Quận 1 nói về việc di dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo
Bí thư Quận ủy quận 1 - TP HCM cho biết quận 1 cho di dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo vào đền Đức thánh Trần ở đường Võ Thị Sáu, phường Tân Định, để việc thờ cúng, dâng hương dâng hoa được thực hiện trang nghiêm hơn, đúng vị trí hơn.
Tại buổi làm việc với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân về tình hình cải cách hành chính và mức độ hài lòng của người dân vào sáng 18-2, Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến đã thông tin về việc di dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo.
Bà Yến cho biết ngày 17-2, quận đã trang trí lại khu vực trước tượng đài để phục vụ việc người dân tham quan. Lư hương trước tượng đài được di dời về đền thờ Đức thánh Trần trên đường Võ Thị Sáu, phường Tân Định, quận 1. "Đưa về đền thờ Đức thánh Trần để việc thờ cúng, dâng hương dâng hoa được thực hiện trang nghiêm hơn, đúng vị trí hơn. Hôm qua đã hoàn thành, chỉ còn một bước nhỏ là đặt vào đúng vị trí. Việc này sẽ thực hiện vào ngày 16 tháng Giêng" - bà Yến nói thêm.
Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến trao đổi với báo chí về việc di dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo (Ảnh: Phan Anh)
Cũng theo bà Yến, có thể một số người cho đây là vấn đề nhạy cảm nhưng quận thấy đây là việc bình thường. Việc đặt một lư hương giữa công viên là nơi công cộng để thờ phụng là không phù hợp lắm.
Trước đó, giữa tháng 1, UBND TP đã đồng ý cho tu sửa, chỉnh trang lại tượng đài Trần Hưng Đạo và Thánh Gióng theo đề xuất của Sở Văn hóa – Thể thao. Theo Sở Văn hóa - Thể thao, tượng đài Trần Hưng Đạo (tại công trường Mê Linh, quận 1) cao 4 m được đặt trên bệ hình 3 cạnh cao 12 m, ốp đá màu nâu, 3 mặt đế tượng có 6 mảng phù điêu diễn tả các trận tiêu diệt giặc ngoại xâm. Tượng đài Thánh Gióng (tại vòng xoay ngã 6 đường Cách mạng Tháng Tám, quận 1) với tượng và bệ cao 6 m, ngoài tô đá rửa và được quét sơn nhiều lần.
Hai tượng đài này được xây dựng từ trước năm 1975 bằng bê tông cốt thép là chất liệu không bền vững, đến nay đã xuống cấp cần được tu sửa để đảm bảo an toàn. Hai tượng đài hiện chưa được xếp hạng di tích và không thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Cả hai công trình đều có quá trình lịch sử hình thành gắn với người dân, hiện đã xuống cấp, do đó việc tu sửa, tôn tạo là cần thiết để đảm bảo an toàn và cảnh quan trung tâm TP.
Trước đó, ngày 17-2, trên mạng xã hội xuất hiện tấm hình khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo không còn lư hương khiến nhiều người đặt câu hỏi về lý do di dời này.
Người lao động