MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PIV: Nguyên Chủ tịch dùng 42 tài khoản thao túng giá, kiểm toán nêu loạt ý kiến liên quan hàng tồn, công nợ với nhóm khách hàng Trung Quốc…

02-06-2019 - 06:44 AM | Doanh nghiệp

PIV những kỳ báo cáo tài chính gần đây luôn bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ, liên quan đến các khoản phải thu, phải trả, công nợ với các bên khách hàng, đặc biệt những đối tác Trung Quốc. Thị giá cổ phiếu hiện chưa đến 1.000 đồng.

UBCKNN vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Hoàng Thị Hoài - nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP PIV (UpCOM: PIV). Cụ thể, căn cứ vào kết quả giám sát, kiểm tra của UBCKNN và kết quả xác minh của Cơ quan Công an cho thấy bà Hoàng Thị Hoài - nguyên Chủ tịch HĐQT PIV đã sử dụng 42 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu PIV.

Căn cứ kết quả xác minh của Cơ quan Công an, hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu PIV của bà Hoàng Thị Hoài gây ra chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, UBCKNN quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Hoàng Thị Hoài với số tiền 600 triệu đồng.

Được biết, bà Hoàng Thị Hoài bị miễn nhiệm chức danh HĐQT của PIV vào ngày 29/6/2018. Theo dữ liệu giao dịch gần nhất vào ngày 6/7/2018, bà Hoài sở hữu hơn 1,6 triệu cp PIV, tương ứng với tỷ lệ 9,46%.

Trên thị trường, giao dịch cổ phiếu PIV cũng hết sức "đặc biệt" với 3 trạng thái, trần, sàn, tham chiếu đan xen, thanh khoản lèo tèo và thị giá chỉ vài ngàn đồng. Đi cùng với giao dịch kỳ lạ, PIV những kỳ báo cáo tài chính gần đây luôn bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ, liên quan đến các khoản phải thu, phải trả, công nợ với các bên khách hàng, đặc biệt những đối tác Trung Quốc.

Kết quả năm 2017, do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC, cổ phiếu PIV chính thức nhận án hủy niêm yết. Giai đoạn trước đó, bà Hoài với chức danh Chủ tịch HĐQT đã tranh thủ thực hiện gom vào cổ phiếu với khối lượng đăng ký từ 1 - 2 triệu cp bằng cả hai phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Tuy nhiên, nguyên Chủ tịch PIV chỉ gom được vài trăm cổ phiếu ở mỗi lần giao dịch.

PIV: Nguyên Chủ tịch dùng 42 tài khoản thao túng giá, kiểm toán nêu loạt ý kiến liên quan hàng tồn, công nợ với nhóm khách hàng Trung Quốc… - Ảnh 1.

Sau thông tin phạt từ UNCKNN, cổ phiếu PIV đang trần tại mức 800 đồng/cp.

Liên tục thay đổi trụ, phải thu tăng đột biến

Về PIV, Công ty có tiền thân là CTCP Tư vấn dịch vụ tài sản Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam được thành lập từ năm 2008, sau đó được đổi tên thành CTCP Đầu tư và Thẩm định giá Dầu khí PIV. Năm 2011 bộ phận thẩm định giá được tách ra thành CTCP Thẩm định giá PIV còn CTCP Đầu tư và Thẩm định giá Dầu khí PIV cũng được đổi tên thành CTCP PIV trong năm này. Hoạt động chính ban đầu của PIV là tư vấn thẩm định giá, đầu tư tài chính.

Ngày 19/8/2010, Công ty đăng ký niêm yết hơn 18 triệu cổ phiếu và đến ngày 17/11/2010 thông qua phương án phát hành tăng vốn điều lệ lên 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi lên sàn, tình hình kinh doanh PIV liên tục giảm sút, thua lỗ hai năm liền khiến cổ phiếu đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết.

Bước sang năm 2014, Công ty chuyển hướng sang kinh doanh thiết bị y tế, vật liệu xây dựng, cung cấp lắp đặt dây chuyền sản xuất phục vụ các khu công nghiệp, thiết bị dạy nghề. Động thái này không những giúp PIV thoát khỏi nguy cơ hủy niêm yết, mà còn mang về khoản lợi nhuận đột biến, cổ phiếu theo đó cũng thăng hoa.

Song, tổng nợ và khoản phải thu của PIV cũng độn lên gấp nhiều lần, năm 2014 khoản phải thu tăng cả chục lần, từ mức vài trăm triệu vọt lên hàng chục tỷ đồng. Kể từ đó, khoản phải thu hàng năm liên tục tăng, từ mức 37 tỷ năm 2014, sang năm 2015 tăng lên hơn 47 tỷ, năm tiếp theo nhảy vọt lên 120 tỷ đồng… chiếm 70-80% tổng tài sản. Tổng nợ cũng tăng mạnh.

PIV: Nguyên Chủ tịch dùng 42 tài khoản thao túng giá, kiểm toán nêu loạt ý kiến liên quan hàng tồn, công nợ với nhóm khách hàng Trung Quốc… - Ảnh 2.

Khoản phải thu hàng năm liên tục tăng, từ mức 37 tỷ năm 2014, sang năm 2015 tăng lên hơn 47 tỷ, năm tiếp theo nhảy vọt lên 120 tỷ đồng… chiếm 70-80% tổng tài sản.

Đặc biệt, PIV tiếp tục trụ sang mảng tạm nhập tái xuất linh kiện IC cảm ứng, với đóng góp gần 80% tổng doanh thu năm 2017, đi cùng nhiều yếu tố bất thường khiên kiểm toán "bó tay".

Kiểm toán ngoại trừ liên quan đến công nợ với nhóm khách hàng Trung Quốc

Năm 2018, PIV đạt 10 tỷ doanh thu, thực hiện chưa đến 17% chỉ tiêu, Công ty ghi nhận thua lỗ hơn 24,5 tỷ đồng. Với tình hình trên, PIV quyết định không chia cổ tức 2018, đồng thời HĐQT và BKS cũng không nhận thù lao.

Trên BCTC 2018, kiểm toán đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ, bao gồm:

(1) Kiểm toán cho biết không được tham gia chứng kiến kiểm kê tài sản cố định, hàng tồn kho của Công ty tại thời điểm 21/12/2018, các thủ tục kiểm toán thay thế không thực hiện được với các khoản mục hàng tồn kho tổng giá trị gần 141 triệu đồng. Do đó, kiểm toán viên không đánh giá được tính hiện hữu và giá trị của các khoản mục hàng tồn kho tại thời điểm 31/12/2018 cũng như ảnh hưởng của chúng cho BCTC 2018. Công ty chưa đối chiếu, xác nhận số dư đầy đủ với các đối tác tại thời điểm 31/12/2018, chi tiết tỷ lệ các khoản công nợ chưa được đối chiếu, xác nhận như sau: Người mua trả tiền trước với giá trị 545 triệu đồng, tương ứng tỷ lệ chưa đối chiếu 100%. Phải trả người bán với giá trị hơn 511 triệu đồng, tương ứng tỷ lệ chưa đối chiếu 100%. Các thủ tục kiểm toán thay thế không mang lại cho chúng tôi đầy đủ các bằng chứng kiểm toán cần thiết để đưa ra ý kiến nhận xét về tính hiện hữu, đầy đủ và số dư của các khoản công nợ chưa được đối chiếu, xác nhận.

(2) Liên quan đến khoản đầu tư vào CTCP BOT Cầu Thái Hà với giá mua là 34.000 đồng/cp, số lượng cổ phần hơn 4,4 triệu đơn vị, tổng giá trị chuyển nhượng hơn 151 tỷ đồng, kiểm toán viên không đánh giá được giá trị hợp lý của giao dịch mua lại khoản đầu tư với các cá nhân vào BOT Thái Hà. Đồng thời, toàn bộ khoản tiền nhận được từ thu hồi ủy thác đầu tư của bà Trịnh Huyền Trang, bà Phạm Thị Mai Hương và thu hồi khoản đầu tư CTCP BOT Cầu Thái Hà.

(3) Liên quan đến khoản ủy thác đầu tư của bà Trịnh Thị Huyền Trang và bà Phạm Thị Mai Hương với số tiền ủy thác tại thời điểm 31/12/2018 lần lượt là 38 tỷ đồng và hơn 17 tỷ đồng. Đến ngày 15/1/2019, bà Trịnh Huyền Trang, bà Phạm Thị Mai Hương đã thanh toán với tổng giá trị lần lượt 37,6 tỷ đồng và 18,6 tỷ đồng, chênh lệch so với số dư gốc tại thời điểm 31/12/2018 lần lượt là 358,5 triệu đồng và 1,5 tỷ đồng. Kiểm toán viên cho biết không thu thập được đầy đủ các tài liệu liên quan đến thanh toán trên, không đánh giá được tính chính xác số liệu các khoản thanh toán này có được thanh toán cho các hợp đồng ủy thác đầu tư nêu trên hay không, cũng như khả năng thu hồi khoản ủy thác đầu tư cho bà Phạm Thị Mai Hương với số tiền còn thiếu là 358,4 triệu đồng.

Mới đây, HĐQT PIV đã thống nhất không hồi khoản công nợ sau khi đã đối trừ 3 bên, và không phát sinh lãi với 2 đối tác Trung Quốc là Công ty hữu hạn Xinshen Thẩm Quyến và Công ty hữu hạn Mậu dịch Bảo Hồng Bằng Trường Quảng Châu. PIV cũng yêu cầu 2 đối tác này thực hiện cam kết giới thiệu đối tác kinh doanh tại Trung Quốc. Song song, với những giao dịch tại Việt Nam, 2 đối tác cũng phải ưu tiên chọn PIV.

(4) Trong năm, PIV cũng đã thực hiện bù trừ công nợ 3 bên liên quan, CTCP PIV, Công ty hữu hạn Mậu dịch Bảo Hồng Bằng Tường Quảng Tây và Công ty hữu hạn Công nghệ Hoa Điện với số tiền hơn 3 triệu USD (tương đương gần 74 tỷ đồng); CTCP PIV, Công ty hữu hạn Xinshen Thẩm Quyến và Công ty Thắng Lợi Hồng Kông với số tiền 7,4 triệu USD (tương đương hơn 170 tỷ đồng, chiếm trên 35% tổng tài sản). Đồng thời, với việc bù trừ trên Công ty sẽ không thu lại các khoản lãi trả chậm trả tiền hàng của Công ty hữu hạn Mậu dịch Bảo Hồng Bằng Tường Quảng Tây và Công ty hữu hạn Xinshen Thẩm Quyến, số công nợ không thu nữa ghi nhận tăng chi phí quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, kiểm toán viên đưa ý kiến ngoại trừ rằng không thu thập được đầy đủ các tài liệu liên quan đến việc bù trừ công nợ này, không đánh giá được việc bù trừ, xóa nợ này có phù hợp với hợp đồng ký kết ban đầu hay không, cũng như có đáp ứng được đầy đủ điều kiện được khấu trừ thuế GTGT hàng nhập khẩu đã được Công ty khấu trừ từ các năm trước có đúng theo quy định hay không.

(5) Khoản vay trong năm 2018 với ông Ngô Tiến Cương (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty) với tổng giá trị khoản vay là 30 tỷ đồng nhưng chưa có sự phê duyệt của HĐQT theo quy định Luật Doanh nghiệp. Theo đó, kiểm toán viên không đánh giá dược tính tuân thủ, hiệu lực đối với giao dịch này.

Kiểm toán cũng nhấn mạnh vấn đề liên quan đến ủy thác đầu tư với bà Phạm Thị Mai Hương và bà Trịnh Huyền Trang theo Biên bản làm việc về việc hủy hợp đồng số 3/2017-UTĐT (ngày 18/12/2018) với bà Phạm Thị Mai Hương và số 1/2017-UTĐT (ngày 27/12/2018) với bà Trịnh Huyền Trang, Chủ tịch là ông Ngô Tiến Cương đã ký thống nhất về việc chấp nhận chấm dứt hợp đồng và không thu hồi các khoản lợi nhuận theo hợp đồng. Tuy nhiên, tại ngày 6/12/2018, ông Cương đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Công ty.

PIV: Nguyên Chủ tịch dùng 42 tài khoản thao túng giá, kiểm toán nêu loạt ý kiến liên quan hàng tồn, công nợ với nhóm khách hàng Trung Quốc… - Ảnh 4.

Kết quả kinh doanh 2018 của PIV.

Đặt kế hoạch cho năm 2019, PIV dự đạt 60 tỷ doanh thu, 3 tỷ LNTT và 2,4 tỷ LNST. Công ty dự kiến không tăng vốn cũng như không chi trả cổ tức trong năm nay.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên