Quả bom nổ chậm tại Hàn Quốc: Lý do gì khiến đến hơn 800 người muốn nhảy cầu tự sát chỉ trong vòng 4 năm?
Koo Young-gyu đã 3 lần tự sát bất thành, nhưng chẳng phải ai cũng "may mắn" như anh. Từ năm 2014 - 2018, Hàn Quốc có hơn 800 người tự sát tại cây cầu Mapo (Seoul), và lý do chính đến từ các khoản nợ không thể trả.
- 22-05-2020Văn hoá Kkondae và nỗi ám ảnh của thế hệ trẻ Hàn Quốc khi nhắc tới "hội bô lão" trong công ty
- 16-05-2020Bộ ảnh lột tả văn hóa "cô đơn" của người trẻ Hàn Quốc: Thế hệ từ bỏ mọi thứ và sẵn sàng sống độc thân chỉ cần là vui
- 06-05-2020"Văn hóa vâng lời" và áp lực về cái đẹp của người Hàn Quốc: Bị phán xét từ mí mắt đến màu da, cuối cùng phải bước vào con đường "dao kéo"
Koo Young-gyu, một thanh niên trẻ tại Hàn Quốc, kiếm được 620.000 won mỗi tháng (khoảng 12 triệu đồng tiền Việt). Nhưng anh còn sở hữu 4 chiếc thẻ tín dụng, và chúng cho anh tổng hạn mức gấp 60 lần con số đó.
Choáng ngợp bởi khoản tiền "trên trời rơi xuống", Koo dành ra hẳn 18 tháng chỉ để tiêu xài. Anh làm một chuyến du lịch sang chảnh tới đảo Jeju, vung tiền sắm sửa vào những thứ phù phiếm, như giày dép, máy quay phim.
Koo Young-gyu ngập trong khoản nợ tiền tỉ khi chưa đầy 30 tuổi.
"Tôi đã nghĩ kiểu 'Hãy để năm nay trở nên thật sung túc," - Koo cho biết. "Việc tiêu pha như vậy khiến tôi cũng không thoải mái, nhưng thật khó để dùng lại.
Rốt cục thì thanh niên sắp 30 tiêu sạch hạn mức, mang trên vai khoản nợ 87 triệu won (khoảng 1,66 tỉ đồng) và chẳng biết làm cách nào để trả. Suốt một năm trời, ngày nào chủ nợ cũng tới gõ cửa nhà.
"Khi gia đình biết chuyện vào năm 2016, tôi đã nghĩ mình chẳng nên sống nữa vì quá hổ thẹn," - anh tâm sự. Thực tế thì vì quá tuyệt vọng, Koo Young-gyu 3 lần thử tự sát - cắt cổ tay, uống thuốc ngủ, thậm chí pha thuốc độc vào rượu - nhưng không thành công.
Koo tự sát bất thành, nhưng không phải ai cũng giống vậy. Trong giai đoạn 2014 - 2018, có hơn 800 người có ý định chấm dứt cuộc đời bằng cách gieo mình từ cây cầu Mapo của thủ đô Seoul. Nơi đây còn được gọi là "cây cầu tự sát", là một trong những điểm nóng có nhiều người tự tử nhất những năm vừa qua. Và lý do phổ biến nhất đằng sau hành động này chỉ có 2 chữ: Nợ nần!
Cầu Mapo tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc)
Cái giá của sự hào nhoáng
Nền kinh tế của Hàn Quốc thực sự là một thế lực trong khu vực, nằm trong số 4 quốc gia vững mạnh nhất châu Á chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Tuy nhiên, có một thực tế đáng sợ đang tồn tại ở đó: rất nhiều hộ gia đình đang ngập trong nợ nần không lối thoát.
Theo thống kê, Hàn Quốc có tỉ lệ nợ hộ gia đình (household debt) trên GDP cao nhất châu Á. Tính riêng trong năm 2019, khoản nợ của các hộ dân với ngân hàng và những tổ chức tín dụng lên tới 1,611 nghìn tỉ won. Theo Anwita Basu - giám đốc công ty nghiên cứu rủi ro Fitch Solutions, khoản nợ này thậm chí tăng lên rất nhanh so với thu nhập của họ.
"Điều này có nghĩa nhiều khả năng mọi người đang vay thêm tiền để trả cho các khoản nợ cũ," - cô nhận định.
Các khoản nợ hộ gia đình đến từ nhiều yếu tố: vay tiền học, tiền mua xe, tiền mua nhà, tiền khởi nghiệp, và tiền thẻ tín dụng. Trong đó, chi tiêu thẻ tín dụng là yếu tố gây ảnh hưởng nhiều nhất, khi chiếm tới 40% GDP cả nước, cao hơn gấp 2,2 lần so với mốc 18% mà Mỹ đang có.
Sau Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, chính phủ Hàn Quốc tìm cách tái khởi động nền kinh tế bằng việc khuyến khích chi tiêu, bao gồm cả chuyện phát hành thẻ tín dụng. Qua thời gian, các công ty phát hành thẻ phát triển và mở rộng, buộc họ phải nới lỏng hạn mức và quy định để có thêm khách hàng.
Koo cho biết, thời điểm anh mất việc vì lý do sức khỏe, anh đã nói dối các công ty tài chính về vấn đề này. "Bạn có thể "bùa" hồ sơ, giả vờ như mình vẫn đang có thu nhập. Bởi đã từng đi làm nên tôi cứ để thông tin như vậy thôi."
Báo cáo của các công ty thẻ tín dụng cho thấy ngày càng có nhiều người không thể trả nợ trong năm 2019, bởi thị trường lao động đang thu hẹp, thu nhập khó tăng, trong khi chi phí tiêu dùng thì cao hơn. Như công ty KEB Hana Card, họ phải trích tới 164,4 tỉ won làm quỹ dự phòng cho các trường hợp nợ xấu - tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Những người trẻ không có việc làm
Năm 2018, có khoảng 134.000 người tuyên bố phá sản, mất khả năng trả nợ tại Hàn Quốc. Nhóm có tỉ lệ phá sản tăng vọt nằm trong độ tuổi 20, những người chưa có công việc ổn định.
"Họ liên tục tiêu tiền trong nhiều năm dù vẫn đang tìm việc, nên các khoản nợ cứ tăng lên," - trích lời giáo sư kinh tế Kim Sang-bong từ ĐH Hansung. Ước tính, tỉ lệ thất nghiệp của giới trẻ Hàn Quốc (từ 15 - 24 tuổi) là 10,5% trong năm 2018, cao hơn đáng kể so với cả những quốc gia có GDP thấp hơn như Mexico (6,9%) và Cộng hòa Czech (6,7%).
Kwon Do Hyeon nằm trong số những người trẻ không thể kiếm nổi một công việc toàn thời gian. Kể từ khi dọn ra ở cùng chị gái, cậu đã phải làm 2 công việc bán thời gian một lúc, nhằm trả được khoản nợ 1,23 triệu won mỗi tháng. Cậu không thể tiết kiệm tiền vào lúc này, bởi khoản vay đi học, chi phí sinh hoạt, và cả số tiền nợ mẹ đang dồn lên vai. "Làm gì còn đồng nào mà tiết kiệm," - Kwon ngán ngẩm nói.
Kwon Do Hyeon rơi vào nợ nần vì mê cờ bạc, và phải tìm đến các tổ chức tín dụng để thỏa mãn thú vui đó
Khoản tiền Kwon phải trả cho mẹ là vì chứng nghiện cờ bạc - thói quen đã đẩy nhiều người trẻ Hàn Quốc vào vòng xoáy nợ nần. Kwon bắt đầu cá độ từ khi học đại học. Cờ bạc đãi tay mới, đã có lúc Kwon thắng tới 41 triệu won, dù chỉ đầu tư chưa đến 1 triệu.
"Hoàn toàn là may mắn. Tôi đã rất đỏ, nhưng lúc đen rồi thì số tiền ấy cũng biến mất," - Kwon trải lòng.
Để thỏa mãn đam mê, Kwon tìm đến công ty Sunshine Loan - một tổ chức tín dụng được hậu thuẫn bởi chính phủ nhằm hỗ trợ cho những cá nhân có thu nhập thấp. Nhưng chỉ trong 10 ngày, cậu đốt hết 15 triệu won, cũng bằng đánh bạc và cá độ.
Gia đình biết chuyện đã dang tay giúp đỡ, đưa cho Kwon 25 triệu để trả nợ. Nhưng đến khi phát hiện cậu lấy tiền trong tài khoản điện thoại của bố mẹ để trả nợ tiếp, Kwon bị đuổi ra khỏi nhà.
"Khoảng thời gian ấy thực sự khó khăn. Tôi chẳng thể tắm, chẳng còn chút sức lực, cũng không có tiền và thường xuyên bị đói," - Kwon cho biết.
Theo Kim Min-chul - chuyên gia tư vấn nợ, những người như Kwon có thể trở thành miếng mồi ngon cho các nền tảng cho vay tiền online hoặc qua tin nhắn. Họ chào mời những người đang cùng đường một khoản tiền nhỏ, nhưng với mức lãi cắt cổ. Ước tính có 400.000 người Hàn Quốc đã vay mượn qua các nền tảng này, với tổng số tiền nợ lên tới 7,1 nghìn tỉ won.
Làn sóng phá sản
Năm 2018, Koo nộp đơn phá sản lên tòa án - cách cuối cùng để anh có thể làm lại cuộc đời. Bằng lá đơn ấy, khoản nợ của Koo đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, việc phá sản đã được lưu vào hồ sơ, nghĩa là trong ít nhất 5 năm kế tiếp, Koo sẽ không được bất kỳ tổ chức tài chính hợp pháp nào hỗ trợ cho vay cả, khiến con đường làm lại phía trước trở nên khó khăn.
Koo Young-gyu và hành trình làm lại sẽ rất vất vả phía sau
Koo sau đó làm việc bán thời gian tại một cửa hàng tiện lợi. Nhưng cũng giống như bao ngành nghề khác, cửa hàng chịu thiệt hại nặng nề vì đại dịch Covid-19, và anh cũng mất việc vào tháng trước.
Theo Anwita Basu, tổn hại kinh tế từ dịch bệnh giống như một con dao, cứa sâu thêm vào vết thương nợ nần đang đè nặng lên vai nhiều người dân. "Có lẽ chúng ta sẽ chứng kiến làn sóng phá sản vì nợ nần tăng lên sau đại dịch Covid-19." - cô dự đoán.
Nguồn: Channel News Asia
Trí thức trẻ