MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phương thức linh hoạt nhằm xử lý dứt điểm nợ xấu tại Doanh nghiệp - Bài toán dành cho DATC

27-12-2018 - 11:00 AM | Doanh nghiệp

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội và Đề án 1058 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại toàn hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, đã có gần 165.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý xong, trong đó có không ít các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước.

Tín hiệu lạc quan cho các doanh nghiệp đã có, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều vấn đề cần phải xem xét trong quá trình hỗ trợ xử lý nợ xấu cho các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua.

Xử lý nợ gắn với tái thiết doanh nghiệp - Câu chuyện dài kỳ

Theo số liệu từ Ngân hàng nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2018, tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 2,09% và là 6,67% nếu bao gồm cả các khoản nợ đã bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu, tương ứng 486.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các số liệu trên mới phản ánh quy mô nợ xấu trong các tổ chức tín dụng chứ chưa phản ánh hết mức độ nợ xấu của nền kinh tế.

Đối với một doanh nghiệp có chức năng đặc biệt như DATC (Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam) có nhiệm vụ lấy xử lý nợ gắn với tái thiết phục hồi doanh nghiệp làm cơ chế hoạt động, rõ ràng cách nhìn về nợ xấu của nền kinh tế không chỉ dừng lại ở đó. Nợ xấu trong phạm vi hoạt động của DATC không chỉ bao gồm nợ xấu của các tổ chức tín dụng mà còn là các khoản nợ có tính chất “nhà nước” và các khoản cấp vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp. Do đó, đối với DATC việc hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nợ xấu còn cần được xem xét từ cả phương diện nợ phải trả của doanh nghiệp.

Tính đến nay, DATC đã xử lý được khoảng 90.000 tỷ đồng nợ xấu tại gần 3.000 doanh nghiệp nhà nước. Nếu so với các biện pháp xử lý nợ khác như mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, bán nợ, cơ cấu lại nợ, xử lý tài sản…, thì cơ chế xử lý nợ gắn với tái thiết doanh nghiệp của DATC sẽ xử lý được tận gốc vấn đề nợ xấu, làm gia tăng giá trị doanh nghiệp. Việc gắn kết xử lý nợ với đảm bảo an sinh xã hội, tăng thu ngân sách nhà nước và xã hội hóa đầu tư cho các nhà đầu tư tư nhân cùng tham gia xử lý nợ hoặc nhận chuyển nhượng vốn góp sau này sẽ mang đến hoạt động ổn định hơn cho doanh nghiệp sau quá trình xử lý nợ xấu.

Sự vận động của thị trường mang đến thách thức mới cho DATC

Hiện nay quy mô khoản nợ xấu ngày càng lớn với tính chất phức tạp hơn do quy mô và hình thức khoản vay thay đổi. Khi nhu cầu khoản vay của doanh nghiệp ngày càng lớn, thông thường các doanh nghiệp này sẽ tìm đến nhiều tổ chức tín dụng khác nhau cả trong nước và quốc tế. Nhu cầu xử lý nợ của mỗi tổ chức tín dụng lại có sự khác biệt, không thể mua nợ cùng lúc với nhiều tổ chức tín dụng - điều này sẽ khiến thời gian xử lý nợ bị kéo dài. Thực tế này đã đặt ra bài toán cần sớm xây dựng bộ quy tắc cho phép áp dụng cơ chế tái cơ cấu doanh nghiệp không qua tòa án (Work-out) với nguyên tắc chung là từ 51% số chủ nợ với từ 75% giá trị nợ đồng ý thì phương án tái thiết được thông qua.

Đồng thời, đối với những trường hợp doanh nghiệp mà nhà nước yêu cầu tái cấu trúc cần cho phép áp dụng cơ chế trả giá mua nợ bằng tiền tương ứng phần giá trị nợ được đánh giá theo phương án tái cơ cấu. Phần thặng dư do giá chào bán của tổ chức tín dụng cao hơn sẽ được trả bằng trái phiếu đặc biệt do tổ chức tái thiết doanh nghiệp phát hành để chia sẻ rủi ro hoặc lợi ích thu được sau này để đẩy nhanh việc đàm phán mua bán nợ, dành thời gian cho tái thiết.

Những khoản nợ có tính chất “Nhà nước” là các khoản cho vay từ VDB, các khoản Chính phủ cho vay lại vốn vay nước ngoài, các khoản nợ về thuế… hiện áp dụng cơ chế xử lý không phù hợp, dẫn đến sự lệch pha với xử lý các khoản nợ xấu thương mại. Vì vậy, nhu cầu áp dụng cơ chế thị trường khi xử lý các khoản nợ có tính chất “Nhà nước” bình đẳng như với các khoản nợ thương mại là điều cần thiết.

Thực tế cho thấy các doanh nghiệp tái thiết qua hoạt động xử lý nợ thường rất khó tiếp cận nguồn vốn mới trong khi đây là yêu cầu thiết yếu để khởi động quá trình phục hồi doanh nghiệp. Vì vậy các ngân hàng cũng cần có cơ chế được tái cấp vốn phù hợp phương án phục hồi doanh nghiệp, song song với đó là việc cho phép các tổ chức xử lý nợ được sử dụng nguồn lực của mình để hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp như một nguồn vốn mới để tái cơ cấu phục hồi hoạt động.

Xu hướng các doanh nghiệp có dự án lớn vay nợ nước ngoài trong bối cảnh hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế ngày càng nhiều. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô khoản nợ cần xử lý ngày một lớn, mang tính chất liên quốc gia. Do đó, cần có cơ chế phối hợp, hợp tác xử lý nợ giữa các nước như việc xem xét hình thành Quỹ tái thiết doanh nghiệp hoặc Quỹ xử lý nợ xấu với sự tham dự đầu tư của các nhà đầu tư, các AMC các nước là điều rất cần thiết.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên