MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PVC đã “đẩy” dự án Ethanol nghìn tỷ lâm vào bế tắc như thế nào?

03-11-2016 - 15:50 PM | Doanh nghiệp

Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) thiếu năng lực cả về kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm dẫn đến phải dừng thi công dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, vi phạm quy định của hợp đồng EPC gây hậu quả nghiêm trọng.

Hạn chế năng lực, chưa có kinh nghiệm

Kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa công bố đã chỉ ra hàng loạt khuyết điểm, vi phạm tại dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học tại tỉnh Phú Thọ do CTCP Hoá dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) làm chủ đầu tư. Đồng thời chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng liên quan tới nhà thầu là Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí ( PVC ).

Dự án có tổng mức đầu tư 1.317 tỷ đồng nhưng sau đó được điều chỉnh lên 2.482 tỷ đồng (tăng hơn 1.167 tỷ đồng) hiện trong tình trạng dang dở, dừng thi công từ tháng 11/2011. Theo Thanh tra Chính phủ, dự án ngày càng lâm sâu vào tình trạng bế tắc, khắc phục được là rất khó khăn.

Báo cáo cho biết, ngày 13/3/2009, PVC đã gửi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ( PVN ) văn bản 678/XLDK-KTXH về việc xin chỉ định thầu thực hiện xây dựng Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học khu vực phía Bắc, PVN đã chấp thuận giao cho PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Phú Thọ theo hình thức chỉ định thầu.

Đến thời điểm được chỉ định thầu và ký hợp đồng EPC dự án Phú Thọ nhà thầu PVC chưa thực hiện hợp đồng EPC dự án nhiên liệu sinh học hoặc các dự án có tính chất tương tự do đó PVC là nhà thầu chưa có năng lực, kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án nhiên liệu sinh học.

Trong liên danh, PVC được giao thực hiện các công việc quan trọng của dự án gồm thiết kế, xây dựng, mua sắm, lắp đặt toàn bộ thiết bị các hạng mục phụ trợ và lắp đặt thiết bị nhà máy sản xuất chính.

“Như vậy, việc chỉ định thầu cho Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T thực hiện gói thầu EPC trong đó PVC thực hiện các công việc chính của dự án khi hạn chế năng lực và chưa có kinh nghiệm là vi phạm quy định. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trong quá trình thực hiện nhà thầu PVC đã phải dừng thi công dự án từ tháng 11/2011 vi phạm quy định của hợp đồng EPC, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư, dự án khó tiếp tục thực hiện”, báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu.

Liên tục đòi tăng giá trị hợp đồng

Cũng tại báo cáo của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ cho biết, trong quá trình đàm phán nhà thầu PVC và chủ đầu tư đàm phán hợp đồng PVN đã có văn bản thông báo kết luận của lãnh đạo PVN giao chủ đầu tư đàm phán với các đối tác về gói thầu EPC với giá không vượt quá 50 triệu USD.

Sau khi PVB và nhà thầu PVC có biên bản ngày 25/5/2009 về việc đàm phán lại giá hợp đồng gói thầu EPC dự án đầu tư xây dựng nhà máy Phú Thọ ghi nhận “không thống nhất được việc ký kết hợp đồng trọn gói với giá 59,177 triệu USD không phát sinh”, lãnh đạo PVN cho biết “nếu PVC không đồng ý hợp đồng trọn gói giá 59,177 triệu USD (không phát sinh) thì để PVB đàm phán với nhà thầu khác”.

Chỉ sau 1 ngày, ngày 26/5, sau khi nhận được văn bản từ phía chủ đầu tư, PVC đã cam kết thực hiện gói thầu EPC với giá tronh gói 59,177 triệu USD không phát sinh.

Kiểm tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy, trong quá trình đàm phán hợp đồng EPC về thiết kế, mua sắm, xây dựng nhà máy Ethanol nhiên liệu Phú Thọ theo hình thức hợp đồng trọn gói, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng nhà thầu PVC chưa thực hiện việc lập thiết kế kỹ thuật tổng thể các hạng mục công trình của dự án. Do đó, chiếu theo quy định Nghị định số 99 về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình nhà thầu PVC phải tự chịu trách nhiệm về rủi ro liên quan đến việc xác định giá trọn gói.

Liên quan đến việc phê duyệt nội dung và ký kết hợp đồng EPC, ngày 12/8/2009, HĐQT PVB ban hành quyết định phê duyệt nội dung Hợp đồng EPC với giá hợp đồng trọn gói là 58,025 triệu USD tách ra ngoài gói thầu EPC 4 hạng mục để chủ đầu tư thực hiện. PVC thực hiện công việc thiết kế, xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị toàn bộ các hạng mục với giá trị 43,105 triệu USD.

Tuy nhiên, PVC đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư phát sinh số tiền 20,11 triệu USD cho phần công việc của PVC. Theo đó, khi so sánh chi tiết từng hạng mục tăng giảm cho thấy, giá trị hợp đồng EPC giảm 6,8 triệu USD do chủ đầu tư và nhà thầu đã đưa một số hạng mục công việc của PVC phải thực hiện ra ngoài hợp đồng gốc. Đồng thời, giá trị hợp đồng EPC tăng 15,1 triệu USD chủ yếu do tăng giá của các hạng mục công việc PVC phải thực hiện.

“Việc chủ đầu tư và nhà thầu thể hiện trên hồ sơ số tiền 8,3 triệu USD chênh lệch sau khi bù trừ giữa phát sinh do tăng giá 15,1 triệu USD và giá trị của các hạng mục công việc đưa ra ngoài Hợp đồng gốc 6,8 triệu USD là không phản ánh rõ giá trị thực tế đã phát sinh gây hiểu nhầm rằng giá trị hợp đồng EPC chỉ điều chỉnh tăng 6,993 triệu USD nhưng thực tế khối lượng PVC phải thực hiện theo hợp đồng EPC ban đầu đã tăng 15,1 triệu USD chủ yếu là tăng giá, biểu hiện thiếu minh bạch”, Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Kết quả kiểm tra 9 hạng mục điều chỉnh lớn như hạng mục xử lý nước thải, hạng mục nhà máy điện, gói xử lý nước thô, thiết bị động lực…. tăng 10,592 triệu USD cũng cho thấy, nguyên nhân chính do PVC đã ký với các nhà thầu phụ để đưa vào điều chỉnh hợp đồng không đúng với quy định của hợp đồng EPC.

“Các nguyên nhân tăng giá hợp đồng EPC không xuất phát từ nhu cầu của dự án và yêu cầu của chủ đầu tư, không tuân theo đúng thiết kế cơ sở đã được phê duyệt nhiều hạng mục đã lấy theo giá của nhà thầu PVC ký với các nhà thầu phụ đưa vào điều chỉnh hợp đồng EPC trong khi giá do PVC mua các nhà thầu phụ không thuộc trách nhiệm chủ đầu tư và không căn cứ để tăng giá trị hợp đồng nên số tiền điều chỉnh 14,3 triệu USD không đúng quy định theo hình thức hợp đồng trọn gói”, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng, mặc dù ngày 27/10/2010 PVC đã cam kết “hoàn thành công việc nghiệm thu bàn giao đưa nhà máy vào sử dụng đúng thời hạn hợp đồng và không yêu cầu chủ đầu tư thanh toán bất kỳ một khoản phát sinh hợp đồng nào khác” nhưng sau đó đề nghị PVB tăng giá trị hợp đồng lần 2 thêm 17,318 triệu USD. Chưa được phía chủ đầu tư chấp nhận, tháng 11/2011 PVC đã đơn phương dừng thi công dự án và thừa nhận ít kinh nghiệm về quản lý.

“Do PVC thiếu năng lực cả về kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm dẫn đến phải dừng thi công dự án, vi phạm quy định của hợp đồng EPC gây hậu quả nghiêm trọng đó là toàn bộ máy móc, thiết bị lắp đặt đã bị han gỉ, vốn đã đầu tư 1.534 tỷ đồng chưa được phát huy tăng chi phí lãi vay, việc thi công các gói thầu, dự án thành phần thuộc nhà máy bị ngừng trệ…”, Thanh tra Chính phủ cho biết.

Theo Nguyễn Thảo

BizLIVE

Trở lên trên