MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PSG.TS Đinh Trọng Thịnh: Trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, dù đánh thuế cao hay thấp thì giá bất động sản vẫn sẽ tăng

20-09-2024 - 14:39 PM | Bất động sản

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

"Không đủ nguồn cung cho nhu cầu của thị trường thì người mua sẵn sàng chấp nhận mức thuế được đưa ra. Thậm chí nếu càng đánh thuế, giá bất động sản sẽ còn tăng", nhận định của Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

Đánh thuế bất động sản được xem là công cụ và giải pháp tốt nhằm tăng thu ngân sách Nhà nước, góp phần điều chỉnh trong ngắn hạn từ 6-12 tháng hoặc có thể đến 1-2 năm. Tuy nhiên, đánh thuế bất động sản lại không thể duy trì tác động này trong dài hạn. Đặc biệt là không thể phát huy hết năng lực, tác dụng nếu như nguồn cung trên thị trường vẫn chưa được cải thiện.

Ở một số quốc gia phát triển, đánh thuế bất động sản "không đồng nghĩa" với việc chặn được đầu cơ, giá nhà tăng phi mã. Ví dụ tại Singapore, thuế tài sản ở mức cao, tuy nhiên khi cung không đủ cầu thì giá bất động sản vẫn tiếp tục tăng.

Bàn về vấn đề này, từ góc độ kinh tế PSG.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng công cụ thuế có tính 2 mặt. Tùy từng thị trường cụ thể mà công cụ này sẽ tác động tốt hoặc tác động cản trở tới sự phát triển của thị trường đó. Singapore là một quốc gia đất chật người đông trong khi nguồn cung bất động sản rất hạn chế, dẫn đến việc cứ có sản phẩm bất động sản tung ra thị trường thì ắt sẽ tăng giá. Vì lẽ đó, dù có đánh thuế cao hay thấp thì giá bất động sản vẫn sẽ tăng.

"Không đủ nguồn cung cho nhu cầu của thị trường thì người mua sẵn sàng chấp nhận mức thuế được đưa ra. Thậm chí nếu càng đánh thuế, giá bất động sản sẽ còn tăng", GS.TS Thịnh nhận định.

Vì vậy, vị chuyên gia kinh tế kiến nghị trong quá trình xem xét sử dụng công cụ thuế đối bất động sản thì cần phải đánh giá, cân nhắc kĩ lưỡng dựa trên các yếu tố phù hợp, từ đó đưa công cụ thuế phát huy đúng mục đích, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ và lãng phí đất đai.

"Phải sử dụng công cụ thuế để kích thích thị trường phát triển minh bạch, đúng đắn, chứ không nên trở thành một rào cản đối với sự phát triển của thị trường bất động sản", PGS.TS Thịnh nhấn mạnh.

Mặt khác, quan điểm của PGS.TS Thịnh cho rằng, đánh thuế bất động sản chỉ là một trong nhiều biện pháp giúp cho thị trường bất động sản phát triển minh bạch và bền vững. Biện pháp tối ưu nhất là cần đẩy mạnh quá trình số hóa và xây dựng kho cơ sở dữ liệu về đất đai cũng như dữ liệu về giá trị tài sản là bất động sản.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng nhận định, để sử dụng hiệu quả và minh bạch công cụ thuế, cơ quan quản lý Nhà nước cần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản Việt Nam. Đây sẽ là căn cứ xác định đâu là ngôi nhà thứ hai, thứ ba… và giá trị của bất động sản áp thuế. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi đầu tư lớn về công nghệ và nguồn nhân lực.

Ngoài ra, cũng cần cân nhắc tác động tiêu cực có thể xảy ra, như việc đánh thuế có thể khiến người dân bị “kiệt quệ” sức mua, dẫn đến các hệ lụy khác về lâu dài với nền kinh tế hoặc tạo ra các lỗ hổng pháp lý khi người giàu vẫn có thể lách thuế bằng cách chuyển quyền sở hữu tài sản thứ 2, thứ 3… cho người thân; giá thuê nhà tăng để bù đắp chi phí cấu thành từ việc đóng thuế…

"Tuy nhiên, bất cứ một chính sách nào khi mới đưa ra luôn có vướng mắc, vấn đề là phải cân nhắc cái được và cái mất. Nếu được nhiều hơn mất thì nên làm và mọi cái vướng đều có thể tháo gỡ, và việc đánh thuế bất động sản sẽ được nhiều hơn mất", Chủ tịch VARS cho hay.

Nhật Anh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên