Phùng Anh Tuân: Từ độ Kia Morning tới thổi hồn cho những chiếc Mercedes-Benz tại Việt Nam
Nếu bạn gặp một anh chàng trẻ tuổi nào đó có thân hình mảnh khảnh, tay xách một chiếc laptop, bước xuống từ một chiếc Mercedes-Benz để… sửa một chiếc Mercedes-Benz khác, thì đó có thể là Phùng Anh Tuân, người mà tôi cho rằng đang thổi hồn cho những chiếc Mercedes-Benz tại Việt Nam.
Tôi tình cờ biết đến Anh Tuân cách đây khá lâu qua một người bạn đam mê xe cộ. Lúc đó, theo những gì tôi biết và cảm nhận được thì Anh Tuân là một người khá ít nói, một thanh niên trầm tính đang ấp ủ làm điều gì đó với những chiếc Mercedes-Benz tại Việt Nam. Thời điểm đó, nâng cấp xe, retrofit còn là một khái niệm xa lạ…
Có lẽ sở thích này bắt nguồn từ chính những nhu cầu sử dụng khá đơn giản của bản thân khi mua và sử dụng một chiếc xe. Với nhiều người mua xe, đặc biệt là xe sang nếu có tìm hiểu thì cũng biết rằng số lượng option được trang bị của xe trong nước và nước ngoài khác nhau đến như thế nào. Để có được một mức giá bán hợp lý hơn với mặt bằng thị trường trong nước, rất nhiều chiếc xe tại Việt Nam bị cắt bỏ option hữu ích.
Trong quá trình sử dụng, nếu cảm thấy option nào đó là cần thiết, chắc chắn họ sẽ có nhu cầu nâng cấp. Với cá nhân mình, câu chuyện có lẽ bắt đầu từ chiếc xe đầu tiên, một chiếc Kia Morning Van với số lượng option đếm trên đầu ngón tay. Ở thời điểm bắt đầu mình mua đồ về và lắp ráp những option cơ bản như gương gập điện tự động, đầu DVD, dàn loa mới và camera lùi. Tất cả đều tự tìm tòi một mình mà không nhờ đến sự trợ giúp của bất kì ai ngoài internet.
Nghe thì đơn giản vậy nhưng mình đã phải trải qua quá trình tìm hiểu và học hỏi rất lâu từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường ở Bách Khoa. Trong suốt quá trình học tập, bản thân cũng được truyền cảm hứng rất nhiều từ người cha làm cơ khí và có cơ hội tìm hiểu được nhiều điều từ garage riêng của anh trai.
Phải nói rằng đại học Bách Khoa là một ngôi trường hữu ích. Đó là cái nôi nghiên cứu, cho mình những hiểu biết về kỹ thuật. Chương trình mà mình theo học hồi đó là chương trình học bằng tiếng Anh nên mình may mắn được tiếp xúc với nhiều tài liệu kỹ thuật bằng tiếng Anh. Đó là cơ sở rất tốt để mình có thể theo đuổi sở thích retrofit hiện tại. Với kiến thức nền được trang bị, việc đọc và hiểu các tài liệu kỹ thuật xe hơi, các sơ đồ mạch điện cũng đơn giản hơn. Những điều đã học không thể giúp được mình một cách trực tiếp, nhưng nó giúp mình có khả năng tư duy trong công việc.
Ở thời điểm mình bắt đầu làm retrofit, manh nha đâu đó cũng có một vài cơ sở, nhưng chủ yếu họ nâng cấp những option về giải trí như loa đài hay DVD. Còn những người có sở thích tìm hiểu và tập trung cho những option an toàn của xe như mình lại rất ít. Đó cũng chính là những điều thôi thúc bản thân mình tìm hiểu và quyết làm cho tới mới thôi.
Lý do thì đơn giản lắm, mình đang chạy Mercedes-Benz mà, cũng giống như câu chuyện ngày trước mình nâng cấp chiếc Kia Morning thôi. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, mình đặc biệt có niềm yêu thích với dòng xe này. Hơn nữa, Mercedes-Benz có thể nói là hãng xe sang có doanh số vượt trội nhất ở Việt Nam, tính cả trên thị trường xe mới và xe cũ. Thời gian đầu, cộng đồng người chơi xe lớn cũng là điều khiến cho mình tin rằng sở thích retrofit của mình có khả năng và có môi trường để phát triển.
Học phí là điều bắt buộc phải trả khi muốn học qua một thứ gì đó. Khi mới bắt đầu tìm hiểu, mình cũng phải trả một khoản phí nhất định. Học phí được tính bằng nhiều đơn vị: tiền bạc, thời gian, công sức. Với mình, học phí thời kì đầu tiên là khoản tiền phải bỏ ra để mua tài liệu, mua bản quyền, mua phần mềm, mua phần cứng, là thời gian, là công sức đã bỏ ra để nghiên cứu. Cũng chẳng tránh được những lần "đóng học phí" lớn, ngoài những đồ bị hỏng, có những lần mất cả chục triệu vì những thiết bị không thể sử dụng được.
Nói dễ dàng vượt qua thất bại thì cũng không đúng, nhưng nản chí thì mình chưa từng. Những thí nghiệm trong phòng lab của Bách Khoa trong suốt ngần ấy năm đã xây dựng cho mình một tinh thần quen với thất bại.
Mình làm vì sở thích, không quá thiên hướng về chuyện làm kinh doanh lớn, nên không quá đặt nặng việc chuyện được biết đến. Ban đầu, sau những nâng cấp thành công, mình có những bài viết chia sẻ trên mạng xã hội, trong những hội nhóm chơi xe về những option đã nâng cấp được, để người ta biết được rằng: "À, xe của mình có thể làm được những điều như vậy". Và rồi sau mỗi lần chia sẻ, lại có thêm những người tìm đến mình để cải thiện chiếc xe của họ theo những cách tốt hơn.
Mê xe có lẽ là đam mê không tuổi. Khách hàng ấn tượng nhất của mình là một bác chủ xe đã 60 tuổi, sinh sống và làm việc qua lại giữa Việt Nam và Na-Uy. Điều thú vị là ở mỗi đất nước, bác đều sở hữu cho mình một chiếc Mercedes-Benz GLC. Ngay lập tức bác thấy được sự khác biệt, vì khi mua xe ở Na-Uy bác có được nhiều option hơn. Cuối cùng bác tìm đến mình, để biến chiếc Mercedes-Benz GLC Việt Nam của bác thành một chiếc Mercedes-Benz Việt Nam version Na-Uy.
Còn về chiếc xe ấn tượng nhất, có lẽ là một chiếc Mercedes-Benz C300 AMG. Đó là chiếc xe mà mình đã nâng cấp tất cả những option an toàn hiện có trên thế giới. Quan trọng nhất là là gói hỗ trợ lái Driving Package với những chức năng từ cơ bản như cảnh bảo điểm mù, giữ làn đường cho tới những chức năng cao cấp như hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng Distronic Plus và hỗ trợ đánh lái Steering Assistant. Tổng chi phí nâng cấp kịch sàn khoảng hơn 300 triệu đồng. Đây có thể là một con số lớn và là một khoản tiền đủ để sắm một chiếc xe con. Nhưng nếu so sánh với số tiền đã bỏ ra mua xe và những giá trị an toàn mà nó mang lại thì có lẽ không cần phải nói quá nhiều thêm nữa.
Nói như vậy không đúng lắm. Mỗi option được nhà sản xuất sáng tạo ra thì có 1 chức năng nhất định, và mỗi chức năng thì có một thao thác và phục vụ một mục đích nhất định. Điều quan trọng đối với mình là cần hiểu được những chủ xe cần gì, thói quen lái xe của họ ra sao, con đường đi lại hàng ngày của họ như thế nào, đi xa hay đi gần, đường đông hay vắng, họ đi nhanh hay chậm,... Từ đó, mình tư vấn cho họ lắp đặt những option cần thiết.
Ví dụ, nếu chỉ làm việc trong thành phố thì rõ ràng không cần phanh khoảng cách hay giữ làn đường, vì nó chỉ hoạt động ở tốc độ trung bình trở lên, khi đi trong phố gần như không có cơ hội sử dụng. Nâng cấp theo nhu cầu thực tế nên chuyện lắp thừa option hoặc nâng cấp xong để đó gần như không xảy ra.
Đúng là trên thị trường hiện nay chẳng thiếu những mặt hàng trôi nổi không chính hãng với giá rẻ hơn trông thấy. Là người nâng cấp, mình đã tự tay mua về những sản phẩm không chính hãng về lắp đặt, dùng thử và có những bài đánh giá chi tiết chia sẻ cho anh em trên những cộng đồng mạng.
Mình không phán xét là nên dùng cái này hay cái kia, mọi người sẽ xem và có thể tự đánh giá. Mình chỉ sử dụng hàng chính hãng thôi. Cũng có những khách hàng muốn nhờ mình nâng cấp hàng không chính hãng, nhưng mình thường từ chối và giới thiệu cho họ một số địa chỉ lắp đặt khác. Hàng không chính hãng thường mang đến khá nhiều rủi ro, cả cho người lắp đặt lẫn người sử dụng.
Nếu mà nói lỗi thì đồ điện tử bao giờ cũng có tỉ lệ lỗi nhất định. Để chủ xe yên tâm, mình vẫn thường bảo hành 1 năm, nhưng thực tế thì đồ chính hãng bền lắm, chẳng lấy đâu ra mà hỏng. Lỗi thì có thể xảy ra, nhưng là lỗi thôi, chứ hỏng thì trong suốt 2 năm theo đuổi cái thú này, mình chưa gặp hiện tượng nào.
Ví dụ nhà sản xuất làm ra một cái van cảm biến bị lỗi, hoặc là đi một thời gian bị lỗi thì mình thay cho khách hàng van mới, chứ hỏng nghiêm trọng do cá nhân người lắp gây ra, làm ảnh hưởng đến xe thì không có. Vì để lắp ráp hoàn chỉnh thì bản thân mình cũng đã tìm hiểu và đọc nhiều về kỹ thuật. Khi đã hiểu bản chất và nguyên lý hoạt động thì việc tìm ra lỗi rất đơn giản.
Có nhiều người lắp đặt khác cũng sử dụng hàng chính hãng, nhưng họ làm do được hướng dẫn, kiểu như đấu dây vị trí A vào vị trí B để hoạt động, việc lắp đặt có thể thành công, nhưng họ không hiểu được nguyên lý hoạt động thực sự, nên khi có vấn đề xảy đến, họ không biết cách sửa chữa. Nếu ai muốn theo đuổi thú vui này, mình nghĩ họ cần có đủ khả năng về ngoại ngữ, khả năng đọc hiểu tài liệu điện tử, tài liệu cơ khí và đọc được mạch điện để đảm bảo an toàn cho cả chính họ và những chủ xe được nâng cấp.
Với những người có nhu cầu nâng cấp nhưng lại không ở Hà Nội, nếu option không quá phức tạp thì mình sẽ hướng dẫn garage địa phương lắp đặt theo sơ đồ mình vẽ ra trước đó. Còn về phần mềm thì mình kết nối máy tính qua teamviewer rồi trực tiếp cài đặt. Hồi đầu chưa quen thì làm mất thời gian, nhưng bây giờ thạo rồi thì nhanh lắm. Với những chủ xe ở Hà Nội, hầu hết các option đều có thể nâng cấp trong ngày, nghĩa là sáng mang xe đến, chiều mang xe về. Những option đơn giản thậm chí chỉ cần 1 buổi là có thể hoàn thiện.
Hiện tại, mình nâng cấp được hầu hết các dòng xe của Mercedes-Benz. Trong đó, mạnh nhất là C-Class. Sau khi đã tìm hiểu hết dòng xe này, mục tiêu tiếp theo của mình sẽ là dòng E-Class vì có một số khác biệt về hệ thống điện. Mình chưa từng coi đây là công việc kiếm sống, retrofit đối với mình là một sở thích và mình sẽ tiếp tục duy trì sở thích này.
Rất cảm ơn Tuân vì buổi phỏng vấn ngày hôm nay, chúc Tuân có một năm mới vui vẻ và hạnh phúc.
Trí thức trẻ