Quan chức Trung Quốc: "Cả Mỹ và Trung Quốc sẽ đều phải nhún nhường khi bước vào cuộc họp tại Hội nghị G20 lần này!"
Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, Wang Shouwen cho rằng Bắc Kinh không nên là bên duy nhất thể hiện sự nhượng bộ trong nỗ lực chấm dứt căng thẳng thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
- 24-06-2019Nhật Bản cho Trung Quốc hít bụi trong cuộc đua cơ sở hạ tầng Đông Nam Á, Việt Nam là ví dụ điển hình
- 24-06-2019Thượng đỉnh G20: Sự kiện đối thoại của những lãnh đạo đến từ các nền kinh tế lớn trở thành cuộc đối đầu giữa ông Trump và ông Tập
- 24-06-2019Ba cuộc gặp đáng chú ý tại Thượng đỉnh G20 tuần tới
Một thành viên trong nhóm đàm phán thương mại của Trung Quốc cho biết cả Bắc Kinh và Washington sẽ cần phải thoả hiệp để tiến tới một thoả thuận khi hai nhà lãnh đạo thực hiện cuộc gặp tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vào cuối tuần này.
Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, Wang Shouwen, phó trưởng nhóm đàm phán, đã đưa ra lập trường của Trung Quốc trước thềm cuộc gặp của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông cho rằng Bắc Kinh không nên là bên duy nhất thể hiện sự nhượng bộ trong nỗ lực chấm dứt căng thẳng thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Wang cho biết trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày thứ Hai (24/6): "Chúng ta nên thoả hiệp với nhau, điều đó có nghĩa là cả hai bên phải nhượng bộ, chứ không chỉ từ một phía." Ông nói rằng để đạt được thoả thuận thương mại, Mỹ và Trung Quốc nên đàm phán trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng chủ quyền của nhau, các quy tắc của WTO và đem đến lợi ích cho cả hai bên. Hai quốc gia đều đang ở tình trạng mâu thuẫn về các vấn đề bao gồm thương mại và an ninh.
Theo lịch trình, ông Tập sẽ đến Nhật Bản vào thứ Năm tới (27/6) và dự kiến sẽ gặp ông Trump bên lề sự kiện thượng đỉnh G20 - diễn ra vào ngày 28 và 29/6.
Tuần trước, hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc nói chuyện qua điện thoại, Sau đó, ông Trump chia sẻ trên Twitter rằng họ đã "có một cuộc nói chuyện qua điện thoại diễn ra rất tốt đẹp" và sẽ thực hiện "một cuộc gặp kéo dài" tại sự kiện G20.
Cũng tại cuộc họp báo mới diễn ra, ông Wang đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump dỡ bỏ lệnh cấm và đảm bảo quyền được đối xử bình đẳng cho các công ty Trung Quốc. Ông nói: "Lệnh hạn chế xuất khẩu của chính các sản phẩm từ Mỹ sẽ không mang đến điều gì tốt đẹp cho cán cân thương mại. Điều đó chỉ gây tổn thất cho các công ty Mỹ và Trung Quốc, cũng như phá vỡ trật tự thương mại quốc tế và trao đổi công nghệ."
Ông Wang phát biểu thêm: "Chúng tôi hy vọng phía Mỹ có thể huỷ bỏ những biện pháp đơn phương đang nhắm vào các công ty Trung Quốc." Ông còn kêu gọi các nước G20 còn lại "cùng hành động" để phản đối quan điểm nhìn nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc là "chủ nghĩa đơn phương" và "chủ nghĩa bảo hộ".
Về động thái đưa thêm 5 công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen của Mỹ, ông Wang cho biết: "Chúng tôi hy vọng, theo các nguyên tắc thương mại tự do và tinh thần của các quy tắc từ WTO, Mỹ có thể dỡ bỏ những biện pháp không thích đáng với các công ty Trung Quốc và có thể loại bỏ họ ra khỏi danh sách đen. Điều này sẽ có lợi cho cả đôi bên."
Theo các quan chức Trung Quốc tham gia cuộc họp báo, ông Tập sẽ tổ chức một cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề hội nghị thượng đỉnh Osaka. Ngoài ra, ông Tập cũng gặp các nhà lãnh đạo của những nước thành viên BRICS - tổ chức các nền kinh tế mới nổi, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi.
Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết cả hai nhà lãnh đạo đều không thấy vội vã để đạt được thoả thuận tại Nhật Bản. Ông nói: "Cả hai nhà lãnh đạo dường như đều có quan điểm rằng không có thoả thuận nào còn tốt hơn là một thoả thuận tồi."