một người dân ở xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh), bức xúc.
Theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Yên, để có cơ sở xem xét lập thủ tục thu hồi, chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng nêu trên, chủ đầu tư dự án cần thực hiện nhiều thủ tục theo quy định.
Các thủ tục bao gồm: phải có dự án đầu tư được phê duyệt, phương án hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng, phương án trồng rừng thay thế, báo cáo đánh giá tác động môi trường do việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng được cấp thẩm quyền phê duyệt…
Theo ông Nguyễn Danh Nam - giám đốc Công ty CP chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên, hiện dự án ở giai đoạn tiền khả thi, đang lập dự án, báo cáo đánh giá tác động môi trường đang gửi thẩm định.
Nhà đầu tư xin làm dự án ở ba huyện, còn diện tích nào, ở đâu là do cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên quyết định.
Trong khi đó, từ đầu tháng 4-2016, UBND huyện Sông Hinh đã thông báo kế hoạch kiểm đếm để đền bù, hỗ trợ nhằm thu hồi đất làm mặt bằng triển khai giai đoạn 1 của dự án.
Hiện công tác này cũng đang làm rất khẩn trương vì theo ông Đặng Đình Toại - chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, tháng 9-2016 chủ đầu tư sẽ đưa đàn bò về nuôi.
Đường vào tiểu khu 310, một trong hai khu rừng được giao để làm dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa - Ảnh: DUY NGUYỄN
Giao đất rừng vì không còn đất khác
Ông Hoàng Văn Trà - chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết đây là dự án lớn nhằm góp phần quan trọng thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh này.
“Triển khai dự án trên diện tích hàng trăm hecta đất có rừng tự nhiên, rừng trồng thì dư luận băn khoăn là đúng, nhưng tỉnh tìm đất khác không có. Bây giờ đánh giá tác động môi trường thế nào thì Bộ Tài nguyên và môi trường đang làm, khi nào bộ quyết thì tỉnh mới cho dự án triển khai.
Quan điểm của tỉnh là dù giao diện tích có rừng lớn vậy, nhưng dự án phải hạn chế tác động vào rừng chứ không phải xóa trắng diện tích rừng ấy. Chủ đầu tư lấy diện tích rừng nào làm dự án thì có trách nhiệm trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng lại theo quy định” - ông Trà nói.
Về việc báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa được phê duyệt, dự án chưa lập xong mà đã triển khai công tác chuẩn bị đền bù, giải phóng mặt bằng có vẻ là quy trình ngược, ông Trà giải thích rằng chủ đầu tư đề nghị giao đất sớm để đảm bảo lộ trình nhập bò, làm chuồng trại, xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn.
"Vì đây là dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược nên Ban thường vụ Tỉnh ủy thống nhất phải có một cơ chế đặc thù, đó là cho làm đồng thời một số việc như phê duyệt dự án, đánh giá tác động môi trường, phê duyệt phương án trồng lại rừng… thay vì phải xong bước A rồi mới đến bước B như lâu nay. Nhưng trước khi khởi công dự án thì tất cả thủ tục đó phải xong, đúng pháp luật” - ông Trà nói.
Tuổi trẻ