MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PMI Việt Nam tháng 2/2023 được đánh giá ra sao so với Thái Lan, Singapore và các nước trong khu vực ASEAN?

PMI Việt Nam tháng 2/2023 được đánh giá ra sao so với Thái Lan, Singapore và các nước trong khu vực ASEAN?

Theo Báo cáo mới nhất của S&P Global về Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index™ (PMI®) khu vực ASEAN, các điều kiện hoạt động trong ngành sản xuất của khu vực ASEAN tiếp tục có tín hiệu cải thiện trong tháng 2 khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đã lấy lại được động lực tăng.

Không chỉ vậy, cũng trong khoảng thời gian này, việc làm đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 10/2022 và thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã ổn định hơn, kết thúc giai đoạn năng lực người bán hàng suy giảm vốn đã kéo dài trong ba năm.

Theo đó, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Manufacturing Purchasing Managers’ Index (PMI™) ASEAN tháng 2/2023 tiếp tục giữ nhịp tăng tháng thứ 17 liên tiếp, lên mức 51,5 điểm từ mức 51 điểm của tháng 1. Hơn nữa, tốc độ tăng trong khu vực đã tiếp tục cải thiện so với mức thấp của tháng 12/2022.

Xét theo từng quốc gia, Thái Lan là nước dẫn đầu khu vực ASEAN về tăng trưởng trong tháng 2/2023, với PMI đạt 54,8 điểm. Đứng thứ hai là ngành sản xuất của Phillipines, với PMI tháng 2/2023 đạt 52,7 điểm. Cùng xếp vị trí thứ ba là Indonesia và Việt Nam. Theo đó, PMI ngành sản xuất của cả 2 nước đều ở mức 51,2 trong tháng 2/2023. Theo sau là Myanmar, với PMI đã có dấu hiệu tăng trở lại (đạt 51,1 điểm) sau chín tháng liên tục suy giảm.

PMI Việt Nam tháng 2/2023 được đánh giá ra sao so với Thái Lan, Singapore và các nước trong khu vực ASEAN? - Ảnh 1.

Trong khi đó, PMI ngành sản xuất của Singapore đã ghi nhận sự giảm nhẹ, xuống mức 49,7 điểm. Cuối cùng, Malaysia là quốc gia có kết quả kém nhất trong hai tháng liên tiếp. Sức khỏe ngành sản xuất Malaysia đã suy giảm trong suốt các tháng kể từ tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, kết quả PMI mới nhất (48,4) cho thấy đây là mức suy giảm nhẹ nhất trong vòng bốn tháng.

Các chuyên gia S&P Global đánh giá, tăng trưởng PMI của khu vực ASEAN chủ yếu nhờ sản lượng tăng mạnh mẽ. Cụ thể, sản lượng ngành sản xuất đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong bốn tháng. Hơn nữa, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng tháng thứ hai liên tiếp với tốc độ tăng nhanh hơn.

Cũng giống như sản lượng, việc làm đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 10/2022, mặc dù mức tăng chỉ là nhẹ. Trong khi đó, lượng công việc đang có (nhưng chưa thực hiện) đã giảm tháng thứ năm liên tiếp. Ngoài ra, dữ liệu của tháng 2 cũng cho thấy hoạt động mua hàng của các nhà sản xuất ASEAN tiếp tục tăng với tốc độ tăng nhanh nhất trong vòng năm tháng gần đây.

Hơn nữa, hàng tồn kho trước và sau sản xuất đã giảm trong tháng 2, và đây là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 12/2021. Kết quả này cho thấy các công ty đang dựa vào hàng tồn kho hiện có để đáp ứng nhu cầu sản xuất đang tăng mạnh, mặc dù hoạt động mua hàng của họ đã tăng nhanh hơn.

Báo cáo cho biết, kết quả đáng khích lệ nhất của kỳ khảo sát này là sự ổn định về thời gian giao hàng của nhà cung cấp. Dữ liệu tháng 2 cho thấy áp lực lên chuỗi cung ứng duy trì ổn định, từ đó kết thúc thời kỳ suy giảm năng lực người bán hàng vốn đã kéo dài ba năm.

Hơn nữa, áp lực chi phí đã giảm bớt trong tháng 2 khi tốc độ tăng giá đầu vào gần như ngang bằng với mức trung bình dài hạn. Tuy nhiên, nhu cầu trên thị trường quốc tế đối với hàng hóa ASEAN vẫn yếu, khi số lượng đơn đặt hàng từ nước ngoài tiếp tục giảm trong tháng 2.

PMI Việt Nam tháng 2/2023 được đánh giá ra sao so với Thái Lan, Singapore và các nước trong khu vực ASEAN? - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, báo cáo cho hay, các nhà sản xuất ASEAN trong tháng 2 vẫn lạc quan về triển vọng sản lượng trong 12 tháng tới. Bình luận về dữ liệu chỉ số PMI ngành sản xuất ASEAN, ông Maryam Baluch, Chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nói:

“Các điều kiện hoạt động trong ngành sản xuất của khu vực ASEAN đã cải thiện mạnh mẽ trong tháng 2, với tốc độ tăng nhanh nhất trong vòng bốn tháng. Cùng với đó, sản lượng cũng tăng với tốc độ nhanh nhất từng được ghi nhận. Số lượng đơn đặt hàng tại nhà máy tăng với tốc độ nhanh hơn, trong khi việc làm đã hồi phục và tăng nhẹ lần đầu tiên trong vòng bốn tháng.

Vị chuyên gia nhận định, yêu cầu về hoạt động kinh doanh tăng cũng khiến các công ty phải tăng hoạt động mua hàng với tốc độ nhanh nhất trong vòng năm tháng trở lại, và các công ty đã sử dụng hàng tồn kho hiện có để đáp ứng nhu cầu sản xuất tăng.

"Điểm đáng khích lệ là áp lực từ phía cung đã giảm lần đầu tiên trong vòng 37 tháng, thời gian giao hàng hóa đầu vào trung bình đã ổn định. Song song với đó, áp lực lạm phát đã chậm lại so với tháng 1. Về tổng thể, ngành sản xuất ASEAN đã có kết quả tích cực trong tháng 2. Tuy nhiên, tâm lý kinh doanh vẫn ở mức tương đối thấp vì những lo ngại về môi trường kinh tế toàn cầu", Chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence đánh giá.

Giang Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên