Phúc Long về tay Masan: Biên lợi nhuận gộp tăng từ 35% lên hơn 60%, tốt nhất trong các mảng
Trong năm 2023, Masan đặt mục tiêu Phúc Long Heritage sẽ mang về mức doanh thu thuần từ 2.500 tỷ đồng đến 3.000 tỷ đồng.
Các dữ liệu từ báo cáo của tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) cho biết, năm 2019, biên lãi gộp của Phúc Long rơi quanh mức 35%. Đến thời điểm hiện tại, kết thúc quý 2/2023, con số này ở Phúc Long đang là 64,4% - tốt nhất trong số các mảng kinh doanh của Masan.
Các cửa hàng Phúc Long bên ngoài chuỗi cửa hàng/siêu thị WinCommerce có doanh thu tăng trưởng khả quan, đạt 581 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, tương ứng với mức tăng trưởng 3,9% so với cùng kỳ. Đối với ki-ốt, mô hình Hub & Spokes giúp nâng doanh thu trung bình hàng ngày của các ki-ốt lên 40% so với trước khi chuyển đổi mô hình trong nửa đầu năm 2023.
Hub & Spokes là mô hình chuyển khách hàng online từ cửa hàng flagship sang ki-ốt xung quanh đó vào giờ cao điểm. Động thái này giúp các cửa hàng flagship phục vụ khách hàng tại cửa hàng tốt hơn và mang lại 8% tăng trưởng doanh thu cho các ki-ốt được thí điểm.
Với sự khả quan của mô hình này, Phúc Long sẽ tiếp tục triển khai mô hình Hubs & Spokes, cải thiện doanh số B2B và đặt mục tiêu mở thêm 25 cửa hàng mới trong nửa cuối năm 2023, đồng thời cải thiện doanh thu trên mỗi cửa hàng tiệm cận mức của nửa cuối năm 2022.
Theo báo cáo thường niên năm 2022 của Masan, sau khi về "chung một nhà, Phúc Long đã có sự ‘tăng trưởng đáng kể về doanh thu và số lượng cửa hàng’. Tính đến cuối năm 2022, chuỗi này có 111 cửa hàng đại diện thương hiệu và 21 cửa hàng mini – cao gần gấp đôi số lượng cửa hàng từ khi Masan lần đầu đầu tư vào công ty năm 2021.
Masan cũng chia sẻ năm 2022, Phúc Long đứng thứ 2 về doanh thu và đứng đầu về biên lợi nhuận gộp trong chuỗi cà phê và trà nội địa. Trong đó, hoạt động bán hàng trực tuyến đóng góp tới 35% tổng doanh thu của chuỗi. Tổng cộng, trong năm qua chuỗi này thu về 1.579 tỷ đồng doanh thu, với lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) đạt 195 tỷ đồng.
Các cửa hàng flagship (đại diện thương hiệu) của Phúc Long đã mang lại hiệu quả kinh tế, trong đó biên EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) cấp cửa hàng và công ty lần lượt đạt 31% và 25%. Đây là ‘mức cao nhất ngay cả khi so sánh với các chuỗi F&B trên toàn cầu’.
Phúc Long là một tên tuổi lâu đời trong ngành trà, cà phê của Việt Nam, ra đời năm 1968 ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Tuy nhiên, phải đến năm 2012, họ mới bắt đầu nghĩ đến việc chế biến thành thức uống trà sữa, trà hoa quả... để bán cho khách hàng, thay vì chỉ bán nguyên liệu trà và cà phê như trước kia.
Ban đầu, Phúc Long chỉ mở hai quán tọa lạc ở trung tâm quận 1 – TP.HCM và trà sữa nổi lên như một thức uống hot-trend, doanh nghiệp này bắt đầu mở rộng kinh doanh và thương triệu Phúc Long trở nên nổi tiếng trong làng F&B.
Vào tháng 5/2021, Masan - thông qua công ty con trực tiếp là công ty TNHH The Sherpa mua 20% vốn cổ phần của CTCP Phúc Long Heritage với giá 15 triệu USD (khoảng 352 tỷ đồng), tương ứng định giá 75 triệu USD. Nửa năm sau, vào tháng 1/2022, Masan mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%, qua đó nắm quyền chi phối thương hiệu đồ uống này.
Tháng 8/2022, Masan tiếp tục mua thêm 34% vốn cổ phần của Phúc Long.
"Tại Masan, chúng tôi thường nhìn vào những thương hiệu mạnh trên thị trường. Đó là lý do vì sao Masan đầu tư vào Phúc Long, một thương hiệu nội địa khá mạnh. Chúng tôi nghĩ rằng với Phúc Long, ta có thể mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới", ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group nói.
Trong năm 2023, Masan đã đặt mục tiêu Phúc Long Heritage sẽ mang về mức doanh thu thuần từ 2.500 tỷ đồng đến 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng vững chắc từ 58% đến 90% so với năm 2022 nhờ mở thành công từ 75 đến 90 cửa hàng flagship và duy trì hiệu quả doanh thu của cửa hàng mới như cửa hàng hiện có.
Một nhân tố khác giúp thúc đẩy doanh thu là Phúc Long cũng sẽ bắt đầu tích hợp chương trình khách hàng thân thiết vào chương trình Hội viên WIN của Masan, mang đến cho các khách hàng nhiều lợi ích hơn khi thường xuyên thưởng thức Phúc Long.
Cuối cùng, Phúc Long sẽ xem xét đổi mới thực đơn trong nửa cuối năm để mang đến cho người tiêu dùng các món thức uống chủ đạo tươi mới, thú vị hơn. Để chuẩn bị cho việc mở rộng ra thị trường quốc tế trong năm 2024/2025, CEO mới của Phúc Long với bề dày kinh nghiệm trong mảng nhượng quyền thương hiệu quốc tế sẽ phát triển các quy trình và hệ thống vận hành chuẩn quốc tế bắt đầu từ năm nay.
Tổ quốc