MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quá trình "thải carbon, chuyển xanh lá" của Trung Quốc sau 2 lần trải thảm đón khách quý

21-04-2021 - 15:52 PM | Tài chính quốc tế

Quá trình "thải carbon, chuyển xanh lá" của Trung Quốc sau 2 lần trải thảm đón khách quý

Vào hôm 22/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ tham gia cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo toàn cầu do ông Joe Biden chủ trì để thảo luận về biến đối khí hậu.

Đỉnh điểm của sự thay đổi trong suy nghĩ

Vào Ngày Trái đất hôm 22/4 tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ tham gia cuộc họp trực tuyến của các nhà lãnh đạo toàn cầu do người đồng cấp Mỹ Joe Biden chủ trì để thảo luận về biến đối khí hậu. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Bắc Kinh và Washington đã ra tuyến bố chung cam kết hợp tác để duy trì Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Đây là những bước đi mới nhất trong hành trình dài của Trung Quốc từ việc phủ nhận ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới mục tiêu đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, Trung Quốc chịu trách nhiệm cho khoảng 28% lượng khí thải CO2 - nhiều hơn cả Mỹ và EU cộng lại - và là quốc gia có lượng khí thải carbon lớn nhất thế giới kể từ năm 2004. Trong nhiều thập kỷ, Bắc Kinh bác bỏ khái niệm về biến đổi khí hậu và đưa ra các lý lẽ để hoãn các nghĩa vụ giảm lượng phát thải như một nước đang phát triển.

Có những động cơ chính trị và kinh tế sâu sắc cho sự thích ứng gần đây của Trung Quốc với thực tế đầy thách thức của biến đổi khí hậu. Trong đó, sự tức giận chưa từng có của công chúng về mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng của Trung Quốc cũng là chất xúc tác cho việc nắm lấy các lĩnh vực năng lượng sạch để tăng trưởng kinh tế bền vững.

Chuyên gia George Magnus tại Trung tâm Trung Quốc ở Đại học Oxford cho biết: "Đó không phải là một chuyển đổi trong một sớm chiều hay một quyết định ngẫu nhiên. Đó là đỉnh điểm của sự thay đổi trong suy nghĩ đã diễn ra trong một thập kỷ hoặc thậm chí lâu hơn."

Các thuyết âm mưu về biến đổi khí hậu xuất hiện dày đặc trong các câu chuyện của Trung Quốc từ những năm 1990, khi nước này phụ thuộc vào than, thép và các ngày công nghiệp carbon cao khác để thúc đẩy nền kinh tế. Ở đó, các cuộc thảo luận ở phương Tây về giảm thiểu carbon để giải quyết hiện tượng hành tinh đang nóng lên được coi là một mưu đồ nhằm kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc.

Lần trải thảm đầu tiên

Quá trình thải carbon, chuyển xanh lá của Trung Quốc sau 2 lần trải thảm đón khách quý - Ảnh 1.

Ông Lee Raymond

Vào tháng 10/1997, Trung Quốc trải thảm đỏ cho Lee Raymond, cựu Giám đốc điều hành của ExxonMobil, người tham dự Đại hội Dầu khí Thế giới tại Bắc Kinh. Nhà kinh doanh người Mỹ đã có bài phát biểu khẳng định khí hậu thế giới không biến đổi và ngay cả khi có biến đổi thì nhiên liệu hóa thạch cũng chẳng đóng vai trò gì.

Trong thập kỷ sau đó, ông Raymond thường xuyên đến thăm Trung Quốc, ký các hợp đồng đầu tư trị giá hàng tỷ USD vào các tỉnh miền đông Phúc Kiến và Chiết Giang với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước. Ông được chủ tịch Giang Trạch Dân dành nhiều lời khen ngợi, Tân Hoa Xã cho hay.

Năm 2008, một bài báo của Zhai Yong từ ủy ban bảo vệ môi trường và tài nguyên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc cho rằng ngày càng nhiều nước phương Tây đang chính trị hóa vấn đề khí hậu để kiềm chế sự trỗi dậy kinh tế và chính trị của Trung Quốc.

Tuy nhiên, đến năm 2009, Trung Quốc đã giảm tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP xuống 13% so với năm 2005 - tương đương với việc cắt giảm lượng khí thải CO2 tới 800 triệu tấn. Từ năm 2005 - 2008, công suất năng lượng tái tạo của quốc gia này đã tăng 51%, tương ứng với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 14.7% theo các số liệu chính thức.

Sau đó, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã ca ngợi sự tiến bộ của Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Copenhagen, nhưng từ chối chấp nhận các mục tiêu giảm phát thải giống như các nước phát triển, nói rằng Trung Quốc phải chăm lo cho "nền kinh tế và sinh kế của người dân". Các cuộc đàm phán kết thúc trong thất bại, nhiều nước phương Tây đổi lỗi cho lập trường của Trung Quốc.

Sau cuộc họp ở Copenhagen, các cuộc xung đột xung quanh việc Trung Quốc phải đối phó với biến đổi khí hậu đã hạ nhiệt, cho đến khi ô nhiễm không khí trở thành điều tất cả công chúng bận tâm.

"Cú chuyển mình" hơn một thập kỷ trước

Vào tháng 11/2010, chất lượng không khí của Bắc Kinh được Đại sứ quán Mỹ ở đây mô tả là "tồi tệ một cách điên rồ" khi chỉ số chất lượng không khí PM2.5 - chỉ số để đo các hạt nhỏ có hại nhất và là chỉ số chính về ô nhiễm không khí - lần đầu vượt quá 500. Mức độ này sau đó đã chuyển thành "vượt chỉ tiêu" và tình trạng lặp lại vào tháng 2, tháng 10 và tháng 12 trong năm 2011.

Nhà phân tích Lauri Myllyvirta của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch cho biết: "Cuộc khủng hoảng khói bụi cách đây 10 năm là lần đầu tiên chính phủ quy định các tỉnh phải giảm tiêu thụ than một cách tuyệt đối. Nó mở đường cho tham vọng hiện tại nhằm giảm đáng kể việc sử dụng than trên toàn quốc như một phần của cam kết trung hòa carbon."

Chuyên gia hàng đầu về bệnh đường hô hấp Zhong Nanshan, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội Y khoa Trung Quốc, đã cảnh báo vào năm 2012 rằng, ô nhiễm không khí có thể trở thành mối đe dọa lớn tới sức khỏe của Trung Quốc, dẫn đến các bệnh ung thư phổi và tim mạch.

Sau tình trạng ô nhiễm không khí cao kỷ lục ở miền Bắc Trung Quốc vào năm 2012 và 2013, Hội đồng Nhà nước đã ban hành kế hoạch hành động nhằm giảm tiêu thụ than bằng cách đóng cửa các nhà máy, xí nghiệp và lò luyện gây ô nhiễm và chuyển sang các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường khác.

Tiêu thụ than đã giảm nhẹ hoặc hầu như không tăng từ đó, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục tiêu thụ nhiều than hơn so với tất cả các phần còn lại của thế giới cộng lại. Trung Quốc cắt giảm sử dụng than xuống 56.8% năng lượng tiêu thụ vào cuối năm 2020, duy trì mục tiêu dưới 58%, tuy nhiên tiêu thụ than tổng thể tiếp tục tăng trong bối cảnh sản lượng công nghiệp kỷ lục và việc hoàn thành của hàng chục nhà máy nhiệt điện than.

Cố vấn chính sách toàn cầu cấp cao Li Shuo của Greenpeace Đông Á, cho biết: "Trung Quốc có thâm hụt môi trường cao sau nhiều thập kỷ với sự phụ thuộc nhiều vào các ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Từ ô nhiễm không khí đến ô nhiễm nước, ô nhiễm đất. Khi khói bụi của Trung Quốc thường xuyên xuất hiện trên các tiêu đề quốc tế, Trung Quốc mới nhận ra rằng đã đến lúc phải trả giá cho các hành động. Nhu cầu nội tại cũng góp phần thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh tế. Các nhà chức trách dần nhận ra rằng giảm lượng khí thải carbon không hoàn toàn đi ngược lại với sự phát triển kinh tế. Bằng cách nắm lấy các dịch vụ và các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, quốc gia này có thể phát triển một nền kinh tế chất lượng cao hơn."

Nhà phân tích chính trị, cựu giáo sư Đại học Thượng Hải Chen Daoyin cho biết "những thiệt hại về môi trường cản trở sự phát triển bền vững của phát triển kinh tế Trung Quốc, điều này sẽ đe dọa chính sách của đảng, vì vậy mà các nhà chức trách có động lực để tái cơ cấu nền kinh tế và đáp ứng các yêu cầu về môi trường."

Với dân số già nhanh và tăng trưởng kinh tế chậm lại, Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình cần tìm một cơ sở mới về sự ủng hộ của công chúng. Kể từ năm 2017, trọng tâm của Bắc Kinh là làm cho mọi người hạnh phúc hơn với các ưu tiên về chính trị, chống tham nhũng, xóa bỏ đói nghèo và chống lại ô nhiễm.

Việc chuyển sang nền kinh tế mới có ý nghĩa tốt đối với Trung Quốc, nước có thể cạnh tranh bình đẳng - và thậm chí có thể có lợi thế - trong các lĩnh vực mới nổi như xe điện, năng lượng mặt trời và năng lượng gió, điện hạt nhân, truyền tải điện cao thế và đường sắt mới.

"Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đã là nước đóng vai trò quan trọng nhất trong sản xuất tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng mới, cũng như là thị trường lớn nhất," Hiệu trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Năng lượng Trung Quốc Lin Boqiang của Đại học Hạ Môn cho biết.

"Trung Quốc sẽ đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo trong thập kỉ tới để thực hiện các mục tiêu xanh, tuy nhiên, trước khi năng lượng sạch mới trở nên đủ ổn định, Trung Quốc sẽ tiếp tục chủ yếu dựa vào các nhà máy nhiệt điện để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng trong 5 năm tới.

Lần trải thảm thứ 2 với mục tiêu "chuyển xanh"

Trung Quốc chiếm 30% thị trường năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2018, tiếp theo là Mỹ với 10% thị phần. Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, lượng điện được tạo ra ở Trung Quốc bằng năng lượng gió và năng lượng mặt trời đã mở rộng đáng kể trong thập kỉ qua. Năm ngoái, Trung Quốc và Mỹ là 2 thị trường tăng trưởng vượt trội về năng lượng tái tạo.

Trung Quốc là nhà sản xuất ô tô điện, tấm pin mặt trời, tuabin gió và lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba và thứ tư lớn nhất. Đây cũng là thị trường lớn nhất của các công ty sản xuất ô tô điện như Tesla.

Quá trình thải carbon, chuyển xanh lá của Trung Quốc sau 2 lần trải thảm đón khách quý - Ảnh 2.

Ông Elon Musk (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải)

SCMP chỉ ra điều thú vị là Elon Musk - Giám đốc điều hành của hãng sản xuất ô tô điện Tesla của Mỹ đang được trải thảm đỏ ở Bắc Kinh - giống như cách mà nước này đã dành cho các giám đốc điều hành cấp cao của nền kinh tế hóa thạch cũ cách đây 2 thập kỷ.

Vào tháng 1/2019, Elong Musk đã được mời họp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sau khi Trung Quốc phê duyệt việc thành lập công ty ô tô duy nhất của nước ngoài đầu tiên của đất nước với vốn đầu tư 7.6 tỷ USD.

Chỉ mất khoảng sáu tháng để Tesla có được sự chấp thuận và bắt đầu xây dựng nhà máy ở Thượng Hải với công suất 500.000 xe điện hàng năm - khẳng định niềm đam mê của Trung Quốc đối với những chiếc xe "xanh".

Ông Musk hứa sẽ biến Thượng Hải trở thành một trong những nhà máy tiên tiến nhất trên thế giới, trong khi Thủ tướng Lý hy vọng công ty xe điện sẽ là "một phần của quá trình cải cách và mở cửa ngày càng sâu rộng của Trung Quốc" và là "chân vịt cho sự phát triển ổn định của quan hệ Trung-Mỹ".

Chuyên gia nhận định, Trung Quốc cũng đang hướng tới việc thiết lập các tiêu chuẩn, quy tắc trong công nghệ xanh, tài chính và giao dịch liên quan tới carbon trong tương lai.

Hầu hết, các tiêu chuẩn hiện nay đều do Mỹ và EU đặt ra, nhưng nếu Trung Quốc có thể nắm bắt cơ hội này, nước này có thể trở thành người đặt ra các quy tắc. Các nhà nghiên cứu cho biết, đây có thể là động cơ tăng trưởng mới của Bắc Kinh.

Theo Thúy

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên