MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PVR: Lên kế hoạch tái cơ cấu, xử lý công nợ, đổi tên, chuyển địa điểm

20-06-2016 - 06:42 AM | Doanh nghiệp

PVR trình phương án chuyển nhượng dự án tòa nhà 18T1-CT15 Văn Phú, bán rẻ và tái cơ cấu lại một số công nợ khó đòi, khó trả...để tập trung vào dự án CT10-11 Văn Phú.

Ngày 24/6 tới đây, CTCP Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán PVR) sẽ tổ chức họpĐHCĐ thường niên năm 2016. Đại hội lần này của công ty có rất nhiều nội dung quan trọng.

Trình phương án xửa lý các khoản công nợ tồn đọng

-Công nợ phải trả liên quan đến cổ phần PVCI: Hiện tại PVR đang có khoản công nợ ghi nhận với Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) liên quan đến số cổ tức 2011, mua cổ phần PVCI và hợp đồng dở dang liên quan đến xây dựng. HĐQT công ty đề xuất, PVC nhận lại số cổ phần góp vào khách sạn Lam Kinh (theo chỉ đạo của Tổng công ty nhưng không mang lại lợi nhuận) thay cho một phần cổ tức. Phần còn lại PVR sẽ trả sau. Đối với 1,5 triệu cổ phần PVCI mà Tổng công ty chuyển nhượng sang cho PVR, do các điều khoản trên hợp đồng chưa đúng quy định nên đề nghị PVC nhận lại toàn bộ số cổ phần PVCI nói trên.

-Các khoản phải thu khó đòi và nợ khó trả liên quan đến phần cổ PVCI: Theo đó, công ty có khoản phải thu khác là cá nhân liên quan đến việc chuyển nhượng 825.000 cổ phần của CTCP Đầu tư xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVCI) từ năm 2011 có giá trị 9,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, cá nhân liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng này hiện không còn và các thủ tục chuyển nhượng lại chưa hoàn tất. Khoản phải thu này cũng chưa được công ty trích lập dự phòng. Do vậy HĐQT công ty đề xuất bán khoản nợ trên với giá 1,65 tỷ đồng.

-Khoản phải thu khó đòi tại Công ty TNHH Nhà Vĩnh Hưng: Từ năm 2010, PVR có hợp đồng hơp tác đầu tư với Nhà Vĩnh Hưng liên quan đến dự án 409 Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội. Song đến thời điểm hiện tại, Nhà Vĩnh Hưng có hiện tượng vi phạm pháp luật, đã bị niêm phong con dấu, sổ sách tài liệu, đồng thời Chủ tịch HĐQT Nhà Vĩnh Hưng cũng bị tạm giam nên không thể đối chiếu công nợ với đơn vị này. Do vậy, công ty trích lập dự phòng 100% phải thu khó đòi đối với khoản này (gần 3,5 tỷ đồng) và đề xuất tìm đối tác mua lại khoản nợ này với giá 500 triệu đồng.

-Khoản đầu tư kém hiệu quả tại CTCP Đầu tư phát triển Bình An: Theo đó, tháng 6/2011, PVR và CTCP Dịch vụ Khách sạn Đại Dương (OCH) ký hợp đồng góp vốn đầu tư dự án sô 9 Trần Thành Tông, Hà Nội và chuyển nhượng 70,5% vổ phầ công ty Bình An tương đương gần 409 tỷ đồng để thực hiện dự án Xây tổ hợp văn phòng làm việc, dịch vụ thương mại và nhà ở căn hộ để bán tại số 9 Trần Thành Tông. Tuy nhiên dự án sau đó được chuyển đổi mục đích.

Tháng 12/2013, PVR đã chuyển nhượng 51% cổ phần tại Bình An cho đối tác, giảm tỷ lệ sở hữu của Công ty tại Bình An xuống còn 19,5% và không có quyền kiểm soát tại Bình An như trước, đồng thời dự án cũng đình trệ do thiếu vốn. Ngoài ra, do tính toán sai số tiền lợi thế thương mại khi định giá cổ phần dẫn đến việc công ty còn ghi nhận số nợ với Bình An lên đến trên 105,8 tỷ đồng. Do vậy, HĐQT công ty đề xuất bán toàn bộ 19,5% cổ phần công ty đang nắm giữ tại Bình An với giá 50 đồng/cổ phần đồng thời đối tác sẽ phải nhận lại toàn bộ khoản nợ 105,8 tỷ đồng mà PVR phải trả cho Bình An.

-Chuyển nhượng danh mục đầu tư: Hiện tại, cổng ty đang đầu tư vào 4 cổ phiếu niêm yết là EFI, ICG, PXL và PV2 với tổng giá trị đầu tư ban đầu trên 26,8 tỷ đồng; giá trị thực tế tại ngày 28/5/2016 còn 13,54 tỷ đồng. Do vậy, để tập trung vốn cho dự án CT10-11 Văn Phú, HĐQT công ty đề xuất chuyển nhượng toàn bộ khoản đầu tư trên mà không phải định giá, giá trị chuyển nhượng bằng giá trị giao dịch trên sàn tại thời điểm khớp lệnh.

-Chuyển nhượng tòa 18T1 và hạ tầng chung cư tại dự án CT15 Việt Hưng: HĐQT công ty nhận định, nếu tiếp tục giữ lại để triển khai dự án Tòa nhà 18T1 thì sẽ gặp khó khăn về vốn, do vậy HĐQT công ty đề xuất bán toàn bộ tài sản công ty hiện có như tòa nhà 18T1-Dự án CT15 Việt Hưng để tập trung vốn triển khai dự án CT10-11 Văn Phú, sớm đưa dự án này hoàn thành bàn giao khách hàng.

Tính đến thời điểm cuối năm 2015, tổng chi phí lũy kế đầu tư vào dự án này trên 43,43 tỷ đồng chưa bao gồm thuế VAT. Do vậy, HĐQT công ty lên phương án chuyển nhượng dự án với giá làm tròn 50,8 tỷ đồng, dự kiến dòng tiền thuần thu về 7,4 tỷ đồng.

-Đổi tên công ty và chuyển trụ sở chính: Một nội dung quan trọng được HĐQT trình Đại hội là, do cơ cấu cổ đông thay đổi, hiện công ty không thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nữa, nên đề xuất đổi tên công ty thành CTCP Đầu tư Bất động sản PVR Hà Nội. Đồng thời xúc tiến thuê trụ sở làm việc mới tại toà nhà Fafim số 19 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Ha Nôi.

Mục tiêu năm 2016, 2017, công ty sẽ tập trung tái cơ cấu, giảm biên chế, tuyển dụng các lao động có tay nghề; tập trung đầu tư vào 1 dự án trọng điểm CT10-11 Văn Phú để dự kiến hoàn thành xây dựng thô vào quý 2/2018. Đối với các dự án khác, tìm đối tác chuyển nhượng, thoái vốn để đảm bảo tối ưu nhất.

Thái Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên