PV GAS ước đạt doanh thu 80.000 tỷ trong năm 2021, lợi nhuận vượt 19% kế hoạch cả năm
VNDIRECT cho rằng PV GAS từ năm 2022 sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi nhờ vị thế là nhà phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng chủ chốt tại Việt Nam. Dự báo, lợi nhuận ròng của GAS sẽ tăng trưởng lần lượt là 25,1% và 10,9% so với cùng kỳ lần lượt trong năm 2022 và 2023.
Chiều ngày 17/12/2021, Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS, mã chứng khoán: GAS) đã tổ chức Hội nghị Người lao động năm 2021.
Tại hội nghị này, ông Hoàng Văn Quang, Tổng Giám đốc PV GAS đã báo cáo tình hình hoạt động SXKD năm 2021 và phương hướng 2022. Cụ thể, ước tính trong năm 2021, doanh thu ước đạt gần 80.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.380 tỷ đồng, qua đó đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước với giá trị gần 6.000 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2021, ĐHĐCĐ thường niên của GAS đã thông qua kế hoạch tổng doanh thu 70.169 tỷ đồng và lãi sau thuế dự kiến 7.036 tỷ đồng. Như vậy, ước trong cả năm 2021, GAS đã thực hiện vượt 14% mục tiêu doanh thu và vượt 19% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Như vậy, ước tính riêng quý 4 doanh thu của PV GAS ước đạt gần 21.185 tỷ đồng, tăng 36% và lãi trước thuế 1.846 tỷ đồng, giảm 12% so với quý 4/2020.
* LNST ước đạt trong quý 4/2021
Ông Quang cho biết, yếu tố thuận lợi trong năm qua chính là đà tăng phi mã của giá dầu trên thế giới, điều này cũng tạo nền kỳ vọng tích cực đưa giá cổ phiếu GAS tăng. Tuy nhiên yếu tố khó khăn đến nhiều hơn khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 trong nước bùng phát lần thứ 4 đã gây tác động tiêu cực đến PV GAS, đặc biệt trong quý 3, kéo dài sang quý 4/2021.
Trong đó, huy động khí của khách hàng EVN giảm mạnh chỉ còn bằng 76% so với cùng kỳ năm trước và bằng 68% kế hoạch của Petrovietnam. Nhu cầu khí, LPG của các hộ công nghiệp, thị trường trong nước có thời điểm giảm 35-40% đối với LPG và 25-30% đối với KTA, CNG do nguyên nhân nhiều khách hàng dừng/giảm sản xuất/hoạt động cầm chừng. Ngoài ra, việc huy động nguồn lực triển khai các dự án cũng như cho công tác bảo dưỡng sửa chữa gặp nhiều khó khăn, chi phí cho các hoạt động tăng cao...
Nhờ triển khai quyết liệt đồng bộ và hiệu quả nhiều giải pháp, PV GAS đã kiểm soát, bám sát các chỉ tiêu kế hoạch được giao và giảm thiểu bất lợi. Trong năm 2021, doanh nghiệp đã cung cấp 7.093,7 tỷ m3 khí khô; sản xuất và cung cấp trên 61,2 nghìn tấn condensate; 1.975,8 triệu tấn LPG (đạt 123% kế hoạch và về đích trước kế hoạch 02 tháng); tiếp tục duy trì cung cấp khí ổn định để sản xuất gần 15% sản lượng điện, 70% đạm, đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước.
Theo báo cáo chiến lược đầu tư năm 2022 của Chứng khoán VNDIRECT mới công bố, PV GAS được cho sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi nhờ vị thế là nhà phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng chủ chốt tại Việt Nam.
Sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng phát của biến thể Delta trong năm 2021, VNDIRECT kỳ vọng sản lượng tiêu thụ khí khô sẽ tăng 18% lên 9,25 tỷ m3 vào năm 2022 khi nhu cầu tiêu thụ điện khí phục hồi. Do đó, VNDIRECT tỏ ra lạc quan về triển vọng của GAS trong những năm tới, nhờ sản lượng tiêu thụ khí phục hồi và môi trường giá năng lượng dự kiến duy trì ở mức cao. Dự báo, lợi nhuận ròng của GAS sẽ tăng trưởng lần lượt là 25,1% và 10,9% so với cùng kỳ lần lượt trong năm 2022 và 2023.
Về mặt cổ phiếu, chốt phiên 17/12, thị giá GAS đạt 99.000 đồng/cổ phiếu. VNDIRECT đánh giá động lực tăng giá trong năm 2022 cho giá cổ phiếu chính là giá dầu cao hơn. Trong khi đó, rủi ro giảm giá đến từ giá dầu thấp hơn dự kiến và sự chậm trễ trong việc triển khai các dự án hạ tầng năng lượng trọng điểm.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị