MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PwC: Triển vọng doanh thu giảm mạnh trong mắt các CEO toàn cầu

22-01-2019 - 13:00 PM | Tài chính quốc tế

Trong báo cáo mới được công bố, PwC nhận thấy CEO tại hầu hết các quốc gia đều không chắc chắn về khả năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu - thận trọng là trên hết.

Mức độ bi quan nhảy vọt

Trong cuộc khảo sát thường niên lần thứ 22 được tiến hành với hơn 1.300 lãnh đạo doanh nghiệp tại hơn 90 quốc gia, PwC nhận thấy gần 30% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ thấp hơn trong 12 tháng tới. Con số này gấp khoảng 6 lần tỷ lệ của năm ngoái (5%) và là một cú nhảy vọt về mức độ bi quan. Kết quả này trái ngược hoàn toàn với năm ngoái, khi mà có tới 57% các CEO lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu (tăng kỷ lục từ 29% năm trước đó).

Tuy vậy, không phải tất cả đều nhìn nhận tương lai một cách u ám: 42% người trả lời khảo sát vẫn thấy triển vọng kinh tế được cải thiện, mặc dù con số này giảm đáng kể so với mức 57% trong năm 2018. Nhìn chung, kỳ vọng của các CEO về tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị phân cực hơn trong năm nay nhưng đều có xu hướng giảm. Sự thay đổi rõ rệt nhất là ở Bắc Mỹ, nơi tỷ lệ các CEO lạc quan giảm từ 63% năm 2018 xuống còn 37% do sự suy giảm của các chính sách kích thích tài khóa và các căng thẳng thương mại mới nổi. Khu vực Trung Đông cũng chứng kiến sụt giảm lớn (từ 52% xuống 28%) do bất ổn kinh tế khu vực gia tăng.

PwC: Triển vọng doanh thu giảm mạnh trong mắt các CEO toàn cầu - Ảnh 1.

Mức độ lạc quan giảm cũng tác động đến các kế hoạch tăng trưởng tại nước ngoài của các CEO. Mỹ vẫn giữ vững vị trí là thị trường hàng đầu để tăng trưởng (27% người trả lời chọn), tuy có giảm đáng kể so với tỷ lệ 46% năm 2018. Thị trường hấp dẫn thứ hai là Trung Quốc (giảm xuống 24% từ 33% năm 2018). Nhìn chung, Ấn Độ là ngôi sao đang lên trong danh sách năm nay. Quốc gia này gần đây đã vượt qua Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất. 

"Quan điểm của các CEO về nền kinh tế toàn cầu cũng tương đồng với nhận định mà nhiều dự báo kinh tế đã đưa ra – đó là triển vọng tăng trưởng sẽ giảm trong năm 2019," ông Bob Moritz, Chủ tịch Toàn cầu của PwC cho biết. "Khi căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng thì cũng không khó hiểu nếu sự lạc quan giảm sút".

Sự lo lắng về khả năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang làm giảm niềm tin của các CEO vào triển vọng của chính doanh nghiệp mình trong ngắn hạn. 35% các CEO cho biết họ rất tự tin về triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp họ trong 12 tháng tới, giảm từ mức 42% năm 2018.

Kết quả khảo sát tại một số quốc gia cụ thể phản ánh xu hướng chung của toàn cầu:

•             Trung Quốc: số người trả lời "rất lạc quan" giảm từ 40% năm 2018 xuống còn 35% năm nay - do căng thẳng thương mại, thuế quan của Mỹ và nền sản xuất công nghiệp suy yếu

•             Mỹ: giảm từ 52% xuống 39% - do căng thẳng thương mại và nền kinh tế phát triển chậm lại

•             Đức: giảm từ 33% xuống 20% - do căng thẳng thương mại, nền kinh tế phát triển chậm lại và nguy cơ Brexit ¬diễn ra một cách lộn xộn

•             Argentina: giảm từ 57% xuống 19% - do suy thoái kinh tế và sụp đổ tiền tệ

•             Nga: giảm từ 25% xuống 15% - do nhu cầu xuất khẩu giảm, biến động tiền tệ và tỷ lệ thất nghiệp tăng

Mỹ vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong số các thị trường tiềm năng để tăng trưởng trong 12 tháng tới. Tuy nhiên, nhiều CEO cũng đang chuyển sang các thị trường khác, thể hiện qua việc giảm đáng kể tỷ lệ người trả lời chọn Mỹ, từ 46% năm 2018 xuống chỉ còn 27% vào năm 2019. Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách với Mỹ, nhưng mức độ thu hút của quốc gia này cũng giảm từ 33% năm 2018 xuống 24% năm 2019.

PwC: Triển vọng doanh thu giảm mạnh trong mắt các CEO toàn cầu - Ảnh 2.

Do cuộc xung đột thương mại đang diễn ra với Mỹ, các CEO của Trung Quốc đã đa dạng hóa thị trường để tăng trưởng, khi mà chỉ 17% chọn Mỹ (giảm từ 59% năm 2018). Ba quốc gia còn lại trong Top 5 về tăng trưởng là Đức (13%, giảm từ 20% năm 2018), Ấn Độ (8%, giảm từ 9%) và Anh (8%, giảm từ 15%).

"Việc Trung Quốc quay lưng lại với thị trường Mỹ và chuyển dịch đầu tư sang các nước khác là một cách phản ứng trước những bất ổn từ tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc", ông Bob Moritz nói.

Khi các chỉ số cho thấy nền kinh tế toàn cầu có thể sắp bước vào giai đoạn suy giảm, nhiệm vụ chính của nhiều CEO giờ đây là ứng phó với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ tại các thị trường nơi họ hoạt động. Xung đột thương mại, bất ổn chính sách và chủ nghĩa bảo hộ đã thay thế khủng bố, biến đổi khí hậu và gia tăng gánh nặng thuế trong danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với tăng trưởng.

Phân tích dữ liệu – Khoảng cách thông tin vẫn tồn tại

Cuộc khảo sát năm nay đã một lần nữa đưa ra các câu hỏi về tính đầy đủ của dữ liệu, vốn được hỏi lần đầu tiên vào năm 2009. Kết quả khảo sát cho thấy rằng các CEO vẫn phải đối mặt với năng lực dữ liệu yếu kém. Vì vậy, khoảng cách thông tin vẫn còn tồn tại. Mặc dù đã đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng CNTT trong khoảng thời gian từ 2009 đến nay, các CEO vẫn không nhận được dữ liệu toàn diện để đưa ra những quyết định quan trọng đối với thành công lâu dài và sự tồn tại bền vững của doanh nghiệp.

Kỳ vọng của các nhà lãnh đạo đã tăng lên cùng với sự phát triển của công nghệ. Tuy nhiên, các CEO nhận thức sâu sắc rằng khả năng phân tích của họ không theo kịp với khối lượng dữ liệu đã mở rộng theo cấp số nhân trong thập kỷ qua. Khi được hỏi tại sao họ không nhận được dữ liệu toàn diện, các CEO đưa ra các lý do chính là: "thiếu nhân sự có năng lực phân tích" (54%), sau đó là "dữ liệu không đồng bộ" (51%) và "độ tin cậy dữ liệu kém" (50%).

Các CEO đều cho rằng không có cách nào nhanh để thu hẹp khoảng cách về kỹ năng trong doanh nghiệp của mình. 46% cho rằng đào tạo lại và nâng cao kỹ năng là giải pháp tốt nhất, và 17% đồng thời cho rằng ươm mầm tài năng từ các trường học là một lựa chọn.

"Khi mà công nghệ tiếp tục thay đổi mạnh mẽ thế giới kinh doanh thì những người sở hữu kỹ năng phân tích dữ liệu và kỹ năng số sẽ ngày càng được săn lùng và cũng ngày càng trở nên khó tìm hơn", ông Moritz chia sẻ. "Tuy vậy, nhu cầu đối với những kỹ năng mềm cũng rất quan trọng. Đó là lý do tại sao các doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức giáo dục cần phải hợp tác để cùng giải quyết các yêu cầu của lực lượng lao động đang phát triển."

Trí tuệ nhân tạo (AI)

85% các CEO cho rằng công nghệ AI sẽ thay đổi mạnh mẽ doanh nghiệp của họ trong 5 năm tới. Gần 2/3 các CEO cho rằng AI sẽ có tác động lớn hơn cả internet.

Bất chấp cái nhìn khá tích cực về AI, 23% các CEO chưa có kế hoạch để triển khai công nghệ này và 35% "có kế hoạch triển khai" trong ba năm tới. 33% đã triển khai "một cách rất hạn chế". Chưa đến 1/10 CEO đã triển khai AI trên phạm vi rộng.

PwC: Triển vọng doanh thu giảm mạnh trong mắt các CEO toàn cầu - Ảnh 3.

Khi nói đến tác động của AI lên việc làm, có đến 88% các CEO Trung Quốc tin rằng AI sẽ thay thế nhiều việc làm hơn là tạo ra các việc làm mới. Các CEO tại các nước châu Á -Thái Bình Dương khác (60%) cũng bi quan hơn so với toàn cầu (49%). Các CEO ở Tây Âu và Bắc Mỹ ít bi quan hơn: 38% CEO Tây Âu và 41% CEO Bắc Mỹ cho rằng AI sẽ thay thế nhiều hơn là tạo ra việc làm.

"Mặc dù các doanh nghiệp ở châu Á -Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Tây Âu có mức độ triển khai công nghệ AI khá tương đương nhau, chúng tôi nhận thấy sự khác biệt ngày càng lớn giữa cách suy nghĩ của họ về tác động tiềm tàng của AI đối với xã hội và vai trò của chính phủ trong sự phát triển của AI," ông Moritz nhận định.

Linh Anh

PwC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên