Quản lý hoạt động môi giới bất động sản
Mới đây, cử tri tỉnh Bình Dương phản ánh về việc các môi giới bất động sản độc lập không có chứng chỉ hành nghề gây nhiễu loạn thông tin trên thị trường.
Môi giới bất động sản không chứng chỉ hành nghề là mối nguy của thị trường
Cụ thể, cử tri tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay rất nhiều cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập nhưng không có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và không đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế; bên cạnh đó, tình trạng thông tin sai sự thật về các bất động sản được rao bán, nhất là về giá để hưởng chênh lệch đang xảy ra khá phổ biến.
Đồng thời, thời gian qua nhà nước thất thu thuế rất lớn từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên. Theo đó, cử tri kiến nghị nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định có liên quan nhằm tạo dựng môi trường bất động sản minh bạch, công bằng và hiệu quả.
Trả lời cử tri về phản ánh trên, Bộ Xây dựng cho biết, tại khoản 2 Điều 62 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 đã quy định về điều kiện của cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản: "Cá nhân có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập nhưng phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế".
Tại khoản 6 Điều 67 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản: "Thực hiện nghĩa vụ về thuế với Nhà nước theo quy định của pháp luật".
Tại Điều 59 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng đã quy định về hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản, trong đó có các hình thức xử phạt đối với cá nhân môi giới hoạt động độc lập khi vi phạm quy định pháp luật.
Tuy nhiên, trong thời gian qua tình trạng các môi giới hoạt động độc lập nhưng không có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và không đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế vẫn diễn ra, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển lành mạnh, minh bạch của thị trường bất động sản như phản ánh của cử tri tỉnh Bình Dương.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, hiện Bộ đang chủ trì nghiên cứu xây dựng dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5 năm 2023) của Quốc hội khóa XV và thông qua dự án Luật vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10 năm 2023) của Quốc hội khóa XV.
Quản lý hoạt động của môi giới bất động sản được đánh giá còn nhiều bất cập, kẽ hở
Trên thực tế, quản lý hoạt động của môi giới bất động sản được đánh giá là còn nhiều bất cập, kẽ hở.
Đơn cử như giai đoạn đầu năm 2021 – đầu năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng thị trường bất động sản vẫn chứng kiến không ít đợt sốt nóng giá đất nền tại các địa phương. Cùng với đó, cứ mỗi khi một khu vực có thông tin giá đất rục rịch tăng "chỉ sau một đêm" hàng chục sàn, trung tâm môi giới bất động sản mọc lên.
Điều đặc biệt, các sàn hay trung tâm môi giới bất động sản này đều hoạt động "ngoài luồng" tức không đảm bảo các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, môi giới bất động sản. Đơn cử như tại Hạ Long, thông từ Công an tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn này có tới 30 sàn giao dịch và 80 doanh nghiệp, cá nhân hoạt động môi giới bất động sản hoạt đông "chui".
Trong khi đó, về lực lượng môi giới, thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy cả nước có gần 75.000 nhân viên môi giới nhà đất, nhân viên môi giới tự do, có đến 90% không có kiến thức căn bản của người làm môi giới. Ước tính hiện chỉ 10% số môi giới bất động sản có chứng chỉ hành nghề.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng vì chưa chuyên nghiệp, một bộ phận môi giới bất động sản vẫn bị sa đà vào những hành vi chưa chuẩn mực như có hành vi găm đất, thổi giá tạo sốt ảo gây lũng loạn thị trường, nhiều môi giới còn trực tiếp hoặc tiếp tay cho chủ dự án, lừa đảo khách hàng, gây hậu quả cho người tiêu dùng, ảnh hưởng uy tín cho thương hiệu các chủ đầu tư chân chính.
Các chuyên gia cho rằng, ngoài các quy định xử phạt, cần một nền tảng, một quy chuẩn chung của toàn thị trường để nhân sự gia nhập vào lĩnh vực tư vấn bất động sản có thể đạt được những tiêu chí cơ bản đó; đồng thời thể hiện được chất lượng nhân lực xứng tầm với giá trị của sản phẩm bất động sản.
Bên cạnh đó, những quy chuẩn, quy tắc trên sẽ giúp giảm thiểu các vấn đề tiêu cực, đồng thời tránh trường hợp người tư vấn nhận thức được những điều không đúng, không tốt cho khách hàng nhưng vẫn bỏ qua vì lợi ích trong bán hàng.
Diễn đàn doanh nghiệp