Por-Bazhyn - Pháo đài bí ẩn trên hòn đảo xa xôi ở Siberia
Pháo đài Por-Bazhyn. Ảnh: Russian Geographical Society
Điều bí ẩn nhất của pháo đài Por-Bazhyn là không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nó đã từng được sử dụng. Các nhà khoa học đã mất hơn 120 năm để tìm hiểu lý do.
- 23-01-2023“Nữ hoàng tiền số” lừa các nhà đầu tư 4 tỷ USD, sau đó lên máy bay rồi… biến mất
- 23-01-2023'Quả bom' lạm phát 720 tỷ USD đến từ Trung Quốc
- 23-01-2023NÓNG: Xả súng trong lúc đón Tết Nguyên đán ở California, Mỹ, 10 người chết
Câu chuyện về pháo đài Por-Bazhyn (tiếng Tuva có nghĩa là “ngôi nhà đất sét”) bắt đầu cách đây 131 năm, khi nhà dân tộc học Dmitry Klemments phát hiện ra một pháo đài cổ trên hòn đảo đẹp như tranh vẽ giữa Hồ Tere-Khol, một trong số những khu vực khó tiếp cận nhất của Cộng hòa Tuva ở biên giới với Mông Cổ. Những gì ông nhìn thấy vô cùng bất ngờ vì nhiều lý do.
Những tàn tích tạo thành một hình chữ nhật với một mê cung bên trong. Nó giống như đồ hình Mạn đà la của Phật giáo hoặc Ấn Độ giáo và rất khác với bất kỳ thứ gì từng được tìm thấy trên lãnh thổ của nước Cộng hòa Tuva.
Khu vực phía trước bức tường phía Đông trông giống như một quảng trường trước cung điện để tổ chức các nghi lễ. Ở cuối quảng trường đã từng có một khu phức hợp cung điện tráng lệ với các cột trụ. Các bức tường của nó cao tới 10 mét, nền móng và cốt thép của các cột vẫn còn.
Thực tế pháo đài trông rất cũ không phải là điều lạ lẫm. Tuy nhiên, có vẻ như cư dân ở đó đã “biến mất” cùng với mọi đồ đạc, hầu như không để lại dấu vết nào về cuộc sống hàng ngày của họ. Điều gì đã xảy ra với cư dân của Por-Bazhyn? Ai đã xây dựng pháo đài? Ai đã tạo ra hồ nhân tạo xung quanh nó? Hay có lẽ nó không phải là một pháo đài? Các nhà khoa học có rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.
Pháo đài cổ tích
Người ta có thể bắt gặp hình ảnh một pháo đài bí ẩn ở giữa hồ trong các tác phẩm văn hóa dân gian truyền miệng của người Tuva. Nổi tiếng nhất, phải kể đến câu chuyện cổ tích “Khả hãn có đôi tai lừa” (A Khan with Donkey's Ears). Người dân địa phương coi hồ và pháo đài là nơi linh thiêng, họ tin rằng một con bò tót màu xanh tên là “Maender” sống trong hồ: Nó lên bờ vào ban đêm và sống bằng nỗi sợ hãi của người dân.
Theo một thần thoại khác, ngôi mộ của Thành Cát Tư Hãn được giấu trên đảo. Một số người tin rằng đây là lối vào Shambhala, vùng đất Tây Tạng huyền thoại mà Liên Xô đã từng đặt mục tiêu tìm kiếm.
Pháo đài do nhà dân tộc học Klemments phát hiện là một địa điểm tuyệt vời. Năm 1957, một đoàn thám hiểm khảo cổ do Giáo sư Sevyan Vainshtein dẫn đầu đã được cử đến đảo.
“Tôi đã tham gia các cuộc khai quật từ năm 1957 đến năm 1963. Cách duy nhất để đến đó là đi máy bay nhỏ hoặc cưỡi ngựa. Chúng tôi - 3 nhà khảo cổ học và 15 công nhân - sống trong những ngôi lều trên hòn đảo giữa hồ”, ông Vainshtein nhớ lại.
Trên đảo, đằng sau những bức tường pháo đài, họ đếm được 27 ngôi nhà có sân nhỏ và khi đào xới một trong những gò đất, họ phát hiện ra tàn tích của một cung điện. Mái của nó được lợp bằng ngói đất sét và có 36 cột trụ bằng gỗ. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy những bức bích họa trang trí với thiết kế hình học, được sơn bằng những màu sắc tươi sáng, ấm áp như đỏ, cam và vàng.
“Chúng tôi tìm được những phần còn sót lại của vũ khí, bình chứa, một kho sắt nấu chảy bằng lò nung và một bức tượng làm bằng đất sét. Không có nhiều phát hiện vì cung điện đã bị phá hủy trong một trận hỏa hoạn xảy ra hơn 1.000 năm trước. Không biết chuyện gì đã xảy ra với cư dân của Por-Bazhyn vì chúng tôi không tìm thấy bộ hài cốt nào ở đó. Rất có thể, họ đã phải chạy trốn”, ông Vainshtein nói.
Những giả thuyết
Cuộc thám hiểm vào những năm 1950-1960 này dường như chỉ đặt ra nhiều câu hỏi hơn. Suốt một thời gian rất dài, các nhà nghiên cứu về Por-Bazhyn không hiểu cấu trúc của nó thuộc loại nào. Có một số giả thuyết.
Nhà khảo cổ học Vainshtein tin rằng pháo đài và cung điện do nhà cai trị Duy Ngô Nhĩ Bayanchur Khan (Khả hãn của một quốc gia Turkic cổ đại sống từ năm 713-759) xây dựng.
Người ta cũng cho rằng pháo đài từng là một trạm gác trên Con đường tơ lụa từ Trung Quốc đến châu Âu. Giả thuyết này không phù hợp lắm vì pháo đài nằm ở một nơi biệt lập trên một hòn đảo ở giữa hồ.
Pháo đài Por-Bazhyn nằm biệt lập trên một hòn đảo ở giữa hồ. Ảnh: Sputnik
Theo một giả thuyết khác, nó từng là căn cứ của những tên cướp chuyên cướp của các thương nhân và đây được cho là nguồn gốc của những lời đồn rằng có kho báu được cất giấu trong các hầm ngầm ở pháo đài.
Nhưng giả thuyết cho rằng nơi đây là tu viện có vẻ hợp lý nhất. Lịch sử Phật giáo có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Á, một khu vực nằm trên con đường tiếp xúc giữa Ấn Độ - nơi ra đời của Phật giáo và Trung Quốc - nơi Phật giáo phổ biến vào thời Trung cổ.
“Những gì tôi nhìn thấy trên các bức bích họa ở Por-Bazhyn rất giống với cách bài trí của các tu viện Phật giáo phát triển ở Trung Á, có thể là vào thế kỷ thứ 7-8 sau Công nguyên”, ông Tigran Mkrtychev, Phó Tổng giám đốc về công trình khoa học tại Bảo tàng Nghệ thuật Phương Đông của Nga, phỏng đoán vào năm 2007.
Ông Mkrtychev cũng không loại trừ khả năng đó là một tu viện thuộc một tôn giáo phương Đông cổ đại khác - Mani giáo. Tôn giáo này, có nguồn gốc từ Lưỡng Hà vào thế kỷ thứ 3, đã thâm nhập vào Hãn quốc của người Duy Ngô Nhĩ trong khoảng thời gian vài thế kỷ.
“Các tu viện Phật giáo khá quen thuộc với chúng ta, nhưng các tu viện Mani giáo ít được nghiên cứu hơn”, ông Mkrtychev cho biết.
“Sự kiện Miyake” và khám phá bất ngờ
Người ta tiếp tục khám phá “bí mật” của pháo đài Por-Bazhyn một lần nữa vào năm 2007-2008, khi một đoàn thám hiểm mới được gửi đến hòn đảo và thực hiện các cuộc khai quật mở rộng.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một sự thật thú vị: Sau khi xây dựng, pháo đài không được đưa vào sử dụng. Điều này giải thích tại sao cái gọi là “tầng văn hóa” bên trong pháo đài lại ít ỏi đến vậy. Nhưng vẫn không có manh mối nào về việc Por-Bazhyn thực sự là gì, nó được xây dựng khi nào và tại sao lại bị bỏ hoang.
Sau đó, các phương pháp khoa học đã giúp ích trong việc khám phá Por-Bazhyn: phân tích carbon phóng xạ và “sự kiện Miyake”. Vào năm 2012, tạp chí Nature đăng một bài báo của các nhà khoa học Nhật Bản, những người đã xác định niên đại các vòng tròn của cây tuyết tùng 1.800 năm tuổi và phát hiện ra sự gia tăng carbon phóng xạ trong khí quyển vào năm 775. Sự gia tăng này được cho là do một cơn bão mặt trời. Hiện tượng này được gọi là “sự kiện Miyake” (đặt theo tên của tác giả bài báo) và đã được sử dụng cho mục đích xác định niên đại tại các cuộc khai quật khảo cổ học.
Năm 2018, các chuyên gia Nga gửi một số mẫu vật tới một trong những phòng thí nghiệm chính trên thế giới chuyên phân tích carbon phóng xạ tại Đại học Groningen ở Hà Lan.
“Chúng tôi đã gửi 3 mẫu gỗ thông lấy từ các bức tường của Por-Bazhyn đến Groningen. Một trong số chúng, có vỏ cây còn sót lại, đã được chọn để nghiên cứu và đã phát hiện ‘sự kiện Miyake’ ở vòng thứ ba tính từ vỏ cây. Các nghiên cứu sau đó cho phép các nhà khoa học ở Groningen kết luận rằng cái cây đã bị đốn hạ vào mùa hè. Điều này giúp có thể xác định không chỉ năm mà còn cả mùa bắt đầu xây dựng, đó là mùa hè năm 777”, ông Andrey Panin, Phó giám đốc Viện Địa lý của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết.
Theo tính toán của các nhà khảo cổ, việc xây dựng kéo dài 2 mùa hè. Đây là thời kỳ mà nhà cai trị tiến hành một cuộc cải cách tôn giáo cực kỳ khó khăn: áp dụng Mani giáo. Năm 779, đã có một cuộc đảo chính chống các tín đồ Mani giáo ở hãn quốc, người cai trị đã bị giết và những cải cách của ông ta bị đảo ngược.
“Trên cơ sở những dữ liệu có sẵn, người ta đưa ra giả thuyết rằng chức năng của khu phức hợp không phải là phòng thủ, như người ta vẫn tin trước đây, mà có liên quan đến việc thờ cúng tôn giáo: Nó từng là một tu viện Mani giáo. Nếu tu viện được xây dựng ngay trước cuộc đảo chính, thì những người cai trị trước đó đã không có thời gian để sử dụng nó, trong khi những người mới lại hoàn toàn không cần đến nó. Điều đó có thể giải thích cho bí ẩn lớn nhất của Por-Bazhyn - không có dấu hiệu sử dụng”, Andrey Panin nói./.
VOV