Quan chức Fed: Cần phải thắt chặt tiền tệ hơn nữa, lạm phát đang ở mức quá cao
Thành viên Hội đồng thống đốc Fed Christopher Waller cho biết bản thân không hề cảm thấy thoải mái với báo cáo lạm phát mới nhất, bởi ông tập trung vào lạm phát lõi và chỉ số này mới chỉ cải thiện rất ít.
- 15-04-2023BofA cảnh báo: Xuất hiện 12 ‘tín hiệu’ cho thấy kinh tế Mỹ có thể sắp bước vào 1 cuộc suy thoái lớn
- 15-04-2023Tâm sự của tài xế taxi chuyển sang xe điện: Từ hoài nghi và những khó khăn ban đầu đến cái kết viên mãn, không phải tài xế nào cũng có được
- 15-04-2023Lạm phát Mỹ chưa thực sự hạ nhiệt, thị trường đã quá lạc quan khi nhận định Fed chỉ tăng lãi suất thêm 1 lần nữa?
Mới đây, thành viên Hội đồng Thống đốc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller cho biết ông ủng hộ thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ để giảm lạm phát, mặc dù ông sẵn sàng điều chỉnh quan điểm nếu cần thiết.
“Bởi vì các điều kiện tài chính chưa được thắt chặt đủ mạnh, thị trường lao động vẫn tiếp tục khỏe mạnh, và lạm phát đang ở quá xa so với mục tiêu. Vì thế chính sách tiền tệ cần được thắt chặt hơn nữa”, Waller phát biểu tại 1 sự kiện ở San Antonio, Texas.
Theo ông, mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ phụ thuộc vào các số liệu sắp tới về lạm phát, nền kinh tế và cả thị trường tín dụng bị thắt chặt đến đâu.
Sau cuộc họp tháng 3, các nhà hoạch định chính sách cho biết dự định sẽ tăng lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm nay. Thị trường đang dự đoán đợt tăng lãi suất cuối cùng sẽ được thực hiện vào ngày 3/5.
Báo cáo lạm phát được công bố cách đây ít ngày cho thấy áp lực giá cả đã giảm bớt. Tuy nhiên, hầu hết các quan chức Fed đã từng phát biểu đều nhấn mạnh Fed cần phải hành động nhiều hơn nữa để đưa lạm phát quay về mức mục tiêu 2%.
“Tôi rất mừng trước những dấu hiệu cho thấy lực cầu đang giảm xuống, nhưng cho đến khi lạm phát thực sự chuyển động và tiến gần hơn đến cột mốc 2%, tôi tin rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm”, Waller nói.
Trong 1 diễn biến có liên quan, Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee nhận định các quan chức NHTW không nên hành động quá mạnh trong bối cảnh gần đây ngành ngân hàng phải chịu nhiều áp lực. Dẫu vậy ông vẫn muốn xem xét thêm nhiều dữ liệu hơn trước khi đưa ra ý kiến tại cuộc họp sắp tới của Fed.
“Nên nhớ rằng chúng ta đã tăng lãi suất rất mạnh, và cần có thời gian để các chính sách thực sự tác động đến nền kinh tế”, ông nói với CNBC.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic cho biết cần có 1 lần tăng lãi suất nữa để đảm bảo lạm phát đang đi đúng lộ trình là giảm xuống gần mức mục tiêu 2%. Sau đó thì Fed nên tạm dừng lại.
Trả lời Reuters, ông Bostic nhận định báo cáo lạm phát mới nhất bổ sung thêm tín hiệu cho thấy nước Mỹ đang trên đường đạt được mục tiêu đưa lạm phát xuống mức 2%.
Thế nhưng Waller lại có quan điểm ngược lại. Ông cho biết bản thân không hề cảm thấy thoải mái với báo cáo lạm phát mới nhất, bởi ông tập trung vào lạm phát lõi và chỉ số này mới chỉ cải thiện rất ít.
“Từ những số liệu này, tôi cho rằng chúng ta vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ trên chặng đường tiến tới mục tiêu lạm phát 2%. Do đó tôi vẫn giữ nguyên quan điểm của mình về triển vọng kinh tế cũng như chính sách tiền tệ như cuộc họp trước”, ông nói.
Sau cuộc họp tháng trước, Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25%. Từ mức gần 0 ở thời điểm 1 năm trước, giờ đây lãi suất cơ bản đã tăng mạnh lên khoảng 4,75% - 5%.
"Tia chớp giữa trời mây đen"
Về một loạt vụ sập ngân hàng tháng trước, Waller nhận định áp lực đã giảm bớt mặc dù ông không chắc chắn về việc những rắc rối này sẽ khiến tín dụng bị thắt chặt đến mức nào.
“Sự cố với các ngân hàng giống như 1 tia chớp xuất hiện trên bầu trời vốn đã u ám với mây đen bao phủ. Nhưng chúng ta cần các chính sách thắt chặt tiền tệ phát huy tác dụng, vì thế có lẽ Fed sẽ không tăng mạnh lãi suất như dự định hồi tháng 2”.
Ông tiếp tục nhắc lại quan điểm cần duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ “trong 1 khoảng thời gian đủ lâu, lâu hơn dự báo của thị trường”, nhưng hiện sự thiếu chắc chắn đang tăng lên.
“Vẫn còn hơn 2 tuần nữa mới đến cuộc họp tiếp theo của Fed, và tôi vẫn sẵn sàng điều chỉnh quan điểm dựa trên các số liệu thống kê về sức khỏe của nền kinh tế, trong đó có những số liệu về điều kiện cho vay”, ông nói.
Hôm qua Mỹ vừa công bố doanh số bán lẻ tháng 3. Chỉ số này ghi nhận tháng giảm thứ hai liên tiếp, cho thấy sức chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ đang bị giảm sút trong bối cảnh lạm phát và chi phí đi vay tăng cao.
Những bình luận của Waller được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự khác biệt trong quan điểm của các nhà hoạch định chính sách. Theo biên bản cuộc họp tháng 3 vừa được công bố, các quan chức Fed đã quyết định tiếp tục tăng lãi suất bất chấp họ dự báo nền kinh tế sẽ suy thoái nhẹ và tín dụng bị thắt chặt vì một số ngân hàng sụp đổ.
Cách đây ít ngày, Chủ tịch Fed San Francisco – Mary Daly – nhận định có thể nền kinh tế sẽ chậm lại đủ để lạm phát tự quay về mức 2% như Fed mong muốn.
Tham khảo Bloomberg
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: Chuyển động thị trường
Xem tất cả >>- Đồng rúp Nga chạm đáy 2 năm so với đồng USD: Chuyện gì đang xảy ra?
- Dow Jones tăng dựng đứng 1.500 điểm, S&P 500 phá đỉnh mọi thời đại khi ông Trump đánh bại bà Harris
- Chứng khoán Mỹ tiếp tục phá đỉnh mọi thời đại, Dow Jones lần đầu tiên chọc thủng mốc 43.000: Tâm lý nhà đầu tư vẫn căng thẳng vì hàng loạt vấn đề nóng
- Chứng khoán Mỹ lập đỉnh chưa từng có trong lịch sử sau khi biên bản họp Fed được công bố, áp lực đè nén tâm lý nhà đầu tư dần được tháo gỡ
- Thị trường toàn cầu giật thót khi căng thẳng Trung Đông leo thang: Chứng khoán chìm trong sắc đỏ, giá dầu bật tăng