Phú Yên: Tập trung 4 giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022
Đến cuối tháng 8/2022 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chỉ đạt khoảng 30% (thấp hơn các năm trước và thấp hơn mức trung bình cả nước 39,15%).
Phú Yên tập trung 4 giải pháp để phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng còn lại của năm 2022.
- 09-10-2022Tại sao Việt Nam là thị trường quan trọng nhất của đại gia bán lẻ Nhật Bản Aeon trong chiến lược mở rộng ở nước ngoài?
- 09-10-2022Kinh tế trưởng VinaCapital chỉ ra yếu tố giúp Việt Nam trở thành 'vùng an toàn kinh tế' trong các thị trường mới nổi
- 09-10-2022Đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua TP Hải Phòng
Đó là chia sẻ của ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, xoay quanh các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương trong năm 2022.
- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về con số 30%, (tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công), mà Phú Yên đạt được tính đến nay?
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng để thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2025. Tuy nhiên, trong năm 2021 và 8 tháng năm 2022, bên cạnh một số thuận thì Phú Yên cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc triển khai thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh. Do đó, đến cuối tháng 8/2022 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chỉ đạt khoảng 30% (thấp hơn các năm trước và thấp hơn mức trung bình cả nước 39,15%).
Trong đó, một số nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đó là: Dịch bệnh Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và tiến độ làm hồ sơ thủ tục đưa ra bán đầu giá quyền sử dụng đất các khu đất theo kế hoạch khá chậm, làm cho tiến độ huy động vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất không đạt theo kế hoạch đề ra, ảnh hướng đến tiến độ giải ngân vốn của các dự án.
Bên cạnh đó, giá vật tư, vật liệu, nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện các công trình. Đặc biệt các gói thầu thực hiện theo loại hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định đang triển khai, việc giá vật tư, vật liệu, nhiên liệu tăng cao dẫn đến tình trạng thực hiện hợp đồng bị lỗ, nhà thầu thi công cầm chừng, chờ điều chỉnh hoặc chờ giá vật tư giảm, qua đó làm chậm tiến độ thực hiện dự án và chậm giải ngân vốn.
Song song đó, công tác bồi thường, GPMB, hỗ trợ tái định cư của một số dự án lớn, trọng điểm của tỉnh còn chậm, chưa xử lý dứt điểm. Nguyên nhân là do công tác quy hoạch khiến chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn (do nguồn gốc đất phức tạp và trải qua nhiều thời kỳ), chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư có nhiều thay đổi, nhiều hộ dân chưa thống nhất và đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước nên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng bị kéo dài, không có mặt bằng để thi công và phải mất rất nhiều thời gian để xử lý, ảnh hưởng đến tiến độ dự án đã phê duyệt.
Mặt khác, nguồn cung cấp nguyên vật liệu trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, không đủ đáp ứng so với nhu cầu thực tế để triển khai thực hiện các dự án do số lượng mỏ đất, cát trên địa bàn tỉnh được quy hoạch, cấp giấy phép khai thác còn ít. Ngoài ra, những tháng đầu năm, là giai đoạn các chủ đầu tư thực hiện các bước lập thủ tục chuẩn bị đầu tư; điều chỉnh dự toán công trình, lập và phê duyệt phương án đền bù, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu... Do đó, chưa có khối lượng nghiệm thu để thanh toán giải ngân vốn, chưa kể, việc thanh toán thường được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.
- Vì sao tỉnh Phú Yên phải thành lập Ban Chỉ đạo thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công? Kế hoạch, nhiệm vụ và cách thức vận hành như thế nào, thưa ông?.
Nhằm thực hiện hiệu quả các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương trong tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân. Do đó, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công tập trung quán triệt, nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp, trong đó xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra trong bối cảnh thích ứng an toàn với điều kiện dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, trong 8 tháng tình hình giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chưa có kết quả khả quan, dưới mức bình quân chung của cả nước.
Vì vậy, mới đây UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Quyết định số 1114/QĐUBND ngày 19/9/2022 thành lập Ban Chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh, trong đó Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng Ban Chỉ đạo, ngoài ra, thành viên Ban Chỉ đạo là Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và Chủ tịch, Phó Chủ tịch của UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Việc thành lập Ban Chỉ đạo về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 nhằm mục đích thường xuyên kiểm tra, rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Chủ đầu tư trong quá trình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công (nhất là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác GPMB các dự án), phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
- Vậy, Ban Chỉ đạo sẽ hoạt động ra sao để chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công cán đích 100% vào cuối năm nay, thưa ông?”.
Để góp phần nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong những tháng còn lại của năm 2022, Ban Chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Phú Yên sẽ tập trung triển khai vào 4 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:
Một là, triển khai Kế hoạch làm việc với các chủ đầu tư, các địa phương liên quan để tham mưu giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, đặc biệt là các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB.
Hai là, phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, động viên, thuyết phục nhân dân chấp hành pháp luật về đất đai, vận động để người dân hiểu, đồng tình ủng hộ công tác GPMB.
Ba là, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn tất thủ tục thanh toán khối lượng để giải ngân hết kế hoạch vốn giao.
Bốn là, các thành viên Ban Chỉ đạo được phân công nhiệm vụ cụ thể, phải theo dõi sát sao, nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, chủ đầu tư để đề xuất biện pháp tháo gỡ và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về các nhiệm vụ được phân công; đồng thời, để thuận tiện trong công tác tổ chức thực hiện và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, Ban Chỉ đạo cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương và chủ đầu tư.
- Xin cám ơn ông!
Diễn đàn doanh nghiệp