MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Qua những ngày ảm đạm, lợi nhuận ngành hàng không hứa hẹn phục hồi mạnh vào năm 2023 - 2024

Qua những ngày ảm đạm, lợi nhuận ngành hàng không hứa hẹn phục hồi mạnh vào năm 2023 - 2024

VCSC dự báo hãng hàng không giá rẻ VJC sẽ bắt đầu báo cáo lợi nhuận dương trong mảng vận tải vào năm 2023, trong khi HVN sẽ chỉ bắt đầu ghi nhận lợi nhuận ròng vào năm 2024.

Hoạt động hàng không nội địa vượt mức trước đại dịch

Theo Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN), tổng số lượng chuyến bay trong 7 tháng đầu năm 2022 tương đương 86% con số ghi nhận trong cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, số liệu năm 2019 bao gồm cả chuyến bay trong nước và chuyến bay quốc tế, còn 7 tháng đầu năm chuyến bay quốc tế vẫn trong giai đoạn phục hồi do Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch nước ngoài cho đến ngày 15/3/2022. Như vậy, tính riêng hoạt động vận tải hàng không trong nước trong 7 tháng đầu năm đã vượt so với cùng kỳ năm 2019.

Theo dữ liệu từ ACV, tổng lượt hành khách trong nước tại các nhà ga trong nước của hãng hàng không (ACV vận hành hầu như toàn bộ các nhà ga trong nước, trừ Sân bay Vân Đồn) đạt 52 triệu lượt trong 7 tháng đầu năm 2022, tương ứng 117% con số trong 7 tháng đầu năm 2019. Mức tăng được thể hiện rõ nét hơn trong mùa hè với lượt hành khách trong nước trong các tháng 4/5/6/7 năm 2022 tương ứng 119%/133%/139%/141% so với con số trong các tháng tương ứng trong năm 2019.

Qua những ngày ảm đạm, lợi nhuận ngành hàng không hứa hẹn phục hồi mạnh vào năm 2023 - 2024 - Ảnh 1.

Đà phục hồi của hàng không trong nước cũng đến từ nhu cầu du lịch trong nước tăng mạnh nhờ xu hướng "du lịch bù" sau Covid-19. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, số lượng khách du lịch trong nước của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay cao hơn 37% so với con số ghi nhận trong cùng kỳ năm 2019. Do đó, kỳ vọng hoạt động vận tải hành khách bằng đường hàng không trong nước của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu du lịch mạnh mẽ trong tương lai.

Qua những ngày ảm đạm, lợi nhuận ngành hàng không hứa hẹn phục hồi mạnh vào năm 2023 - 2024 - Ảnh 2.

Trước những tín hiệu tích cực trên, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) duy trì quan điểm tích cực về sự phục hồi của ngành hàng không trong giai đoạn 2022-2026 do tất cả các hạn chế đối với đi lại bằng đường hàng không trong nước ở Việt Nam đã được dỡ bỏ và Chính phủ đã nhanh chóng thực hiện các hành động nới lỏng các yêu cầu nhập cảnh và khôi phục các chuyến bay vào năm 2022.

Theo đó, VCSC dự báo lưu lượng vận chuyển trong nước của 2 hãng hàng không lớn của Việt Nam (HVN và VJC) sẽ lần lượt vượt qua mức trước dịch Covid-19 vào năm 2022 là 14%/20% do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong nước đã tăng trưởng mạnh trong giai đoạn phục hồi ban đầu. Đội ngũ phân tích ước tính lượng hành khách trong nước trong 7 tháng đầu năm 2022 tương đương 117% của 7 tháng đầu năm 2019.

Vận tải hàng không quốc tế chỉ phục hồi mạnh từ 2024 - 2025

Diễn biến trái chiều, đà phục hồi vận tải hàng không quốc tế diễn ra khá chậm. Nguyên nhân là do chính sách zero-COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc - nguồn khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam trước đại dịch. Dựa trên dự báo hiện tại, VCSC cho rằng lượng khách quốc tế chung của HVN và VJC (tính theo RPK) vào năm 2022 sẽ bằng 34% con số trước dịch Covid-19 so với 33% trong dự báo trước đó.

Ngoài ra, VCSC giả định rằng tổng lượng hành khách quốc tế sẽ chỉ phục hồi gần tương đương mức của năm 2019 vào năm 2024. Cụ thể, trong báo cáo tháng 8/2022, ICAO dự báo công suất ghế quốc tế của các hãng hàng không trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ phục hồi mạnh vào năm 2022, đạt 90% và 79% so với con số của năm 2019 trong các kịch bản tích cực và tiêu cực (so với mức 62% và 44% trong báo cáo tháng 5/2022). Theo dự báo, tổng sản lượng quốc tế (tính theo RPK) của HVN và VJC vào năm 2022 sẽ tương đương 34%/67%/98%/107% mức trước dịch Covid-19 trong năm 2022/23/24/25.

Mặt khác, VCSC cho rằng giá dầu thô cao hơn sẽ gây áp lực lên lợi nhuận của các hãng hàng không. Theo dự báo, chi phí nhiên liệu máy bay cao hơn do giả định giá dầu cao hơn, được bù đắp một phần bởi dự báo biên xăng dầu thấp hơn. VCSC đã tăng dự báo đối với giá dầu Brent trung bình lên 95/90/75/75 USD/thùng, so với dự báo trước đây là 85/80/75/75 USD/thùng cho năm 2022/23/24/25.

Tuy nhiên, đội ngũ phân tích cũng có quan điểm lạc quan hơn về khả năng của các hãng hàng không tại Việt Nam trong việc chuyển mức tăng chi phí nhiên liệu sang hành khách. Theo IATA, giá vé máy bay của các hãng hàng không mà IATA theo dõi đã tăng 4% YoY vào năm 2021 và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục vào năm 2022 và 2023 tương ứng với dự báo của IATA rằng giá vé máy bay của các hãng hàng không sẽ tăng 6% vào năm 2022.

Qua những ngày ảm đạm, lợi nhuận ngành hàng không hứa hẹn phục hồi mạnh vào năm 2023 - 2024 - Ảnh 3.

Theo các nguồn truyền thông trong nước, giá vé máy bay trong nước của các hãng hàng không Việt Nam trong quý 2/2022 đã vượt mức trước đại dịch do nhu cầu trong nước tăng mạnh - đặc biệt trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7/2022.

Đối với VJC, VCSC dự báo hãng bay giá rẻ VJC sẽ bắt đầu báo cáo lợi nhuận dương trong mảng vận tải vào năm 2023. Cụ thể, doanh thu năm 2023 dự báo đạt 41.000 tỷ đồng, tăng 223% so với cùng kỳ và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 1.282 tỷ đồng, tăng 17 lần so với cùng kỳ trong năm 2022.

Đối với HVN, VCSC cho rằng HVN chỉ bắt đầu ghi nhận lợi nhuận ròng vào năm 2024, chủ yếu là do chi phí nhiên liệu cao và cơ sở chi phí tương đối cao. Trong năm 2022 và 2023, nhóm phân tích dự báo HVN sẽ tiếp tục lỗ 8.600 tỷ đồng và 2.600 tỷ đồng do vận tải quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao và hãng hàng không có tỷ lệ đòn bẩy hoạt động cao.

Hạ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên