PPC, PV Power khẳng định đủ nguồn than hoạt động
Nhiệt điện than được huy động nhiều trong bối cảnh nhu cầu điện gia tăng mà thủy điện và nhiệt điện khí giảm huy động, qua đó kỳ vọng gia tăng sản lượng. Với vấn đề thiếu than, nhiều doanh nghiệp khẳng định đã phối hợp với TKV đảm bảo đủ nguồn than hoạt động.
- 03-11-2018Quý đầu tiên sau cổ phần hóa PV Power báo lãi sau thuế 184 tỷ đồng
- 03-10-2018Lợi nhuận 9 tháng của PV Power đạt 1.624 tỷ đồng
- 18-09-2018PV Power: Cổ phiếu dậy sóng, 8 tháng đầu năm thực hiện 73% chỉ tiêu doanh thu
Theo thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện là tăng trưởng điện 2018 đạt mức cao, nhu cầu nhiệt điện than tăng mạnh khi thủy điện và nhiệt điện khí giảm huy động vì nhiều lý do. Theo đó, các nhà máy điện nhận nhiều than hơn so với hợp đồng đã ký kết, tăng 5,4 triệu tấn than so với 2017. Một lý do khác là giá than thế giới cao hơn so với than sản xuất trong nước từ 5-10 USD/ tấn tùy chủng loại dẫn tới các hộ tiêu thụ như điện, xi măng, hóa chất, thép chuyển sang mua than từ TKV làm cung cầu thay đổi nhanh.
Bởi vậy, mặc dù TKV xây dựng kế hoạch sản lượng tiêu thụ than là 36 triệu tấn, trong đó than cung cấp cho sản xuất điện là 26,5 triệu tấn. Tuy nhiên, mới 11 tháng, lượng tiêu thụ than của TKV đạt 37,39 triệu tấn,vượt gần 4%kế hoạch và tăng 17% so với cùng kỳ năm 2017. Cho cả năm, TKV dự kiến sản lượng than tiêu thụ là 40 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm và tăng 4,4 triệu tấn so với cùng kỳ 2017. Trong đó, than cho điện là 29 triệu tấn, tăng 5,4 triệu tấn so với thực hiện 2017 (con số vượt này tương đương với sản lượng của 3 mỏ than).
Như vậy, việc thiếu than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện than thực tế là do nhà máy nhiệt điện than được huy động điện nhiều hơn, vượt so với kế hoạch đề ra đầu năm. Trong quý III, nhiều doanh nghiệp nhiệt điện đã phải gánh chịu khoản lỗ lớn do huy động giảm (yếu tố mùa mưa, điện huy động chủ yếu từ các nhà máy thủy điện), sản lượng thấp không bù đắp được chi phí cố định. Sang quý IV, các doanh nghiệp nhiệt điện than kỳ vọng tăng sản lượng quý cuối năm. Song, vẫn có điểm đáng lo là việc thiếu than có thể khiến các đơn vị phải dừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần và chịu chi phí đầu vào tăng cao.
Trao đổi với NDH, đại diện CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC) cho biết dự trữ than vẫn đang đủ để vận hành theo kế hoạch và đáp ứng nhu cầu huy động thêm. Công ty đang làm việc với TKV và nhà cung cấp để đảm bảo cung cấp than cho hoạt động đến cuối năm. Mặt khác, do trữ lượng than vẫn đủ để vận hành và có phần dư ra nên khi được huy động thêm với giá bán điện cao hơn có thể giúp công ty hưởng lợi.
Bên cạnh đó, đại diện PPC cho biết theo hợp đồng ký với TKV, giá điện gồm hai phần giá cố định và giá biến đổi,giá than trong nước chưa tăng, nhưng nếu giá nhập than tăng thì giá bán điện cũng tăng nên thực tế không ảnh hưởng nhiều đến công ty.
Đại diện CTCP Nhiệt điện Cẩm Phả - TKV (UPCoM: NCP) cũng khẳng định tình hình công ty vẫn hoạt động ổn định không có biểu hiện thiếu nguồn than sử dụng. Đối với việc nhiệt điện than được huy động thêm, do máy móc thiết bị công ty chỉ có thể hoạt động trong kế hoạch đã được đề ra nên việc huy động thêm thực tế không mang lại nhiều kết quả khả quan.
Ông Nguyễn Duy Giang, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (UPCoM: POW) chia sẻ tổng công ty hiện tại có nhà máy nhiệt điện Vũng Áng đang tồn kho khoảng hơn 200.000 tấn than. Trong buổi làm việc với TKV, hai bên đã thống nhất đảm bảo năm nay Vũng Áng không thiếu than cho hoạt động sản xuất kinh doanh, năm sau thì vẫn đang thảo luận. Nguyên nhân thiếu là do nhà máy nhiệt điện than được huy động nhiều hơn, nhu cầu than vượt quá dự báo. Đối với Vũng Áng việc huy động thêm chỉ ở mức bình thường và không ảnh hưởng quá lớn.
Trước nhu cầu than tiêu thụ tăng mạnh, TKV cho biết đã huy động tối đa tồn kho, bao gồm cả than dự trữ chiến lược; khẩn trương nhập khẩu (trên 0,5 triệu tấn than các loại) để pha trộn và cung cấp cho các hộ tiêu thụ, trong đó đặc biệt là Nhiệt điện Thái Bình 1; điều chỉnh tăng kế hoạch sản xuất thêm 1,5 triệu tấn than nguyên khai và tổ chức phát động thi đua, đôn đốc thực hiện tăng sản lượng khai thác.
Về nhập khẩu than, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam chi gần 2,05 tỷ USD để nhập khẩu hơn 17 triệu tấn than các loại trong 10 tháng đầu năm nay, tăng 48,8% về khối lượng và 71,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Vào ngày 28/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ đạo EVN và TKV thực hiện các giải pháp để đảm bảo cung ứng đủ than cho sản xuất điện ổn định trong những tháng cuối năm 2018. Đây là thời gian huy động nguồn điện than ở mức cao và chuẩn bị các tình huống năm 2019.
Người đồng hành