PVPower đặt kế hoạch lợi nhuận đi ngang, phấn đấu đưa cổ phiếu vào rổ VN30 trong năm 2019
Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, PVPower đặt chỉ tiêu tổng sản lượng điện 21,6 tỷ kWh; Tổng doanh thu 32.770 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế 2.275,2 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức (bằng cổ phiếu) ở mức 6%.
Ngày 19/4/2018 đã diễn ra ĐHCĐ thường niên năm 2019 của Tổng Công ty điện lực dầu khí Việt Nam – PVPower (Mã CK: POW).
Điểm lại hoạt động kinh doanh, năm 2018 được đánh giá là một năm khó khăn của ngành dầu khí nói chung và PVPower nói riêng. Sảng lượng điện hợp đồng được giao cho các nhà máy giảm mạnh so với tính toán đã ảnh hưởng đến chào giá thị trường điện và vận hành của các nhà máy; nguồn khí Đông và Tây Nam Bộ cấp cho các nhà máy điện Nhơn Trạch 1&2 ngày càng suy giảm; tình hình thủy văn thất thường;…
Trong năm 2018, sản lượng điện hợp nhất của PVPower đạt hơn 21 tỷ kWh, hoàn thành 97,3% kế hoạch năm. Tuy vậy, doanh thu PVPower đạt 33.260 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.287 tỷ đồng, lần lượt vượt 6% và 8% chỉ tiêu đề ra. Năm 2018, PVPower quyết định không chia cổ tức.
Năm 2019 đặt kế hoạch lợi nhuận đi ngang, phấn đấu đưa cổ phiếu vào rổ VN30
Trong năm 2019, PVPower sẽ phải đối mặt với khó khăn khi nguồn khí ngày càng suy giảm, ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo đủ khí và độ khả dụng của các nhà máy; TKV đang gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn than cung cấp cho các nhà máy điện; chi phí bảo dưỡng sửa chữa ngày một lớn; nhiều dự án mới có nhu cầu vốn lớn, tiến độ sát cần tập trung và huy động nguồn lực lớn để đảm bảo tiến độ.
Về kế hoạch kinh doanh, PVPower đặt chỉ tiêu tổng sản lượng điện 21,6 tỷ kWh; Tổng doanh thu 32.770 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế 2.275,2 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức (bằng cổ phiếu) ở mức 6%.
So với kết quả thực hiện năm trước, kế hoạch doanh thu năm 2019 của PVPower giảm nhẹ 490 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức tương đương.
Ban lãnh đạo PVPower cho biết trong những năm tới, công ty sẽ hạn chế chi trả cổ tức bằng tiền do cần nguồn vốn lớn để triển khai các dự án.
Năm 2019, PVPower sẽ tổ chức trùng tu nhà máy điện Hủa Na; tiểu tu các nhà máy điện: Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1&2, Đakđrinh, Nậm Cắt và sửa chữa định kỳ nhà máy điện Vũng Áng 1.
Đảm bảo cung cấp than ổn định cho Nhà máy điện Vũng Áng 1; triển khai đàm phán giá điện chính thức nhà máy điện Vũng Áng 1 sau khi quyết toán vốn đầu tư dự án được phê duyệt; giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác thương mại đối với nhà máy điện Cà Mau 1&2 với EVN.
Bên cạnh đó, PVPower cũng tập trung trọng điểm vào Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4; tiếp tục triển khai các công việc liên quan đến dự án thủy điện Luang Prabang theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền; nghiên cứu triển khai dự án đầu tư mở rộng kho than Nhà máy điện Vũng Áng 1; nghiên cứu triển khai xây dựng trụ sở văn phòng PVPower độc lập.
Cũng trong năm 2019, PVPower sẽ đẩy mạnh công tác IR, phấn đấu đưa cổ phiếu POW vào rổ VN30.
Tăng số lượng thành viên HĐQT lên con số 7
Theo quy định tại điều 27, điều lệ Tổng công ty, HĐQT sẽ có từ 5-7 thành viên, trong đó tối thiểu 1/3 là thành viên độc lập. Tuy nhiên, số lượng thành viên HĐQT PVPower hiện chỉ là 5 và không có thành viên độc lập. Do đó, HĐQT đề xuất điều chỉnh cơ cấu, nâng số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018 – 2023 lên con số 7, bao gồm 2 thành viên độc lập.
2 thành viên được đề cử mới là bà Vũ Thị Tố Nga, hiện là trưởng ban thương mại dịch vụ PVN và bà Nguyễn Hoàng Yến, chuyên viên cao cấp, văn phòng Hội đồng thành viên.
Liên quan đến việc bầu thay thế thành viên HĐQT, PVPower thông qua việc miễn nhiệm ông Vũ Huy An – Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018 – 2023 do ông An đã nghỉ theo chế độ hưu từ ngày 1/2/2019.
Nhà máy Vũng Áng đang được tháo gỡ khó khăn về vấn đề than, tro xỉ
Là nhà máy nhiệt điện than lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam lúc này. Trước đến nay có một vài vấn đề phải giải quyết là tro xỉ. Ở vị trí Vũng Áng không thuận tiện để vận chuyển xử lý tro xỉ. Tuy nhiên, đến lúc này đã trút được gánh nặng khá lớn khi ký được hợp đồng bao tiêu toàn bộ tro xỉ trong thời gian dài cho PVPower.
Vấn đề về than là đau đầu lớn nhất thời gian qua. Lúc đầu đi vào hoạt động, than không phải vấn đề lớn, thậm chí là thuận lợi nhờ nguồn than TKV. Tuy nhiên, gần đây nguồn than TKV không cung cấp đủ cho nhu cầu trong nước, bao gồm Vũng Áng. PVPower đã nỗ lực làm việc với TKV để tìm nguồn than cung cấp cho Vũng Áng.
Nhưng thực tế lúc này vẫn không đủ than. POW đã xin phép Chính phủ được chủ động tìm nguồn. TKV cam kết cung cấp 2,4 triệu tấn than trong quý 1. Nếu theo sản lượng được giao, cần tới 2,8 triệu tấn, tức là thiếu 0,4 triệu tấn than. Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã họp với các bộ ngành để tìm cách tháo gỡ khó khăn và trong thời gian tới sẽ được tháo gỡ khó khăn và có thể POW sẽ được nhập khẩu than về nước.
Có thể việc nhập khẩu than về có chất lượng khác với than TKV, nhưng POW sẽ thử nghiệm và đảm bảo lượng than mới sẽ không ảnh hưởng tới nhà máy mới đi vào vận hành chính thức.
Nếu đủ nguồn than và xử lý tro xỉ tốt, Vũng Áng 1 sẽ về đích kế hoạch kinh doanh năm 2019.
Sản lượng khí giảm xuống, nhưng không quá lo ngại
Về vấn đề khi cung cấp cho các nhà máy, POW hiện có 2 nhà máy Cà Mau sử dụng khí Tây nam bộ và 2 nhà máy Nhơn Trạch sử dụng nguồn khí Đông Nam bộ. Về cung cấp khí Đông Nam bộ, vừa qua có một số mỏ khí giảm lượng giảm xuống. Tập đoàn đang nỗ lực đưa các mỏ khí mới vào hoạt động để bù đắp. Tuy nhiên, giá khí nhiều khả năng sẽ tăng lên, nhưng điều này không quá ảnh hưởng tới KQKD POW.
Về khí Tây Nam Bộ (Cà Mau 1&2), vấn đề khí không quá lo ngại khi đàm phán được với nhà cung cấp Malaysia, đảm bảo đủ nguồn khí hoạt động.
Nhìn chung lượng khí trong nước khai thác vẫn đủ nhu cầu như những năm trước, nhưng thiếu so với nhu cầu của POW. Hiện POW đang làm việc với nhiều đơn vị cung cấp khí để có thể vận hành tối đa 4 tổ máy.
Về vấn đề nhà máy thủy điện Luang Prabang, đây là nhà máy thủy điện rất lớn, với công suất dự kiến ban đầu khoảng 1.200 MW. POW được tham gia tỷ lệ góp vốn 38%. Nếu đầu tư vào dự án này thành công sẽ gây tiếng vang lớn trong việc đầu tư ra nước ngoài. Theo tư vấn, nếu bán điện cho Thái Lan sẽ có hiệu quả lớn.
Tuy vậy, có vấn đề là POW sẽ phải góp vốn khá lớn và đang xây dựng cơ chế đặc thù để hỗ trợ cho POW đầu tư ra nước ngoài.
POW đã đạt tiêu chí vào VN30, lộ trình thoái vốn Nhà nước chưa sớm diễn ra
Để lọt rổ VN30 cần phụ thuộc vào yếu tố giá trị vốn hóa và khối lượng giao dịch. Hiện nay xếp cả 2 tiêu chí này, vốn hóa POW đứng thứ 21, xét theo giá trị giao dịch đứng thứ 17. Theo điều kiện hiện hành, POW đã đủ điều kiện vào VN30. Nhưng do mới niêm yết trên HoSE nên dự kiến phải cuối năm nay mới được xem xét vấn đề vào rổ VN30.
Về vấn đề cổ phiếu POW liên tục giảm, chủ tịch Hồ Công Kỳ cho biết thị trường chung cũng không quá tích cực, mức giảm của thị trường chung mạnh hơn POW. Xu hướng bán ròng của khối ngoại trong tháng 3, nhưng tháng 4 đã mua ròng trở lại.
Việc POW giảm có thể liên quan đến vấn đề cổ tức, Vũng Áng. Nhưng qua theo dõi, việc đi xuống của POW vẫn thấp hơn mức giảm của thị trường.
Về lộ trình thoái vốn Nhà nước, theo chủ tịch POW, ủy ban quản lý vốn nhà nước đã đi vào hoạt động, việc thoái vốn sẽ không do Bộ Công thương quyết định mà do ủy ban quản lý vốn.
Tuy nhiên, POW hiện có khoản vay tại Vũng Ánh, theo quy định PVN phải nắm tối thiếu 65% đến khi trả hết nợ nước ngoài mới có thể thoái dưới 65% (dự kiến năm 2025).
Trí Thức Trẻ