PMI của Việt Nam tăng 4 tháng liên tiếp, cao hàng đầu châu Á nhưng có nằm ngoài tác động của khủng hoảng Ukraine?
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (Purchasing Managers’ Index - PMI) của Việt Nam ngày càng cải thiện, nhờ sự khởi sắc của nhu cầu khách hàng.
- 01-03-2022VinaCapital: Các "ông lớn" FDI như Samsung là yếu tố thúc đẩy tầng lớp trung lưu ở Việt Nam gia tăng trong 10 năm qua
- 01-03-2022"Vua Thép" Trần Đình Long lần đầu lọt top 1.000 tỷ phú giàu nhất hành tinh
Thống kê của IHS Markit, PMI của Việt Nam trong tháng 2 đạt 54,3 điểm, tăng 0,6 điểm so với 53,7 của tháng 1. Như vậy, PMI Việt Nam đã tăng trưởng đã tăng tháng thứ tư liên tiếp. Các điều kiện kinh doanh đã cải thiện trong suốt 5 tháng qua, sau khi bị gián đoạn do làn sóng Covid-19 thứ tư trong năm 2021.
Theo IHS Markit, động lực tăng trưởng tổng thể đã cải thiện nhờ nhu cầu khách hàng đã mạnh lên. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh và tốc độ tăng đã nhanh hơn thành mức cao của mười tháng. Nhu cầu quốc tế cũng cải thiện trong tháng 2 khiến hoạt động xuất khẩu tiếp tục tăng đáng kể.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng và điều kiện kinh doanh ổn định đã góp phần làm sản lượng sản xuất tăng tháng thứ 5 liên tiếp. Giống như số lượng đơn đặt hàng mới, tốc độ tăng sản lượng cũng là mức đáng kể nhất kể từ tháng 4 năm 2021.
Tuy nhiên, những khó khăn về nguồn cung tiếp tục cản trở tăng trưởng sản lượng. Mặc dù trong tháng 2 các nhà sản xuất đã tăng việc làm tháng thứ ba liên tiếp, tốc độ tăng việc làm vẫn còn khiêm tốn, khi các báo cáo vẫn cho biết công nhân còn chưa trở lại làm việc do đại dịch.
Thời gian giao hàng của nhà cung cấp tiếp tục kéo dài do khan hiếm nguyên vật liệu và thiếu nhân viên, cộng với những khó khăn của khâu vận chuyển quốc tế. Những hạn chế này, cùng với mức tăng đáng kể của số lượng đơn đặt hàng mới, đã khiến lượng công việc tồn đọng tăng trong tháng 2 sau khi nhìn chung không thay đổi trong tháng 1.
Các nhà sản xuất cho biết giá cả đầu vào tiếp tục tăng mạnh trong tháng, phản ánh chi phí nguyên vật liệu tăng khi các nhà cung cấp tăng giá. Giá dầu tăng mạnh là một trong các nguyên nhân. Việc chuyển gánh nặng chi phí tăng sang cho khách hàng đã khiến giá bán hàng tiếp tục tăng, và đây là lần tăng thứ 18 trong 18 tháng. Tốc độ tăng đã nhanh hơn so với tháng 1.
Hoạt động mua hàng hóa đầu vào đã tăng mạnh trong tháng 2 khi các công ty cố gắng nhập hàng để hỗ trợ tăng sản lượng. Do đó, tồn kho hàng mua đã tăng nhanh nhất trong mười tháng, và trở thành mức tăng lớn nhất từng được ghi nhận. Tồn kho thành phẩm cũng tăng vào giữa quý 1, dù mức tăng nhẹ. Mức tăng này phản ánh không chỉ số lượng đơn đặt hàng mới tăng mà cả những khó khăn trong việc chuyển hàng thành phẩm cho khách hàng giữa những khó khăn của khâu vận tải.
Bình luận về kết quả này, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit đánh giá: "Lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục thể hiện khả năng chống chịu tốt với đại dịch Covid-19 trong tháng 2, khi cả nhu cầu và sản lượng đều có động lực tăng. Tuy nhiên, mọi chuyện không phải đều tốt đẹp khi hạn chế về nguồn cung đã kìm hãm tăng sản lượng.
Các công ty vẫn gặp khó khăn trong việc thuyết phục số lượng công nhân đủ lớn trở lại nhà máy để giải quyết lượng công việc tồn đọng, trong khi nguyên vật liệu vẫn khan hiếm. Do đó, các nhà sản xuất hy vọng những hạn chế này sẽ nhẹ bớt trong những tháng tới và từ đó sản lượng sẽ được giải phóng khỏi sự kìm hãm".
Xét trong khu vực châu Á, bên cạnh Việt Nam, PMI Thái Lan đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 2, trong khi Philippines phục hồi lên mức cao nhất trong ba năm, theo IHS Markit. PMI của Malaysia cũng được cải thiện.
Indonesia chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất trong số các nước Đông Nam Á do sự trở lại của Covid-19, nhưng chỉ số PMI của họ vẫn trên mốc 50.
PMI tại các nền kinh tế châu Á
Ông Lewis Cooper, nhà kinh tế của IHS Markit cho biết: "Điều kiện sản xuất ở ASEAN đã được cải thiện mạnh mẽ trong tháng 2, với chỉ số PMI vẫn ở mức cao, khi sản lượng tăng ổn định trở lại và việc làm mới tăng nhanh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái".
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đại lục được cải thiện nhẹ trong tháng 2, đánh bại kỳ vọng về sự suy giảm do gián đoạn kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. PMI chính thức tăng lên 50,2, trong khi chỉ số Caixin tư nhân tăng lên 50,4.
Khủng hoảng Ukraine sẽ tác động đến các nền kinh tế nào?
Trong khi đó, theo IHS Markit phần còn lại của Bắc Á tiếp tục vật lộn với tình trạng thiếu nguyên liệu, buộc các nhà máy phải giảm sản xuất. PMI của Đài Loan (Trung Quốc) giảm xuống 54,3 trong tháng 2 từ mức 55,1 của tháng trước, trong khi Nhật Bản giảm nhẹ xuống 52,7 từ 52,9. Tăng trưởng hoạt động của các nhà máy ở Nhật Bản đã chậm lại xuống mức thấp nhất trong 5 tháng vào tháng 2 do hạn chế Covid-19 và chi phí đầu vào tăng.
Về cuộc khủng hoảng Ukraine, ông Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life ở Tokyo, cho biết: "Tác động tức thời nhất từ cuộc khủng hoảng sẽ đến từ việc giá dầu tăng, sẽ giáng một đòn mạnh vào nhiều nền kinh tế châu Á".
Liên quan đến các thị trường chịu tác động của khủng hoảng Ukraine, chuyên gia này nhận định: "Nga là nước xuất khẩu lớn khí đốt, kim loại hiếm và các hàng hóa khác cần thiết cho sản xuất chip. Điều đó có nghĩa là cuộc khủng hoảng có thể làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đây sẽ là tin xấu đối với các nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan."