Quán bánh xèo hot nhất Sài Gòn lúc này: Bé gái 11 tuổi đã làm "bếp trưởng", nghỉ học nuôi 2 em nhỏ mồ côi
Cô bé Hà Anh gần hai năm nay đã nghỉ học, ngày ngày đứng bếp ở quán bánh xèo miền Tây. Hai em trai (10 tuổi) và em gái (9 tuổi) của Hà Anh cũng biết cách đổ bánh, phụ bưng bê bàn.
- 28-04-2023Trải nghiệm ăn bánh xèo hải sản bao tươi, đúng chuẩn dân biển Phú Yên mà nhiều người chưa biết
- 17-06-2022Bánh xèo chay 23 năm đãi khách miễn phí ở An Giang, số lượng bánh đổ 6.000 chiếc/ngày, người đổ bánh "MÚA" với 10 chiếc chảo liên tục
Quán bánh xèo nhất Sài Gòn những ngày này: Tuyệt chiêu của "bếp trưởng" 11 tuổi
Là thành phố cởi mở với nhiều phong cách ẩm thực thuộc đủ vùng miền, Sài Gòn có hằng hà sa số quán ngon. Không dễ để một quán ăn đường phố nào đó nổi tiếng đến mức thu hút khách khứa từ các quận khác nhau đổ về thưởng thức, vì quận nào cũng có thể có "cao thủ".
Nhưng quán bánh xèo miền Tây ở số 21 Đông Bắc, Phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12 đang nổi rần rần, được nhiều người "săn đón" này lại là ngoại lệ. Có lẽ, điều thu hút nhất của quán trước tiên là bởi "cô chủ nhỏ" 11 tuổi, bé Đồng Hà Anh.
"Đầu bếp" 11 tuổi khoe, cô bé đã thành thạo việc đổ bánh xèo từ năm hơn 9 tuổi, và bắt đầu theo nghề gia truyền từ đó. Từ quê nhà Cai Lậy, Tiền Giang, Hà Anh cùng hai em trai 10 tuổi và em gái 9 tuổi theo ông bà nội lên Sài Gòn mở quán bánh xèo này, tính ra đã gần 2 năm.
Cô bé thoăn thoắt xử lý được một lúc 2 - 3 chảo bánh xèo. Nhìn cô bé nhỏ nhắn thoăn thoắt tay thả nhân, múc bột rồi dàn đều quanh chảo; tay còn lại xoay xẻng, gập đôi chiếc bánh chảo bên cạnh, xúc ra đĩa một cách khéo léo, nhiều khách hàng phải trầm trồ.
Bánh xèo cô bé Hà Anh làm là kiểu miền Tây, nhân là tôm sông, thịt ba chỉ, đậu xanh hấp, giá đỗ. Cái vỏ được chiên mỏng thật mỏng bám quanh thành chảo, khi xúc ra đĩa phải thật khéo nếu không muốn làm bể phần rìa bánh giòn rụm đó. Bánh sẽ được ăn kèm các loại rau rừng, tương tự như khi ăn bánh tráng cuốn Trảng Bàng.
Với kinh nghiệm gần 2 năm đứng bếp, bé Hà Anh được giao phó nhiệm vụ làm bếp chính một ca; còn em trai, em gái của Hà Anh sẽ chạy lăng xăng xếp rau, cho bánh vào bịch cho khách mang về. Hai bé này cũng biết đổ bánh xèo, nhưng chỉ quản lý được 1 chảo một lúc.
Khi nào quán quá đông khách, ông bà nội các em mới ra tay xử lý, chiên 4 - 5 chảo cùng lúc. Còn lại, Hà Anh và các em có thể quán xuyến được hết.
Ba chị em mồ côi, phải nghỉ học nhưng vẫn biết ơn cuộc đời
Có một điều lạ là, quán bánh xèo mở bán từ 13 - 22 giờ mỗi ngày, nhưng nhiều khách hàng đến ăn đều thấy bóng dáng 3 em nhỏ. Hóa ra, các bé đã tạm dừng việc học tập.
Chủ kênh Sài Gòn Dấu Yêu, một trong những người đầu tiên "phát hiện" ra bé Hà Anh thương cảm: "Tội nghiệp tụi nhỏ ghê, 3 chị em mồ côi cha, còn mẹ bỏ đi đâu không nuôi, ông bà nội phải đưa về chăm sóc."
Ông nội của 3 bé tiết lộ, cách đây mấy năm, gia đình đã bán bánh xèo ở một địa điểm khác. Sau khi con trai lớn mất vì ung thư, ông bà nội đưa 3 đứa trẻ trứng gà trứng vịt từ quê lên quận 12, thành phố Hồ Chí Minh ở nhà trọ, bán bánh xèo cùng mình.
Còn Hà Anh, cô bé vô tư, lí lắc đúng với tuổi 11 của mình. Hà Anh nói: "Con nghỉ học từ hồi lớp 5, đáng lẽ năm nay con lên lớp 7 nè. Con nghỉ học vì muốn phụ ông bà nội bán hàng. Con không thấy buồn đâu, con biết kiếm tiền, biết phụ ông bà nữa nè".
Mưu sinh từ sớm, cô bé tỏ ra đảm đang, niềm nở trò chuyện với khách tới ăn bánh xèo. Cô bé cũng rất biết chiều khách, đon đả mời mọc: "Cô chú thích ăn bánh như nào cứ nói con, ví dụ ăn bánh không thôi, chỉ ăn tôm hoặc không ăn tôm chỉ lấy thịt, con sẽ làm cho cô chú y vậy".
Dù không còn được đi học do hoàn cảnh khó khăn, các em bé đều rất ngoan và lễ phép. Ai hỏi gì, mỗi câu trả lời đều được các em bắt đầu bằng một chữ "dạ".
Sau khi quán bánh xèo bỗng dưng nổi tiếng, ông bà nội các bé cũng bị áp lực vì các cháu bị chú ý quá mức. Nhiều người xót xa các bé đang ở tuổi ăn học, đáng lẽ được ăn ngủ vô lo vô nghĩ lại phải tất bật mưu sinh. Cũng có người nêu ý kiến, các bé không nên nghỉ học quá sớm, sẽ khó có tương lai tươi sáng.
Bà nội Hà Anh cũng ngậm ngùi, bản thân bà cũng thấy tiếc vì các cháu rất ngoan, lanh lợi, nếu không đứt gánh học hành từ sớm có lẽ sau này sẽ có cơ hội phát triển hơn. Bà cho biết, em trai của Hà Anh có chút năng khiếu vẽ, còn em gái của bé thì hát hay. Nhưng để lo cho 3 em bé đi học chính khóa còn khó khăn, nói gì đến phát triển năng khiếu.
Mỗi người chọn cho mình cách nhìn nhận khác nhau với những biến cố của cuộc sống. Với chị em Hà Anh, được ông bà nội nuôi nấng, được làm ra những chiếc bánh xèo thơm ngon, khách ăn ưng bụng, thế là đủ cho các em thấy niềm vui rồi. Khi những chú ý, tò mò của người lạ về hoàn cảnh của các em lắng xuống, chỉ có bọn trẻ với ông bà nương vào nhau, nên chỉ có họ mới chọn được cách mình tiếp tục sống mà thôi.
Nguồn ảnh: Sài Gòn Dấu Yêu, Thảo Vy street food
Đời sống & pháp luật