"Quan chức tranh suất đi Olympic": HLV cầu lông nói gì?
“Nếu không có HLV thì ít nhất trưởng đoàn cũng phải có chuyên môn để giải quyết tất cả các công việc liên quan cho vận động viên. VĐV chỉ biết tập, thi đấu thôi, đừng để VĐV tự bơi như thế!”
- 13-08-2016"Quan chức tranh đi Olympic": VĐV khó giành huy chương thì không có HLV?
- 12-08-2016"Quan chức tranh suất đi Olympic": Đi quản lý cái gì?
Đây là ý kiến của bà Huỳnh Ngọc Liên, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông TP.HCM, Ủy viên Ủy ban Chấp hành cầu lông Việt Nam, người từng có công rất lớn để có một VĐV cầu lông Nguyễn Tiến Minh trong top 30 thế giới như hiện nay.
Vì sao đội tuyển cầu lông đi Olympic Rio không có HLV?
Trả lời câu hỏi của phóng viên, vì sao là người trực tiếp dìu dắt Tiến Minh trong thời gian dài mà ở Olympic Rio lần này bà lại không có mặt, bà Huỳnh Ngọc Liên cho biết, có 2 lý do khiến đoàn cầu lông Việt Nam không có HLV đi cùng.
“Thứ nhất, lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng biết rất rõ rằng cầu lông của Việt Nam không có khả năng có huy chương, vì khả năng tranh chấp không thể. Tuy nhiên, được trong danh sách thi đấu Olympic cũng đã là quý rồi, có những môn không được vào” – bà Liên nói.
Nguyên nhân thứ hai, theo bà Liên thì từ lâu Tiến Minh đã không có HLV kèm cặp. “Chi phí cho Olympic rất lớn bao gồm chi phí đào tạo, đầu tư. Công việc này được bắt đầu từ tháng 6 năm 2015, Tổng cục cũng đã có quyết định thành lập đội dự tuyển Olympic trong đó có HLV Nguyễn Anh Hoàng và 2 VĐV là Nguyễn Tiến Minh và Nguyễn Thùy Trang. Nhưng mà sau khi có quyết định này, VĐV Nguyễn Tiến Minh đã có phản ứng, đề nghị “không thích hợp để tập luyện với HLV này”. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục cho rằng đã lỡ ra quyết định rồi nên tạm thời tập chấp nhận, đến đầu năm 2016 sẽ sửa lại. Tiến Minh cũng chấp nhận mặc dầu tôi biết giai đoạn này Tiến Minh đã tự ra bài tập cho mình chứ HLV không hỗ trợ gì nhiều.
Đến tháng 12/2015 trong lúc tôi, Tiến Minh và Vũ Thùy Trang đang thi đấu ở Mỹ thì được biết đã có quyết định cho năm 2016 và HLV Nguyễn Anh Hoàng tiếp tục là HLV của Tiến Minh. Tiến Minh đã rất bức xúc, làm đơn khiếu nại và xin tự tập. Tổng cục đồng ý theo đề nghị của Tiến Minh cho phép em ấy tự tập. Vũ Thùy Trang cũng làm đơn xin tập cùng Tiến Minh mà không có HLV.
Trước sự cố này, TP HCM đã mời thêm HLV nước ngoài về để ngoài việc đào tạo cho đội tuyển thành phố còn hỗ trợ thêm cho Tiến Minh và Thùy Trang tham dự Olympic. Nhưng HLV người Indonesia đến chưa được 2 tuần không biết vì lý do gì mà không ở lại. Tiến Minh đã rất tiếc. Vì vậy mà khi đi dự Olympic Rio, bộ môn cầu lông đã không có HLV, không có người đi cùng. Trước đó có sự bất bình của Tiến Minh và HLV nên họ dựa vào đó để mà không có HLV đi cùng” – bà Huỳnh Ngọc Liên kể lại.
Bà Liên cho biết, trước tình hình này, chính bà đã làm đơn gửi Liên đoàn cầu lông Việt Nam đề nghị được đi cùng Tiến Minh và Thùy Trang với điều kiện ăn ở chung với các VĐV, còn vé máy bay bà sẽ tự túc. Tuy nhiên lời đề nghị này đã không được chấp nhận.
Có Tiến Minh thế giới mới biết đến một Việt Nam có cầu lông
Xin phép không bình luận về cơ cấu thành phần đoàn tham dự Olympic với dư luận cho rằng “quan chức tranh suất” của HLV, bác sĩ, bà Huỳnh Ngọc Liên cho rằng, đó là chuyện của trung ương. Với tư cách cá nhân, bà Liên chỉ thấy đau xót khi "2 VĐV Tiến Minh và Thùy Trang lóc cóc dẫn nhau đi sau vì cả đoàn ngoài Hà Nội đi rồi, trong này (TP Hồ Chí Minh) vé trung ương mua cho nhưng không biết loại gì mà 2 ngày mới tới nơi. Trên đường đi, nhỡ xảy ra bất trắc các em sẽ làm sao đây?”.
VĐV cầu lông Tiến Minh
Điều bà Liên băn khoăn nhất là, nếu không có HLV đi cùng, ít nhất trưởng đoàn đi theo phải là người am hiểu chuyên môn cầu lông. “Chứ để các em đi một mình như vậy nhiều thứ nhiêu khê mà các em phải tự lo thì rất tội nghiệp. Mình đi cùng với Tiến Minh nhiều lần rồi nên mình biết, có rất nhiều việc phải lo cho chúng: từ tham dự những cuộc họp chuyên môn cho đến đặt chỗ sân tập và bữa ăn hàng ngày. Nếu không phù hợp thì người trưởng đoàn sẽ tìm cách nào đó để các em có được bữa ăn đảm bảo, đủ sức để thi đấu. Thực tình để các em đi mà không có người lớn đi cùng là một sự thiệt thòi” – bà Huỳnh Ngọc Liên nhấn mạnh.
Bà Liên một lần nữa khẳng định, nếu không có HLV thì ít nhất trưởng đoàn cũng phải có chuyên môn để giải quyết tất cả các công việc liên quan cho vận động viên. Trưởng đoàn không phải chỉ nhận lịch thi đấu mà còn làm nhiều việc khác. Chẳng hạn, trọng tài quy định chi tiết A, B,C,D mà nếu trưởng đoàn không có chuyên môn thì không thể hiểu được họ nói cái gì mà bản thân Tiến Minh trình độ tiếng Anh cũng chưa chắc hiểu được hết được 100%. Các VĐV chỉ biết tập luyện thôi còn các việc khác HLV, trưởng đoàn phải lo, đừng để VĐV phải lo những việc linh tinh…
“Tội nghiệp cho các em, vì tự lo tất cả trong khi nếu có HLV hoặc trưởng đoàn am hiểu chuyên môn thì các em sẽ toàn tâm toàn ý vào thi đấu. Mà nếu có kết quả không như ý thì mình không tiếc nuối vì mình đã làm hết sức rồi. Còn bây giờ tự xoay sở... Y như rằng qua bên đó, Tiến Minh gọi về kêu cô ơi con đói. Nó ăn dinh dưỡng một ngày rất lớn mà nhiều khi thức ăn bên đó không phù hợp, nếu mình đi cùng mình sẽ mang theo thức ăn dự phòng, hoặc thầy trò dẫn nhau đi ra ngoài kiếm chỗ ăn” – bà Liên nói.
Kết thúc cuộc nói chuyện với PV, bà Liên kiến nghị, ở những giải đấu quốc tế, trong trường hợp không có HLV thì ít nhất phải có trưởng đoàn thành thạo chuyên môn đi kèm, đừng để VĐV tự bơi. Đây là câu chuyện dài của thể dục thể thao Việt Nam. Về lâu về dài chúng ta phải làm sao tốt hơn thế này.
“Sau Tiến Minh mình không biết bao lâu nữa cầu lông Việt Nam mới có thể trở lại đấu trường Quốc tế một cách đàng hoàng như lâu nay. Bởi vì có Tiến Minh người ta mới biết đến một Việt Nam có cầu lông, còn bây giờ mình thực sự thấy mịt mù”- bà Liên chia sẻ.
Infonet