Quản lý SIM rác: DN không quản được thì thay người đứng đầu
Trong vấn đề quản lý SIM rác, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói rõ, DN phải làm việc này, người đứng đầu không quản lý được thì sẵn sàng thay người khác.
- 10-12-20163 đại lý dùng giấy tờ giả mở sim rác đang bị điều tra
- 08-12-2016Hơn 11 triệu sim đã bị khóa, bắt đầu thu hồi sim rác đợt 2
- 28-11-2016Đã bắt đúng “bệnh” SIM rác
Chiều 23/12, Bộ TT&TT tổ chức hội thảo chuyên đề về quản lý báo chí, thông tin điện tử và viễn thông trong tình hình mới. Tham dự có các lãnh đạo Bộ TT&TT, lãnh đạo các Sở TT&TT và các cơ quan quản lý báo chí, thông tin điện tử, viễn thông...
Bối rối quản lý SIM rác
Cho ý kiến về quản lý SIM, ông Lê Quốc Cường, PGĐ Sở TT&TT TP.HCM cho hay, rất mừng vì Bộ cương quyết trong xử lý SIM rác. Tuy nhiên, ông cho hay, nếu nói đi kiểm tra thì hoàn toàn không hiệu quả.
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn
"Quan trọng nhất là DN, phải siết DN, chứ TP.HCM 13 triệu dân, thanh tra sở, quận huyện chỉ có mấy người. Nếu bắt đi làm cái này, mà chúng tôi làm nhiều năm rồi, thì không hiệu quả", ông Cường nói.
Ông cho biết, đơn vị viễn thông đến giờ vẫn không cung cấp cho Sở danh sách SIM thu hồi. Có những DN trước rất tuân thủ, nhưng từ khi lớn hơn thì không báo cáo gì cho Sở.
"Phải có cơ chế rất rõ. Nếu không Sở bó tay", ông Cường than thở. Theo ông, phải có cơ chế phối hợp giữa TƯ, địa phương và DN thì mới thực hiện hiệu quả được.
Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng, Cục viễn thông cũng rất tiếp thu kiến nghị lâu nay của TP.HCM trong quản lý SIM thuê bao trả trước và 1 loạt đề xuất của Sở cũng được đưa vào trong dự thảo trình CP. Hy vọng VPCP sẽ sớm xử lý, xin ý kiến ban hành Nghị định sửa đổi trong thời gian sớm nhất.
Theo đại diện Sở TT&TT Thanh Hóa, khi tìm SIM có phải rác hay không thì Sở rất khó phát hiện. Chính vì vậy, cần công khai rộng rãi DN được quảng cáo để toàn dân được biết, việc quản lý cũng dễ dàng, hiệu quả hơn.
DN phải quản SIM rác
Trước ý kiến của Sở TT&TT TP.HCM, ông Lương Mạnh Hoàng, Tổng Giám đốc VNPT VinaPhone cho hay, giao dịch này rất phức tạp, DN thực sự rất muốn quản lý. Tuy nhiên "ông bít chặt quá thì vi phạm tự do công dân, bít lỏng quá thì không quản được".
Đoàn chủ trì buổi hội thảo
"Kiểm tra, kiểm soát chỉ có căn cứ vào Sở TT&TT địa phương kết hợp với công an, với QLTT. Còn "nhà mạng kiểm soát được chứ, nhưng kênh bán hàng, người sử dụng họ gian dối chứ không phải nhà mạng gian dối. Việc xử lý rất khó. Thanh tra bao nhiêu việc cố tình làm sai thì vẫn còn", ông Hoàng nói.
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, Bộ thống nhất xử lý quyết liệt, triệt để, không để xảy ra tình trạng SIM rác, tin nhắn rác tràn lan. Các sở TT&TT không thể đi kiểm tra hết được mà DN phải chủ động xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.
"DN phải chịu trách nhiệm chính, các Sở không thể đi các đại lý kiểm tra được. DN phải làm việc này, DN quản lý không được thì đừng có làm, người đứng đầu không quản lý được thì đừng có làm người đứng đầu, sẵn sàng thay người khác", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông cũng cho hay, Bộ đang tiến hành sửa đổi các quy định của pháp luật theo hướng tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông, tăng chế tài xử phạt, quy định chặt chẽ về quản lý thông tin thuê bao di động trả trước, thúc đẩy phát triển thuê bao trả sau.
“Mong muốn của Bộ TT&TT là các dịch vụ viễn thông sẽ không mang đến cho người sử dụng những phiền phức, thay vào đó, dịch vụ sẽ ngày càng cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng công việc và cuộc sống của người dân” – Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Do đó, Bộ trưởng yêu cầu DN viễn thông quản lý thật nghiêm tránh xảy ra tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Quản lý mạng xã hội
Cũng tại hội thảo, đại diện Sở TT&TT Thanh Hóa đề cập vấn đề làm thế nào để có quản lý không gian mạng từ TƯ đến địa phương thống nhất. Theo ông, trang tin điện tử, báo điện tử được cấp phép thì quản lý được nhưng mạng xã hội như facebook, blog thì theo luật pháp quốc tế nên rất khó.
Cục trưởng PTTH và TTĐT Nguyễn Thanh Lâm
"Cần có chính sách tạo ra những sân chơi, tiếp tục có những chính sách như cấp phép giảm bớt thủ tục, khuyến khích đơn vị có đủ điều kiện mở trang được cấp phép để dễ quản lý" - vị đại diện sở Thanh Hóa đề xuất.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh Đỗ Tùng Lâm thì chia sẻ câu chuyện trên địa bàn có 7 văn phòng đại diện, 26 phóng viên thường trú đang hoạt động. Ngoài phóng viên thường trú đầy đủ thủ tục, còn rất nhiều không đủ tiêu chuẩn. Cụ thể, có trường hợp phóng viên thường trú còn có thêm rất nhiều cộng tác viên, sử dụng giấy giới thiệu do Tổng biên tập ký nhưng không có thời hạn và nội dung cụ thể. Sở rất lúng túng trong xử lý việc này.
Ông bày tỏ mong Bộ tham mưu chế tài xử lý cộng tác viên không đủ tiêu chuẩn.
Cục trưởng PTTH và TTĐT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, hiện đơn vị đang đổi mới cơ chế quản lý là tăng khả năng và tốc độ phát hiện những sai phạm trong lĩnh vực này. Tiếp đó là rút ngắn tốc độ xử lý.
Để quản lý mạng xã hội và trang TTĐT, ông Lâm cho biết, tới đây có nghị định 72 sửa đổi, nâng những điều kiện, điều khoản trong thông tư cũng như quan điểm xử lý lên tầm Nghị định.
Cũng theo ông Lâm, Bộ TT&TT chắc chắn cũng sẽ ban hành thông tư để quản lý cung cấp dịch vụ nội dung công cộng xuyên biên giới.
“Mục tiêu quản lý là ngăn chặn thông tin xấu độc chứ không phải hạn chế quyền tự do ngôn luận chính đáng hay hạn chế quyền hợp tác kinh doanh, chia sẻ thông tin tình cảm chính đáng của người sử dụng” – ông Lâm nói rõ.
Trả lời vấn đề của Sở TT&TT Hà Tĩnh, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho hay, đây là thực trạng diễn ra ở nhiều địa phương. Bộ có văn bản chỉ đạo gửi các Sở, yêu cầu các cơ quan báo chí trong việc sử dụng cộng tác viên không đúng đối tượng. Khi kiểm tra, cộng tác viên không có hợp đồng lao động thì có thể xử lý.
Ngoài ra, đối với các cá nhân, tổ chức thì họ có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được phép hoạt động báo chí trên cả nước, được phép sử dụng giấy giới thiệu để tác nghiệp. Đòi hỏi phải có thẻ là không đúng. Chỉ cần thẻ nhà báo. Nếu không có thẻ nhà báo, họ có quyền sử dụng giấy giới thiệu.
Bảo vệ nhà báo chân chính
Đối với việc xử lý vi phạm của báo chí, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, chúng ta không lấy thành tích xử lý báo chí làm thành tích trong báo cáo. Mục tiêu của hoạt động xử lý vi phạm là để báo chí hoạt động lành mạnh, đúng tôn chỉ, mục đích và hướng tới một nền báo chí lành mạnh, nhân văn.
Mặt khác xử lý nghiêm những nhà báo, phóng viên, cơ quan báo chí vi phạm pháp luật và bảo vệ nhà báo chân chính, cơ quan báo chí trung thực, đồng thời tạo điều kiện tối đa cho cơ quan báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.
Bộ trưởng yêu cầu thời gian tới, nếu phát hiện sai phạm ở địa phương, đề nghị các địa phương phản ánh để Bộ TT&TT tiếp tục xử lý nghiêm.
Ông cũng cho biết thêm, đối với công tác quản lý TTĐT và game online, Bộ đã và đang hướng tới việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt trong khâu cấp phép và đẩy mạnh công tác hậu kiểm.
Theo đó, Bộ sẽ tạo môi trường thuận lợi và công bằng để các doanh nghiệp phát triển, có sức cạnh tranh với các DN nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi điện tử trên mạng.
Vietnamnet