PVN, EVN, Viettel… chi phối lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh toàn khối DNNN
3 tập đoàn PVN, EVN và Viettel cùng nhau tạo ra 50% doanh thu, 51% lợi nhuận và 52% nộp ngân sách của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (thuộc CIEM) trong tham luận gần đây về hiệu quả hoạt động của DNNN cho rằng việc tính toán số liệu bình quân của khối DNNN không phản ánh đúng bức tranh chung.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (năm 2017), tỷ suất lợi nhuận trên vốn của doanh nghiệp Việt Nam nói chung đạt 3,99%, DNNN đạt 6,62%, doanh nghiệp FDI đạt 6,68% và doanh nghiệp ngoài nhà nước là 1,88%.
Hiệu suất sử dụng lao động của toàn bộ doanh nghiệp là 14,2 lần, DNNN là 18 lần, doanh nghiệp ngoài nhà nước là 14,2 lần, doanh nghiệp FDI là 12,4 lần. DNNN có năng suất lao động theo giá trị gia tăng đạt 243 triệu đồng, doanh nghiệp ngoài nhà nước là 109 triệu đồng và doanh nghiệp FDI là 156 triệu đồng. Nếu tính năng suất lao động theo doanh thu, DNNN đạt 938 triệu đồng, doanh nghiệp ngoài nhà nước là 720 triệu đồng và doanh nghiệp FDI là 595 triệu đồng.
Theo ông Trung, trên thực tế, lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của khu vực DNNN đang phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp lớn.
Cụ thể, xét trong doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, phần lớn nguồn lực tập trung vào 7 tập đoàn và trên 60 tổng công ty nhà nước. Riêng 7 tập đoàn kinh tế nhà nước đã nắm giữ 66% tài sản, 66,7% vốn chủ sở hữu nhà nước, tạo ra 61,7% doanh thu, 56,5% lợi nhuận trước thuế và 56,7% thu ngân sách nhà nước của toàn bộ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Trong đó, 2 tập đoàn có quy mô lớn nhất là PVN và EVN cùng nhau nắm giữ 48% nguồn vốn kinh doanh và 46% vốn chủ sở hữu Nhà nước.
3 tập đoàn PVN, EVN và Viettel cùng nhau tạo ra 50% doanh thu, 51% lợi nhuận và 52% nộp ngân sách của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Mức độ tập trung rất lớn về nguồn lực đầu vào cũng như kết quả đầu ra của DNNN, theo ông Trung, có thể làm sai lệnh bức tranh chung về hiệu quả và sức cạnh tranh của cả khu vực DNNN khi so sánh với các doanh nghiệp khác.
Mặt khác, những doanh nghiệp này, cơ bản hoạt động trong những ngành, lĩnh vực có mức độ cạnh tranh thấp, tập trung vào ngành khai thác tài nguyên và tận dụng điều kiện tự nhiên (khai khoáng) hoặc những ngành, lĩnh vực do DNNN thống lĩnh, chi phối thị trường (viễn thông, năng lượng).
Theo ông, nếu xét trong nội bộ khu vực DNNN, trước hết là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì hiệu quả sản xuất kinh doanh có xu hướng giảm.
Dẫn số liệu, vị chuyên gia đến từ CIEM cho biết tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tài sản của DNNN năm 2012 đạt 6,5%, năm 2013 đạt 6,3%, năm 2014 đạt 6%, năm 2015 là 5,3%, năm 2016 chỉ còn 4,6%, năm 2017 tăng lên 5,5%.
Tương tự, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trong cùng thời gian lần lượt là 16,4%, 15,8%, 15,2%, 11,7%, 10% và 12,2%.
Tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ hằng năm không giảm, luôn có 20% doanh nghiệp không có lợi nhuận, ông cho biết.
Đồng thời, ông chỉ ra rằng vẫn còn nhiều DNNN chưa đảm bảo các yêu cầu an toàn tài chính, nợ nhiều, có nguy cơ đổ vỡ khi kinh doanh không hiệu quả. Bình quân DNNN có nợ phải trả cao gấp 3,1 lần vốn chủ sở hữu, trong khi mức trung bình doanh nghiệp Việt Nam là 2,1 lần.
Trên bình diện sản xuất và cung ứng dịch vụ, phần lớn DNNN theo vị chuyên gia này đánh giá vẫn hạn chế về năng lực hạ giá thành, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả đầu tư. Theo đó, tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực nhất là trong các ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản là bất cập đã tồn tại trong nhiều năm, nhưng đến nay chưa được xử lý triệt để, làm tăng chi phí, giảm năng suất và hiệu quả hoạt động.