PVI: Bứt phá từ hiệu quả dòng vốn đầu tư
Ông Bùi Vạn Thuận – Tổng Giám đốc PVI cho biết: Việc đa dạng sở hữu doanh nghiệp với sự tham gia của các cổ đông chiến lược nước ngoài cũng như áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong quản trị và điều hành doanh nghiệp không chỉ nâng cao tính minh bạch mà còn khai thác hiệu quả dòng vốn đầu tư, tạo bước đột phá về doanh thu và lợi nhuận.
Lấy hiệu quả dòng vốn đầu tư, kinh doanh và quyền lợi cổ đông làm đầu, 9 tháng năm 2016, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, PVI tiếp tục khẳng định được bản lĩnh, sức mạnh hệ thống và sự nhất quán trong việc thực hiện đúng chiến lược phát triển. Bảo hiểm PVI giữ vững vị trí là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ số 1 thị trường Việt Nam.
Lợi nhuận tăng đột biến
Doanh thu thực hiện 9 tháng toàn PVI đạt 8.301 tỷ đồng, hoàn thành 108,42% kế hoạch và đạt 80,07% kế hoạch năm. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế toàn PVI đạt 1.152 tỷ đồng, hoàn thành 193% kế hoạch và đạt 127,89% kế hoach năm.
Sở dĩ lợi nhuận của toàn PVI tăng đột biến là do Cty đã thực hiện thành công thoái 25% vốn còn lại tại PVI Sun Life cho đối tác Sun Life Assurance Canada, thu về lợi nhuận trên 450 tỷ đồng (tính chung, lợi nhuận ròng đạt được cho cả thương vụ là khoảng hơn 1.000 tỷ đồng).
Triển vọng, doanh thu và lợi nhuận của PVI có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh trong quý IV/2016 nếu Cty thực hiện thành công chủ trương chuyển nhượng tòa nhà PVI Tower mà HĐQT PVI đã phê duyệt.
“Năm 2015, PVI đã thực hiện chi trả cổ tức cho các cổ đông theo tỉ lệ chi trả cổ tức lên tới 20% bằng tiền mặt thay vì chi trả cổ tức 9% theo như cam kết tại Đại hội đồng cổ đông 2015. Đây cũng là mức cổ tức cao nhất trong khối các doanh nghiệp bảo hiểm đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Với kết quả như hiện tại, dự kiến doanh thu và lợi nhuận năm 2016 sẽ vượt xa kế hoạch đã đề ra. Chúng tôi sẽ tiếp tục chi trả cổ tức 20% bằng tiền mặt năm 2016” - ông Bùi Vạn Thuận, TGĐ PVI cho biết.
Kết quả trên cho thấy, PVI không chỉ phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh trong lĩnh vực bảo hiểm mà còn khai thác hiệu quả dòng vốn đầu tư.
Nếu nhìn vào hoạt động đầu tư tài chính, trong vòng 3 năm gần đây, đã mang lại cho PVI gần 2.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2015, lợi nhuận từ hoạt động này đạt trên 819 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại tất cả các khoản đầu tư trước đây đều đã được thu hồi và trích lập dự phòng 100%.
“PVI là công ty đại chúng hoạt động theo các quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh, trên nguyên tắc thị trường lấy hiệu quả đầu tư, kinh doanh và quyền lợi cổ đông làm đầu. Mọi hoạt động đầu tư của PVI đều hết sức minh bạch, tuân thủ những nguyên tắc tài chính vô cùng chặt chẽ và được giám sát chặt bởi một hệ thống kiểm tra, kiểm soát của doanh nghiệp cũng như của chính các cổ đông theo chuẩn mực quốc tế. Điều đó đã mang lại hiệu quả cao trong hoạt động đầu tư” - ông Bùi Vạn Thuận chia sẻ.
Nâng cao chất lượng tăng trưởng
Khởi đầu từ một công ty bảo hiểm nội ngành của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam với số vốn khiêm tốn là 22 tỷ đồng, tổng tài sản là gần 34 tỷ đồng, doanh thu năm đầu chỉ đạt 60 tỷ đồng, sau 20 năm hoạt động, tổng tài sản của PVI đã tăng gấp 460 lần (đạt 15.495 tỷ đồng năm 2015), vốn chủ sở hữu tăng gấp 306 lần (đạt 6.734 tỷ đồng năm 2015), doanh thu tăng gấp 165 lần (đạt 9.923 tỷ đồng năm 2015). PVI đã thành công trong việc chuyển hoá lợi thế là thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thành nguồn lực, sức mạnh.
Trước đó, năm 2006, PVI là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam thực hiện cổ phần hóa trở thành Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam và niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2007 với mã chứng khoán PVI. Chỉ tính riêng việc thực hiện cổ phần hoá đã thu về cho nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng.
Đến nay, PVI đã thực hiện thành công tái cấu trúc doanh nghiệp, chuyển đổi hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Cơ cấu cổ đông gồm 49% là cổ đông nước ngoài, 51% còn lại, trong đó 35% là vốn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và các cổ đông là các cá nhân, tổ chức trong nước khác.
Theo đó, Công ty mẹ - Công ty Cổ phần PVI với các cổ đông chiến lược mạnh gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Talanx của Đức, Quỹ đầu tư Chính phủ Oman (OIF). Các công ty con bao gồm Tổng Công ty Bảo hiểm PVI, Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm PVI và Công ty Cổ phần Quản lý quỹ PVI (PVI AM).
“Với tốc độ tăng trưởng vốn, tài sản và doanh thu là hàng trăm lần, PVI đã khẳng định là định chế tài chính lớn, có uy tín và thương hiệu được quốc tế hóa” – ông Bùi Vạn Thuận nhấn mạnh.
Hiện tại, PVI cũng là doanh nghiệp duy nhất trong lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam nhiều năm liền được tổ chức xếp hạng quốc tế A.M Best xếp hạng năng lực tài chính của Bảo hiểm PVI ở mức B++ (Tốt) và Tái bảo hiểm PVI ở mức B+ (Tốt).
Ông Bùi Vạn Thuận - TGĐ PVI cho biết: Năm 2016, toàn bộ hệ thống PVI đã và đang hoàn thiện mô hình tái cấu trúc theo chiều sâu và hiệu quả, bao gồm: Tăng vốn điều lệ, mở rộng thị trường gắn với hiệu quả, giữ vững vị trí số 1 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam và mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế; Tăng vốn điều lệ và tìm cổ đông chiến lược cho Tái Bảo hiểm PVI để nâng cao năng lực, quy mô tài chính, đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh bảo hiểm cho toàn hệ thống.
Chúng tôi tâp trung hoàn thiện mô hình đầu tư của PVI AM nhằm đẩy mạnh và trở thành hoạt động lõi, trụ cột chính trong toàn hệ thống. Đồng thời nâng cao hiệu quả trong công tác quản trị, điều hành, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo tính minh bạch, chuyên nghiệp, phù hợp, kịp thời với những thay đổi trong công tác tái cơ cấu toàn hệ thống.
Qua đó nâng mức xếp hạng năng lực tài chính quốc tế. PVI cũng tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển và chuẩn hóa các sản phẩm lõi theo tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với yêu cầu cũng như khả năng chịu rủi ro của từng khách hàng, nâng chất lượng tư vấn và dịch vụ sau bán hàng.
Bên cạnh đó, PVI sẽ tập trung xây dựng quy chế quản lý thương hiệu tổng thể cho toàn hệ thống, phát triển và nâng tầm thương hiệu PVI trên thị trường trong nước và quốc tế, hoàn thiện chiến lược quản lý và phát triển nguồn nhân lực cho toàn hệ thống PVI giai đoạn 2016 - 2020.