PMI Việt Nam tháng 6 đạt 54 điểm, cao hay thấp trong khu vực ASEAN?
Theo báo cáo mới nhất của S&P Global, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (Purchasing Managers’ Index - PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 54 điểm trong tháng 6. Mặc dù chỉ số giảm nhẹ so với mức 54,7 điểm trong tháng 5, nhưng vẫn cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện mạnh mẽ.
- 01-07-2022Ồ ạt rút BHXH một lần: Phải bình đẳng trong đóng - hưởng
- 01-07-2022Top 10 địa phương có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất và nhỏ nhất
- 01-07-2022Xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc: Việt Nam hưởng lợi lớn nhưng chưa tận dụng được cơ hội
Ngành sản xuất của Việt Nam kết thúc nửa đầu năm 2022 trong xu hướng tăng trưởng chắc chắn khi nhu cầu và sản lượng được hỗ trợ trong bối cảnh không bị gián đoạn do đại dịch COVID-19. Các công ty cũng ngày càng tuyển được nhiều nhân viên hơn, và tốc độ tạo việc làm đã nhanh hơn thành mức cao của ba năm rưỡi.
Theo đó, báo cáo mới nhất của S&P Global cho thấy, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index™ (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 54 điểm trong tháng 6. Mặc dù chỉ số giảm nhẹ so với mức 54,7 điểm trong tháng 5, nhưng vẫn cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện mạnh mẽ. Các điều kiện kinh doanh đã tốt lên trong suốt 9 tháng qua.
Cụ thể, cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tiếp tục tăng đáng kể vào cuối quý 2, đặc biệt ở lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, khi thị trường tương đối ổn định do không bị gián đoạn bởi đại dịch. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng nhanh hơn. Đây là mức tăng nhanh nhất trong 4 tháng bất chấp những những khó khăn ở khâu vận chuyển.
Báo cáo nhận định, số lượng đơn đặt hàng mới tăng khuyến khích các nhà sản xuất tiếp tục tăng lực lượng lao động trong tháng 6. Bên cạnh đó, tốc độ tạo việc làm đã tăng nhanh hơn, ghi nhận mức tăng cao nhất trong ba năm rưỡi.
Số lượng nhân viên tăng giúp các công ty giải quyết tốt khối lượng công việc, từ đó lượng công việc tồn đọng ghi nhận giảm lần thứ hai trong ba tháng. Trong khi đó, việc chuyển các mặt hàng thành phẩm cho khách hàng đã làm hàng tồn kho sau sản xuất tiếp tục giảm trong tháng 6.
Chi phí đầu vào tiếp tục tăng mạnh, và tốc độ tăng nhanh hơn so với tháng 5. Một loạt nhân tố góp phần làm tăng gánh nặng chi phí, đáng kể nhất là giá khí đốt và giá dầu tăng. Cước phí vận chuyển tăng và giá nguyên vật liệu cũng tăng.
Ngoài ra, chi phí năng lượng và vận chuyển là nguyên nhân khiến giá bán hàng tiếp tục tăng. Tốc độ tăng giá đã chậm lại nhưng vẫn ở mức đáng kể và vẫn nằm trên mức trung bình kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập vào tháng 3/2011. Báo cáo lưu ý, việc chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn cũng là một đặc điểm của kỳ khảo sát lần này, mặc dù mức độ thời gian giao hàng bị kéo dài ít nghiêm trọng hơn tháng 5.
Hoạt động mua hàng tiếp tục tăng mạnh trong tháng 6 khi các công ty phải đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng. Hàng hóa đầu vào đã mua thường được sử dụng để hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất, từ đó tồn kho hàng mua tiếp tục giảm nhẹ.
Các nhà sản xuất kỳ vọng đại dịch vẫn được kiểm soát, từ đó các điều kiện thị trường và sản lượng sẽ ổn định trong 12 tháng tới.
Nhận định về chỉ số PMI của Việt Nam, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho hay: "Ngành sản xuất của Việt Nam kết thúc nửa đầu năm 2022 với tình trạng sức khỏe tốt, và các công ty cảm thấy đại dịch đã qua đi và họ có thể có thêm nhiều số lượng đơn đặt hàng mới".
"Điểm tích cực chính từ khảo sát PMI lần này là việc làm, khi chỉ số này tăng với tốc độ nhanh nhất trong ba năm rưỡi. Điều này cho thấy những khó khăn mà các công ty gặp phải trong việc tuyển nhân viên hồi đầu năm đã giảm bớt, điều này cũng có nghĩa các nhà sản xuất có thể đáp ứng nhanh chóng yêu cầu của khách hàng và giải quyết được khối lượng công việc", ông nói thêm.
PMI tháng 6 của Việt Nam cao hay thấp trong khu vực ASEAN-6?
Báo cáo cho hay, chỉ số PMI toàn phần đạt 52 điểm trong tháng 6, giảm so với 52,3 điểm của tháng 5, cho thấy tốc độ cải thiện sức khỏe ngành sản xuất ASEAN về tổng thể là mạnh. Tuy nhiên, tăng trưởng đã chậm lại tháng thứ hai liên tiếp.
S&P Global cho biết, 6/7 quốc gia ASEAN ghi nhận tăng trưởng trong tháng 6. Trong đó, Singapore đứng đầu bảng xếp hạng trong bảy tháng liên tiếp, ở mức 59,3. Tiếp theo là Việt Nam với PMI tháng 6 đạt 54 điểm.
Mặc dù động lực tăng trưởng giảm nhẹ, nhưng với 53,8 điểm, PMI của Philippines được ghi nhận có mức tăng nhanh 5 tháng liên tiếp. Trong khi đó, mức PMI tăng nhẹ được ghi nhận ở Thái Lan (50,7), Malaysia (50,4), và Indonesia (50,2). Cuối cùng, Myanmar ghi nhận lần suy giảm thứ hai liên tiếp của các điều kiện hoạt động trong tháng 6. Chỉ số PMI toàn phần giảm còn 48,2 điểm cho thấy mức giảm nhanh hơn tháng 5.