PNJ: Ngoài sự cố ERP, hiệu ứng mất doanh số tại cửa hàng cũng kéo lùi tăng trưởng quý 2
Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2019, cửa hàng mới và tăng biên lợi nhuận gộp của mảng bán lẻ trang sức đang dẫn dắt LNST, trong khi tăng trưởng doanh số từ các cửa hàng hiện hữu (SSSG) gần như đi ngang.
CTCP Vàng bạc Đá quý (PNJ) khép lại quý 2/2019 không mấy khả quan với doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm đáng kể, khi so sánh với tỷ lệ tăng trưởng mạnh mẽ cùng kỳ năm 2018.
Sự cố ERP khiến nhà máy chỉ hoạt động 50% công
Tình trạng này đã sớm được dự báo khi Công ty chính thức chuyển sang hệ thống ERP mới vào ngày 27/3, dẫn đến tình trạng thiếu hàng, từ đó ảnh hưởng hoạt động buôn bán doanh nghiệp.
Nói qua về ERP, đây thuật ngữ viết tắt của "Enterprise Resource Planning". Hiện nay, ERP đóng vai trò cung cấp giải pháp quản trị doanh nghiệp một cách toàn diện, từ kế toán, sản xuất, mua bán hàng, logistic cho đến Xử lý và phân tích dữ liệu số lượng lớn (big data).
Là doanh nghiệp lớn có ngân sách ERP cao, PNJ bắt đầu chuyển từ in-house ERP sang hệ thống được cung cấp SAP, sau khi nhận thấy các hạn chế của hệ thống cũ trong quá trình mở rộng quy mô bán lẻ. Theo giới phân tích, tổng đầu tư của PNJ cho hệ thống mới xấp xỉ chục triệu USD, bao gồm tiền bản quyền, phí tư vấn, phí triển khai…
Ghi nhận sau cuộc gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra hôm 22/7, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dẫn lời ban lãnh đạo hoạt động Công ty đang trên đà phục hồi hoàn toàn trong tháng 8/2019, sau sự cố bất ngờ (tháng 4-5) khi vừa triển khai hệ thống ERP mới vào cuối tháng 3/2019.
Được biết, sự cố trên đã khiến nhà máy của PNJ chỉ hoạt động với 50% công suất trong tháng 4/2019. Ban lãnh đạo cho biết con số này cải thiện lên 80% trong tháng 5 và 90% trong tháng 7.
Chưa dừng lại, ban lãnh đạo PNJ cũng dự báo khả năng giảm tốc của tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng tại Việt Nam và ảnh hưởng của việc các cửa hàng mở mới lấy đi doanh số của các cửa hàng hiện hữu ngày càng lớn.
Hiệu ứng mất doanh số dần càng rõ nét
Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2019, cửa hàng mới và tăng biên lợi nhuận gộp của mảng bán lẻ trang sức đang dẫn dắt LNST, trong khi tăng trưởng doanh số từ các cửa hàng hiện hữu (SSSG) gần như đi ngang. VCSC ước tính doanh số trang sức bán lẻ tăng 11% sau nửa đầu năm, đóng góp bởi chỉ 1% từ tăng trưởng doanh số từ các cửa hàng hiện hữu (theo PNJ), 16 cửa hàng vàng mới và lũy kế cả năm từ các cửa hàng mở trong năm 2018.
Trong đó, SSSG ghi nhận âm trong quý 2/2019 sau khi đạt 11% trong quý 1/2019. Ban lãnh đạo cho rằng SSSG thấp trong quý 2/2019 do (1) vấn đề thiếu hàng bán trong tháng 4-5, (2) hiệu ứng mất doanh số cho các cửa hàng mới, đặc biệt là cho cửa hàng flagship PNJNext mới mở hồi tháng 2/2019 và (3) tăng trưởng của chi tiêu tiêu dùng giảm tốc.
Đáng chú ý, quan điểm về hiệu ứng mất doanh số cho các cửa hàng mới đã trở nên rõ ràng hơn, VCSC nhận định. Dù vậy, việc mở rộng cửa hàng với PNJ vẫn là một phần quan trọng trong chiến lược tăng trưởng cũng như củng cố vị thế thị trường, trong bối cảnh tiêu thụ trang sức vàng thời trang ở Việt Nam còn thấp.
Ban lãnh đạo PNJ kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu mở thêm 40 cửa hàng trong năm 2019. Tính đến cuối tháng 6, PNJ có 339 cửa hàng trang sức, bao gồm 273 cửa hàng trang sức vàng, 62 cửa hàng chuyên về trang sức bạc và 4 cửa hàng CAO Fine Jewelry. Trong đó, doanh thu từ trang sức tại các vùng miền loại 2 và 3 tăng trưởng mạnh hơn, lần lượt khoảng 20% và 30%, so với mức một chữ số tại các đô thị loại 1.
Việc tăng lượng cửa hàng còn làm tăng chi phí bán hàng và quản lý đến 29% nửa đầu năm, song song với số lượng nhân viên IT tăng và chi phí khấu hao mới liên quan đến dự án ERP.
Giao dịch cp PNJ thời gian qua.
Doanh thu đồng hồ tăng hơn 300% sau nửa năm 2019
Một vấn đề được quan tâm gần đây với doanh nghiệp này là mảng PNJ Watch; ghi nhận nếu chỉ tập trung vào dạng cửa hàng đồng hồ nằm trong cửa hàng trang sức (shop-in-shop), PNJ dự kiến doanh số bán lẻ đồng hồ sẽ đạt 200-300 tỷ đồng trong năm 2021. Con số này là không đáng kể so với doanh thu hiện tại của Công ty.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo cho biết PNJ sẽ mở thêm cửa hàng với định dạng khác trong tương lai, đồng nghĩa với việc kế hoạch nội bộ của mảng đồng hồ có khả năng cao hơn so với dự kiến nói trên.
PNJ dự kiến sẽ có tổng cộng 35 điểm bán lẻ đồng hồ vào cuối năm 2019 và 70 điểm bán lẻ vào năm 2020. Công ty cho biết hiện phần lớn các điểm bán lẻ đồng hồ đều nằm trong các cửa hàng trang sức hiện hữu của PNJ để tận dụng cơ hội bán chéo đồng hồ cho các khách hàng mua trang sức.
Doanh thu từ bán lẻ đồng hồ tăng mạnh hơn 300% trong 6 tháng đầu năm 2019 so với mức thấp năm 2018, nhờ 7 điểm bán lẻ mới và số đơn hàng online cao. Công ty cho biết các đồng hồ giá trong khoảng 5-10 triệu đồng/chiếc chiếm tỷ trọng cao nhất trong doanh thu.
Trí Thức Trẻ