[Q&A] 10 phút để hiểu cơ quan thuế thu thuế qua sàn Shopee, Lazada thế nào? Các nước trên thế giới thu thuế từ TMĐT ra sao?
Amazon, eBay... đều đang thực hiện nghĩa vụ tính thuế doanh thu (hoặc thuế GTGT) đối với từng đơn hàng. Tại Việt Nam, thời gian tới, các nguồn thu nhập của một cá nhân sẽ được cơ quan thuế tổng hợp lại đến 31/12 và cảnh báo cho người nộp thuế để có thể kê khai nộp thuế đúng quy định của pháp luật.
- 18-06-2021Shopee, Tiki, Lazada,… sẽ phải nộp thuế thay cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên nền tảng của mình
- 01-06-2021Cuộc chiến "khô máu" TMĐT Việt Nam: Mạnh tay "xuống tiền" cho phí ship và thuê người nổi tiếng, lượng truy cập của Shopee áp đảo so với Tiki, Lazada, Thế giới Di động…
- 29-05-2021Tương lai Lazada sẽ ra sao khi 'túi tiền' Alibaba gặp khó khăn tứ bề?
Thông tư 40/2021/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành về việc hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, áp dụng với cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Để tránh thất thu, thông tư quy định chính các sàn giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân.
Thông tư ban hành ngày 1/6/2021, có hiệu lực từ 1/8. Theo quy định, cá nhân kinh doanh có thu nhập năm từ 100 triệu đồng trở lên sẽ phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN.
Q: Hơn 1 tháng nữa Thông tư 40 sẽ có hiệu lực, Tổng cục Thuế sẽ tính thu thuế qua sàn TMĐT thế nào?
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân - Tổng cục Thuế khẳng định việc thu thuế TMĐT không phải mới. Điểm khác biệt là cách thức thu. Trước, người nộp thuế tự kê khai, tự nộp, và cách tra cứu giao dịch cũng không dễ dàng. Việc kê khai nộp thuế có rất nhiều đầu mối kê khai và tốn nhiều thời gian công sức của các cá nhân kinh doanh.
Nếu thực hiện giải pháp thông qua sàn TMĐT để kê khai nộp thuế, cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thuế, thì đây là một giải pháp rất tích cực. Giải pháp này hỗ trợ cho cá nhân kinh doanh, giảm thiểu đầu mối kê khai nộp thuế của các cá nhân kinh doanh, tiết kiệm được thời gian, công sức của cá nhân kinh doanh, tạo thuận lợi cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân - Tổng cục Thuế.
Q: Việc kê khai nộp thuế thay cho các cá nhân, hộ kinh doanh trên các sàn TMĐT cần sự hỗ trợ từ những đơn vị nào?
Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng đây là một giải pháp cần phối hợp giữa ngân hàng, các sàn giao dịch TMĐT và cơ quan thuế. Ngân hàng sẽ có một luồng tiền từ các cá nhân kinh doanh đến với nhau hoặc từ các tổ chức đến với nhau. Việc cung cấp thông tin qua ngân hàng cũng là giải pháp để cơ quan thuế có thông tin trong công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Trong thời gian tới, chúng tôi hỗ trợ người nộp thuế là một cá nhân nộp thuế có thể có nhiều nguồn thu nhập, thì các nguồn thu nhập này sẽ được cơ quan thuế tổng hợp lại đến 31/12 và cảnh báo cho người nộp thuế để có thể kê khai nộp thuế đúng quy định của pháp luật.
Q: Nhiều thông tin cho rằng dự thảo thông tư đăng tải ngày 12/3 lấy ý kiến các bên không có quy định thu thuế qua sàn, nhưng quy định này lại xuất hiện trong thông tư chính thức? Thời điểm các sàn TMĐT nắm được thông tin thì thông tư đã chính thức ban hành?
Tổng cục Thuế cho rằng Thông tư 40 thực hiện đúng quy trình ban hành văn bản pháp luật. Khi lấy ý kiến trên phương tiện thông tin đại chúng, tuy chưa có nội dung này nhưng một nội dung về TMĐT thì cơ quan thuế đã dành ra một cuộc hội thảo riêng ngày 19/3/2021 tại Tổng cục Thuế, giấy mời được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Quy định này được bổ sung sau hội thảo 19/3, không cập nhật lại dự thảo và công bố rộng rãi theo cách thức của bản dự thảo đầu tiên, vì theo quy định của văn bản pháp luật, dự thảo chỉ công bố 1 lần, bà Lan Anh cho biết trên VTV1.
Q: Các nước trên thế giới có thu thuế qua sàn TMĐT?
Hiện các sàn giao dịch TMĐT lớn nhất trên thế giới (như eBay, Amazon, Bestbuy...) đều đang thực hiện nghĩa vụ tính thuế doanh thu (hoặc thuế GTGT) đối với từng đơn hàng, sau đó, nộp vào ngân sách thay cho người bán trên sàn của mình. Khi người mua đặt hàng, sẽ có số thuế tạm tính được cộng vào tiền thanh toán. Số thuế này sẽ được xác định chính xác tại email xác nhận đơn hàng gửi đến cho người mua.
Xét trên bình diện các nước, từ năm 2018, 2019, cơ quan thuế các nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc, Đức đã triển khai các biện pháp để thu thuế doanh thu thông qua các sàn điện tử. Khi người mua thực hiện mua hàng từ người bán ở nước ngoài, thì giao dịch này phải thuộc đối tượng chịu thuế ở nơi tiêu thụ (nơi người mua ở).
Tuy nhiên, người bán không phải lúc nào cũng xác định được số thuế họ phải nộp cho mỗi quốc gia mà họ bán hàng tới. Theo đó, các nước đã ban hành các đạo luật yêu cầu các sàn giao dịch điện tử phải có nghĩa vụ xác định nghĩa vụ thuế của người bán và thu hộ rồi nộp cho cơ quan thuế.
Tại Trung Quốc, ngoài việc thực hiện thu hộ, nộp hộ thuế cho người bán, cơ quan thuế còn yêu cầu DN kinh doanh sàn điện tử phải xuất hóa đơn cho khách hàng, đồng thời, khai báo thông tin về hoạt động mua bán, các thông tin về thuế có liên quan của các giao dịch cho cơ quan thuế và lưu trữ các thông tin này trong tối thiểu 3 năm.
Q: Các khoản thu thuế được tính thế nào?
Vẫn áp dụng như cũ. Theo đó, cá nhân kinh doanh có thu nhập năm từ 100 triệu đồng trở lên sẽ phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN. Trong đó:
- Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
- Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Mức thuế áp dụng cho cá nhân bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa (trừ giá trị hàng hóa đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng) là 1% thuế GTGT và 0,5% thuế thu nhập cá nhân.
Q: Lộ trình kê khai, nộp thuế thay của các sàn TMĐT thế nào?
Tổng cục Thuế dự kiến lộ trình triển khai việc kết nối cung cấp thông tin gồm 4 bước.
- Bước 1 (từ nay đến trước 1/8/2021), Tổng cục Thuế chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện khảo sát thực tế một số sàn giao dịch thương mại điện tử để xây dựng chuẩn dữ liệu; dự thảo chuẩn dữ liệu lấy ý kiến các sàn TMĐT.
- Bước 2 (từ 1/8/2021 đến trước 1/10/2021): Tổng cục Thuế tổng hợp ý kiến phản hồi, hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyển ban hành chuẩn dữ liệu kết nối thông tin.
- Bước 3 (từ 1/10/2021 đến trước 1/1/2022): Tổng cục Thuế và các sàn giao dịch TMĐT triển khai việc nâng cấp ứng dụng để đảm việc kết nối thông tin theo chuẩn định dạng bằng phương thức điện tử.
- Bước 4 (Từ 1/1/2022): Sàn TMĐT thực hiện việc kết nối thông tin với cơ quan thuế theo chuẩn dữ liệu bằng phương thức điện tử.
Tổng cục Thuế cho biết đang tổ chức lấy ý kiến Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và các sàn giao dịch TMĐT, đồng thời mong muốn các hiệp hội và các sàn TMĐT tham gia đóng góp ý kiến trước ngày 3/7/2021.
Sau khi khảo sát và có ý kiến từ các sàn, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng một chuẩn kết nối thông tin lấy ý kiến thông qua các sàn, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt chuẩn kết nối thông tin. Sau khi được phê duyệt chuẩn kết nối thông tin, sàn và cơ quan thuế sẽ hỗ trợ nhau để nâng cấp ứng dụng, kết nối thông tin làm sao đảm bảo việc cung cấp thông tin của sàn và cơ quan thuế qua phương thức điện tử.
Đồng thời, Tổng cục Thuế sẽ làm việc với một số bộ ban ngành có liên quan như Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, và sắp tới là với Bộ Công an nhằm đảm bảo tính bảo mật, an ninh, an toàn qua mạng khi thực hiện việc kết nối thông tin, cung cấp thông tin của sàn tới cơ quan thuế.
Doanh nghiệp và tiếp thị