MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quan điểm "Đừng cố định chi tiêu, hãy ổn định thu nhập" của chàng trai 24 tuổi và những mẹo mua sắm dưới góc nhìn "phái mạnh" lương 20 triệu/tháng

17-02-2021 - 08:21 AM | Sống

Là một chàng trai có lối tư duy khoa học, Gia Huy thực hiện chi tiêu và tiết kiệm rất cẩn thận để tích luỹ hiệu quả cho tương lai.

Chúng ta hay quan niệm khi còn trẻ cứ tiêu pha thoải mái, trải nghiệm thật nhiều, chẳng cần bận tâm đến tích luỹ. Bởi lẽ ở độ tuổi đó, thu nhập chưa ổn định, thật khó để nghĩ đến một mục tiêu lớn cho tương lai.

Nhưng với Gia Huy, cậu lại có quan điểm sống khác. Không giống như nhiều bạn bè đồng trang lứa đang loay hoay tìm một công việc phù hợp, Gia Huy biết bản thân cần gì và phải làm thế nào để đạt mục tiêu. Đặc biệt, dù mới 24 tuổi song chàng trai đã có thu nhập ổn định (dao động 20-30 triệu/tháng) và thiết lập nhiều quan điểm sống thú vị liên quan tới chi tiêu, tiết kiệm.

Quan điểm Đừng cố định chi tiêu, hãy ổn định thu nhập của chàng trai 24 tuổi và những mẹo mua sắm dưới góc nhìn phái mạnh lương 20 triệu/tháng - Ảnh 1.

Chân dung Gia Huy - một chàng trai 24 tuổi ở Hà Nội.

Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của Gia Huy để xem chàng trai này có góc nhìn mới lạ như thế nào so với chị em phụ nữ nhé!

Quan điểm "Đừng cố định chi tiêu, hãy ổn định thu nhập"

Giống nhiều chị em nội trợ, Gia Huy cũng chia tổng thu nhập cá nhân làm nhiều phần để tiện theo dõi, quản lý. Có ba hạng mục chính được Huy liệt kê: Nhu cầu bắt buộc chi tiêu, những khoản ngoài luồng có thể xê dịch và khoản "nhàn rỗi" (không tiêu đến, gửi tiết kiệm).

Đối với nhu cầu bắt buộc, Huy định nghĩa nó bao gồm tiền nhà ở, đi lại, ăn uống. Khoản này chiếm tỷ trọng lớn nhất - 50% tức rơi vào khoảng 10 - 12 triệu đồng. Chi tiết hơn thì nhà ở, điện nước, phí dịch vụ... chiếm 3-4 triệu, di chuyển 1-2 triệu và ăn uống là số còn lại. "Tất nhiên sẽ có những lúc khoản ăn uống đi lại phát sinh, vượt quá. Nhưng dần dần mình đưa bản thân vào khuôn khổ để chỉ sử dụng trong con số đã định." - Huy nói thêm.

Quan điểm Đừng cố định chi tiêu, hãy ổn định thu nhập của chàng trai 24 tuổi và những mẹo mua sắm dưới góc nhìn phái mạnh lương 20 triệu/tháng - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Hạng mục thứ hai là những khoản ngoài luồng, chẳng hạn tiền mừng cưới, đám ma, tiền đi ăn, cafe với bạn bè, thậm chí là tiền giải trí cá nhân (xem phim, mua sắm...). Với tất tần tật khoản ngoài luồng kể trên, Huy sẽ dành ra 25% tổng thu nhập (khoảng 5 triệu đồng) để chi tiêu. Cậu bạn cũng nhấn mạnh dù lắm khoản phải tính toán ở hạng mục này song vì Huy không có nhiều bạn bè, bản thân lại sống hướng nội nên ít khi nào tiêu hết số tiền 5 triệu.

25% còn lại trong tổng thu nhập hàng tháng được Huy tích lũy dùng cho trường hợp dự phòng tương lai (mua đồ đắt tiền, ốm đau...) Ở thời điểm hiện tại, bố mẹ Huy chưa cần nhận sự hỗ trợ tài chính từ con trai nên 5 triệu gần như là con số cố định để cậu tiết kiệm.

Tuy nhiên, điều mà Gia Huy muốn nhấn mạnh là việc phải ổn định thu nhập trước để chi tiêu không gặp khó khăn. Tức là không nên để xảy ra tình trạng tháng này kiếm nhiều, tháng sau kiếm được ít. Do đó, chính bản thân chúng ta cần giữ phong độ trong công việc, tránh uể oải, rệu rã (như lúc gần Tết). Sai lầm của nhiều chị em phụ nữ là cứ giữ một mức chi tiêu mỗi tháng quá chặt chẽ theo tỷ lệ phần trăm đã định. Ổn định thu nhập chắc chắn sẽ dẫn tới cố định trong chi tiêu.

Dùng app theo dõi chi tiêu

Hiện tại công việc của Gia Huy là điều hành dự án thiết kế, cậu bạn cũng có am hiểu sâu về thuật toán và các ứng dụng điện thoại. Huy cho biết hiện tại trên App Store và Google Play có nhiều app về quản lý tài chính song lại khó sử dụng, nhất là với chị em phụ nữ không rành công nghệ. Theo đó, Gia Huy đã lựa chọn ứng dụng quản lý chi tiêu vì tính tiện lợi của nó.

Đối với các ứng dụng quản lý chi tiêu, người dùng có thể tính tổng chi tiêu hàng tháng, ghi chép chi tiết chúng, thiết lập tiết kiệm, trả góp, thậm chí theo dõi sự thay đổi của các khoản. Người dùng chỉ việc nhập tiền vào và app sẽ đưa ra biểu đồ trình bày khoa học, dễ hiểu.

Nhất định phải mua bảo hiểm

Nhiều chị em nội trợ cho rằng bản thân quanh năm suốt tháng gắn liền với 4 bức tường, khó xảy ra tai nạn, rủi ro nên chẳng phải mua bảo hiểm tốn kém. Thậm chí người đi làm đôi khi suy nghĩ tương tự như vậy. Tuy nhiên, biến cố là điều khó lường trong cuộc sống, vậy nên điều quan trọng là không được tiếc rẻ đầu tư vào bảo hiểm.

Nói chính xác hơn, bảo hiểm giống như phao cứu trợ trong trường hợp con người gặp điều không may (bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ), đồng thời cũng là khoản dự trữ khi về hưu (bảo hiểm xã hội). Gia Huy có tham gia hai loại bảo hiểm như nhiều dân công sở khác là BHYT và BHXH.

Chọn gói tiết kiệm phù hợp

Sau khi tham khảo các dịch vụ của nhiều ngân hàng, Gia Huy lựa chọn Techcombank là nơi để gửi tiết kiệm. Với chàng trai, điểm mạnh ở gói này là có hình thức tiết kiệm online, chuyển tiền qua ứng dụng điện thoại và phù hợp cho người trẻ - khoản tích lũy chưa cao tầm 5-10 triệu/tháng.

Quyết tâm tiết kiệm nhưng vẫn nên đầu tư phát triển bản thân để sự nghiệp thăng hoa

Như đã nói kể trên, Gia Huy làm công việc liên quan tới thiết kế nên cậu bạn chú tâm đầu tư cho ngoại hình và cả đồ công nghệ (điện thoại, máy tính...). Nếu được sử dụng đồ công nghệ tốt thì chắc chắn sẽ mang lại nhiều cảm hứng làm việc. Hiện tại, nhờ tiết kiệm chăm chỉ, chạy dự án ngoài tăng thu nhập mà Gia Huy đã có thể mua rất nhiều đồ xịn, ví dụ máy tính iMac 50 triệu đồng, laptop Macbook 66 triệu đồng hay điện thoại, iPad giá trị cao.

Quan điểm Đừng cố định chi tiêu, hãy ổn định thu nhập của chàng trai 24 tuổi và những mẹo mua sắm dưới góc nhìn phái mạnh lương 20 triệu/tháng - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, khi mua đồ công nghệ, mặc dù Huy có 2 thẻ tín dụng (hạn mức 70 triệu) nhưng chàng trai hạn chế quẹt thẻ mà cố gắng trả hết trong số tiền mình tiết kiệm từ trước.

Dùng tiền để mua hạnh phúc cũng là một cách chi tiêu khôn ngoan

Nếu người trẻ chỉ biết kiếm tiền và tiêu cho những kế hoạch mang tính cá nhân sẽ khó mà tận hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc. Với Gia Huy, trong dịp Tết này, cậu vừa gửi về biếu bố mẹ 10 triệu đồng để phụ huynh dư dả hơn trong mua sắm. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao với một chàng trai 24 tuổi. Thi thoảng, Huy cùng gia đình đi du lịch để gắn kết các thành viên với nhau.

Riêng về du lịch, Huy còn chia sẻ thêm sở thích ở homestay thay vì chọn khách sạn quá sang trọng. Thêm nữa, cậu cũng chăm săn voucher, mã giảm giá đặt phòng, vé máy bay, combo du lịch để chuyến đi vẫn vui vẻ mà tiết kiệm.

Hạn chế mua sắm trên thương mại điện tử

Ở điểm này Huy thấy mình không giống đa số mọi người xung quanh. Cũng bởi nhu cầu mua sắm của Huy ít, nếu có sẽ thuộc mảng công nghệ. Khi mua những đồ công nghệ giá trị cao, Huy ưu tiên chọn cửa hàng uy tín (bảo hành tốt, chất lượng) thay vì tìm giá rẻ trên thương mại điện tử.

Hi vọng, sau những chia sẻ kể trên, chị em sẽ mở mang hơn về quan điểm chi tiêu trong cuộc sống thường ngày. Biết đâu, bạn cũng có thể học hỏi dưới góc nhìn của một người đàn ông như Gia Huy đó!

Theo NH

Nhịp Sống Việt

Trở lên trên