"Quả bom hẹn giờ" bắt đầu đếm ngược đối với tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới, đe dọa kinh tế Trung Quốc
Trái phiếu niêm yết bằng nhân dân tệ của Evergrande cũng đã không còn được chấp nhận làm tài sản đảm bảo trên các sàn giao dịch chính ở Trung Quốc như Thượng Hải và Thâm Quyến.
- 03-09-2021Vaccine Covid-19 "gắn mác Trung Quốc" được giành giật ác liệt ở một nơi, sập cả hệ thống đăng ký tiêm
- 02-09-2021Nhiều thành phố ma tại Trung Quốc đang hồi sinh mạnh mẽ
- 25-06-2021Bị chính phủ 'bỏ mặc', rủi ro vỡ nợ trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng cho những doanh nghiệp 'quá lớn để sụp đổ' của Trung Quốc
Quả bom hẹn giờ đang bắt đầu đếm ngược đối với tập đoàn Evergrande của Trung Quốc. Tập đoàn bất động sản này cần phải huy động một lượng lớn tiền mặt và thanh toán số trái phiếu trị giá 7,4 tỷ USD sẽ đáo hạn vào năm 2022.
Tuần trước trái phiếu niêm yết bằng đồng USD của Evergrande đã rớt giá xuống mức thấp kỷ lục sau khi tập đoàn này thừa nhận đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Trong 6 tháng đầu năm, thước đo khả năng hoàn trả các khoản nợ ngắn hạn của Evergrande đã sụt giảm nghiêm trọng vì lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây.
Theo đánh giá hôm 2/9 của công ty xếp hạng tín dụng lớn nhất Trung Quốc khi hạ mức xếp hạng đối với trái phiếu nội địa do Evergrande phát hành, áp lực lên thanh khoản của Evergrande sẽ càng tăng lên nếu như tập đoàn không thể thực hiện suôn sẻ việc bán tài sản và vay nợ thêm. Một số chủ nợ không phải ngân hàng đã yêu cầu Evergrande phải trả nợ ngay lập tức, tăng thêm sức ép về thanh khoản.
Trái phiếu niêm yết bằng nhân dân tệ của Evergrande cũng đã không còn được chấp nhận làm tài sản đảm bảo trên các sàn giao dịch chính ở Trung Quốc như Thượng Hải và Thâm Quyến.
Mặc dù giới chức đã hối thúc Evergrande cần nhanh chóng giải quyết vấn đề nợ, cho đến nay Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng về việc có cung cấp các biện pháp hỗ trợ tài chính cho tập đoàn hay không. Có thể nói đây là 1 tình huống "tiến thoái lưỡng nan". Evergrande có quy mô quá lớn và mạng lưới nợ quá chằng chịt, khiến vụ vỡ nợ này sẽ làm rung chuyển cả hệ thống tài chính Trung Quốc. Tuy nhiên nếu nhà nước ra tay giải cứu thì sẽ bị coi là ngầm bỏ qua cho kiểu vay nợ thiếu kiểm soát, giống như các vụ Anbang hay HNA trước đây.
Được thành lập năm 1996 bởi Hui Ka Yan, người hiện nay là Chủ tịch tập đoàn, Evergrande là một trong những công ty bất động sản lớn nhất thế giới. Ngoài lĩnh vực chủ chốt là kinh doanh bất động sản phân khúc trung lưu và thượng lưu tại Trung Quốc, những năm gần đây tập đoàn đã mở rộng sang cả những lĩnh vực mới mẻ như sản xuất nước khoáng, thực phẩm hay thậm chí là ô tô điện.
Evergrande từng được đánh giá là doanh nghiệp bất động sản có giá trị nhất toàn cầu (năm 2018) với nhiều dự án trải khắp Trung Quốc. Công ty cũng được Forbes xếp hạng 154 trong danh sách Global 2000 theo số liệu tính tới tháng 5/ 2020, với doanh số bán hàng đứng thứ 125 và tổng tài sản đứng thứ 118. Hui từng được xếp hạng là tỷ phú giàu thứ 3 ở Trung Quốc với hơn 30 tỷ USD.
Tuy nhiên tập đoàn này cũng vay nợ quá nhiều. Theo tính toán của Bloomberg, hiện Evergrande là tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới với tổng nợ phải trả vào khoảng 300 tỷ USD. Điều này càng nguy hiểm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động kinh tế như hiện nay. Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Evergrande đã giảm khoảng 70%, cổ phiếu của hàng loạt công ty con cũng lao dốc mạnh. Cổ phiếu và trái phiếu của Evergrande càng giảm giá thì khả năng huy động nguồn vốn để trả nợ của tập đoàn càng sụt giảm nghiêm trọng.
Tham khảo Bloomberg