MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phương thuốc nào cứu doanh nghiệp?

Trước khó khăn chưa từng có do đại dịch, nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP HCM đã kêu gọi 5.000 chữ ký trực tuyến đề nghị Chính phủ hỗ trợ 3 nhóm vấn đề liên quan người lao động, thuế - chi phí và tài chính - ngân hàng.

Số liệu mới từ Tổng cục Thống kê cho thấy 8 tháng qua, cả nước có hơn 85.500 DN rời khỏi thị trường. Khó khăn của DN cũng kéo theo hàng loạt tác nhân trong một chuỗi ngành hàng, ngân hàng, hợp tác xã, nông dân, lao động tự do phụ trợ... bị ảnh hưởng, nếu DN không được trợ lực để đứng vững.

Người bệnh thì cần dùng đúng thuốc, đủ liều, có phác đồ khám - điều trị đúng cách. Cùng với tăng tốc tiêm vắc-xin bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, DN cũng đang rất cần nhà nước và ngân hàng trợ lực bằng những "liều vắc-xin chính sách" + vốn + hiệu quả thực thi. Nhà nước mở rộng các hỗ trợ miễn, giảm thuế, chậm nộp, thực thi các chính sách bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động. Ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất, triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi mới là cần thiết. Nhưng "liều vắc-xin chính sách mới" phải khắc phục được những bất cập của chính sách cũ.

Phải nhìn nhận chính sách hỗ trợ DN vừa qua và hiện nay là chưa đủ. Cần rà soát lại các giải pháp, biện pháp hỗ trợ vừa qua. Phải tách bạch rõ ràng giữa chính sách an sinh xã hội (hỗ trợ người lao động khó khăn, mất việc) với chính sách tăng cường năng lực, phải dựa trên khả năng hấp thụ vốn, gói hỗ trợ của DN.

Không phân bổ hỗ trợ bình quân theo từng DN để tránh dàn trải, triệt tiêu nguồn lực. Cần chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị nguồn lực cần thiết triển khai các biện pháp trước mắt mang tính ngắn hạn, giúp DN vượt qua khó khăn hiện tại và phục hồi nhanh sau khi kiểm soát được dịch bệnh nhưng quan trọng hơn vẫn là việc chuẩn bị tốt, bố trí nguồn lực thực thi các giải pháp dài hạn.

Mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi DN cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó trước diễn biến phức tạp và phục hồi sau dịch. Trong đó, cần phải có gói giải pháp trước mắt mang tính "cấp cứu" và giải pháp dài hạn sau khi dịch bệnh được khống chế.

Việc hỗ trợ ngắn hạn, cần quan tâm 3 giải pháp cấp thiết: Một là, bảo đảm các chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa thông suốt. Hai là, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN và lực lượng lao động. Ba là, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, tạo điều kiện cho DN ổn định và duy trì hoạt động sản xuất.

Các nhóm giải pháp dài hạn cần được xây dựng kỹ càng, bố trí nguồn lực thực hiện. Xây dựng chiến lược, chính sách phát triển DN, phát huy lợi thế ngành, lĩnh vực, chuyển đổi mô hình phát triển thích ứng. Ứng dụng công nghệ tốt, nhiều hơn và sớm nhất có thể để thay thế các phương thức thủ công. Trong điều kiện nguồn lực đầu tư công hạn hẹp, cần rà soát, đình hoãn các công trình đầu tư công như xây trụ sở, điểm vui chơi, thắt chặt chi tiêu hành chính và tranh thủ các nguồn tài chính quốc tế hỗ trợ phục hồi đại dịch.

Dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, nên bên cạnh phương thuốc cấp cứu DN thì những "liều vắc-xin" nâng cao năng lực chống chọi, thích ứng của DN là phương cách lâu dài cho tương lai.

Theo TS TRẦN HỮU HIỆP

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên