Phương án sắp xếp 19 doanh nghiệp khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước kết thúc hoạt động
Nhiệm vụ quản lý Nhà nước với tập đoàn, tổng công ty sẽ do các bộ chịu trách nhiệm quản lý, bảo đảm tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu.
- 21-11-2024Tín hiệu xấu từ nhiều doanh nghiệp Nhà nước
- 19-09-2024Đề xuất mới về lương, thưởng trong doanh nghiệp nhà nước
- 05-09-2024Tin mới về tiền lương, phụ cấp khối doanh nghiệp Nhà nước
Một số tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ Chính phủ
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 đã ký ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.
Theo kế hoạch được ban hành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động và chuyển chức năng, nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan.
Thực hiện theo phương án này, dự kiến sẽ chuyển chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty (hiện đang giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý) về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.
Đối với các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực liên quan đến phạm vi hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty sẽ do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm quản lý, bảo đảm tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu.
Đối với một số tập đoàn lớn, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ( PVN ), Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN ), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam... thì nghiên cứu xác định là đầu mối tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.
Cần thành lập tổ chức phối hợp liên ngành
Đối với Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng sẽ kết thúc hoạt động và chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan.
Thực hiện phương án này, dự kiến chuyển nhiệm vụ của Ủy ban về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Việc điều chuyển này nhằm thực hiện nhiệm vụ điều phối giám sát chung đối với thị trường tài chính (gồm chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng ) trong điều kiện các luật chuyên ngành đang giao trách nhiệm cho các bộ, ngành thực hiện chức năng giám sát chuyên ngành.
Theo phương án này, cần thành lập tổ chức phối hợp liên ngành do lãnh đạo Chính phủ làm người đứng đầu để chỉ đạo hoạt động điều phối giám sát chung đối với thị trường tài chính.
Cũng theo kế hoạch vừa được ban hành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ sáp nhập vào Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển (tổ chức lại thành 1 đầu mối độc lập thuộc Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển).
Thực hiện phương án này, về cơ bản vẫn tạo điều kiện cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ có tính độc lập như hiện nay; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng quản lý bảo hiểm (hiện nay do Bộ trưởng Bộ Tài chính là Chủ tịch) chỉ đạo công tác quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được hiệu quả.
Đối với 2 Viện Hàn lâm, có hai phương án sắp xếp:
Phương án 1: Hợp nhất Viện Hàn lâm Khoa học xã hội với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ thành Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam;
Phương án 2: Duy trì 2 Viện Hàn lâm nhưng thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu của Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam.
Tiền phong