Pyn Elite Fund mua trọn 7 triệu cổ phiếu "ế" của Đèo Cả (HHV) với giá đắt hơn bán cho CĐHH
Giá phân phối cho Pyn Elite Fund là 11.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng quỹ sẽ cần chi hơn 78 tỷ đồng để hoàn tất mua vào, trong khi giá chào bán cho CĐHH là 10.000 đồng/cp.
Trong thông báo mới nhất, Công ty Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã HHV) đã thông báo Nghị quyết HĐQT về việc chào bán số cổ phiếu chưa phân phối hết trong đợt phát hành hơn 82 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2023, tỷ lệ 4:1.
Cụ thể, HHV tiếp tục chào bán hơn 7,1 triệu cổ phiếu chưa phân phối hết, tương đương với 1,73% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành sau phát hành. Kết quả, quỹ PYN Elite Fund đến từ Phần Lan là nhà đầu tư duy nhất được mua toàn bộ lượng cổ phiếu dôi dư trên.
Giá phân phối lại là 11.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng quỹ Pyn Elite sẽ cần chi hơn 78 tỷ đồng để hoàn tất mua vào. Thời gian nộp tiền mua cổ phiếu từ 10/1/đến 15/1/2023.
Đáng nói mức giá chào bán lại cao hơn giá bán cho cổ đông hiện hữu là 10.000 đồng/cp. Ngoài ra, điểm khác biệt còn là việc toàn bộ lượng cổ phiếu phân phối lại sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, trong khi cổ phiếu được mua bởi cổ đông hiện hữu trước đó không bị hạn chế chuyển nhượng.
Quỹ Pyn Elite Fund có quy mô hơn 700 triệu EUR (~18.800 tỷ đồng), quỹ vừa ghi nhận mức hiệu suất đầu tư chỉ vỏn vẹn 1,69% trong năm 2023, trở thành một trong những "cá mập" đầu tư kém sắc nhất toàn thị trường. Thời điểm cuối năm 2023, 5 khoản đầu tư lớn nhất danh mục của quỹ đều là cổ phiếu ngân hàng, lần lượt là STB, HDB, TPB, CTG và MBB với tổng tỷ trọng lên đến gần 50%, theo sau là ACV, VRE, SHS, VEA và CMG.
Về phía HHV, với việc chào bán thành công cho Pyn Elite Fund, công ty sẽ huy động về được 830 tỷ đồng và tăng vốn điều lệ lên hơn 4.100 tỷ đồng. Theo kế hoạch sử dụng vốn, công ty hạ tầng dự kiến sử dụng nguồn tiền để phân bổ cho các hoạt động bao gồm trích 108 tỷ đồng góp vốn đầu tư vào CTCP Đầu tư Đèo Cả; chi 34 tỷ đồng góp vốn đầu tư vào CTCP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn; chi 150 tỷ đồng thanh toán khoản vay ngắn hạn tại các tổ chức tín dụng; chi gần 332 tỷ đồng mua sắm máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và 200 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn lưu động.
Cũng liên quan tới đợt phát hành, cổ đông lớn nhất tại HHV là Đầu tư Hải Thạch BOT đã chuyển nhượng hơn 66 triệu quyền mua, gần như toàn bộ, do đó tỷ lệ sở hữu dự kiến giảm từ 20,11% về còn 16,09% sau khi hoàn tất phát hành. Cùng chiều, Chủ tịch HĐQT HHV Hồ Minh Hoàng cũng đã chuyển nhượng toàn bộ gần 2 triệu quyền mua.
Ngược lại Tập đoàn Đèo Cả là cổ đông mua lại đúng bằng lượng quyền mua của ông Hoàng, đồng thời thực hiện quyền mua hiện hữu, tỷ lệ sở hữu dự kiến sẽ tăng lên 1,35% vốn.
Trên thị trường, cổ phiếu HHV chốt phiên 9/1 đạt 15.900 đồng/cp, tăng 34% so với đầu quý 4/2023 và tăng gần 93% so với đầu năm 2023.
HHV (đơn vị thành viên trong hệ sinh thái Đèo Cả) là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi lớn từ chính sách tăng giải ngân đầu tư công khi liên tục trúng thầu các dự án có giá trị lớn như cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, nâng cấp mở rộng đèo Prenn, dự án đường ven biển Bình Định, dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng)…
Về tình hình kinh doanh, HHV đã ước tính doanh thu năm 2023 đạt 2.560 tỷ đồng, tăng 466 tỷ đồng (tăng 22%) so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt khoảng 370 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và vượt kế hoạch năm khoảng 9%.
Công ty cũng vừa trúng thầu dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 dài hơn 93km, tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng đã được UBND tỉnh Cao Bằng trao cho liên danh nhà đầu tư HHV thực hiện. Thông tin từ công ty HHV cho biết, ngay sau khi được UBND tỉnh Cao Bằng trao quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án, HHV cùng các nhà đầu tư trong liên danh đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Cao Bằng để thực hiện các thủ tục, chuẩn bị mặt bằng,… nhằm đảm bảo việc khởi công dự án vào ngày 1/1/2024.
An ninh Tiền tệ