Quản lý tiền và tài sản kỹ thuật số, chính sách nào cho Việt Nam?
Các đồng tiền ảo - tiền kỹ thuật số và tài sản số hóa đang được xem là giải pháp thanh toán trực tuyến theo xu hướng mới (ảnh minh họa)
Tiền kỹ thuật số, tài sản số hóa đã, đang là giải pháp thanh toán trực tuyến theo xu hướng tất yếu trong môi trường công nghệ hiện đại và các thay đổi quan hệ thương mại quốc tế trên qui mô toàn cầu.
- 31-08-2022Có những cách đăng ký tài khoản định danh điện tử nào?
- 31-08-2022Sau 1 tháng thu phí không dừng trên cao tốc Bắc Giang- Lạng Sơn
- 31-08-2022Cảnh báo chiêu trò lừa đảo 'việc nhẹ lương cao' trên mạng xã hội
Tuy nhiên mỗi quốc gia có một hình thức và chính sách sử dụng tiền số, tài sản kỹ thuật số khác nhau.
Đến thời điểm hiện nay, các ngân hàng trung ương (NHTW) từ nhiều quốc gia trên thế giới đã cảnh báo những rủi ro tài chính của sàn giao dịch tiền ảo. Sự phát triển của tiền số và tài sản số cùng dòng tiền thâu tóm xuất hiện cũng đã và khiến nhiều cơ quan quản lý tại nhiều nước phải đối diễn với những rủi ro lớn - Theo đó, khi các đồng tiền kỹ thuật số tư nhân như Bitcoin, Libra, JPM Coin, SBI Coin được sử dụng trong trao đổi mua bán hàng hóa, dịch vụ trong thanh toán chuyển tiền toàn cầu đủ lớn để tạo ra hệ thống ngân hàng ngầm thì chúng sẽ đe dọa hệ thống thanh toán cả nội địa và cả thanh toán quốc tế của mọi quốc gia vì chúng có thể lấn át việc kiểm soát lượng tiền trong lưu thông của các NHTW. Do tính ẩn danh và sử dụng mật mã, tiền kỹ thuật số, tài sản số phi nhà nước có thể chuyển đi bất kỳ đâu khiến cho việc kiểm soát tiền tệ ra/vào quốc gia trở nên rất khó khăn, ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá, kiểm soát rửa tiền, tham nhũng và tài trợ khủng bố. Vì vậy, buộc các quốc gia phải tăng cường quản lý các Big Tech, giám sát gắt gao các hoạt động thu thập dữ liệu, trong khi chính sách và cơ chế quản trị dữ liệu còn chưa có bài bản chung, chưa mang tính thống nhất quốc tế:
Mỹ: Hiện nay ở cấp quốc gia vẫn không có cách tiếp cận pháp lý nhất quán về tiền mã hóa. Các quy định pháp lý về tiền điện tử và thanh toán phi tiền mặt đối với các sàn giao dịch khác nhau còn tùy theo từng tiểu bang. Thuật ngữ “tiền mã hóa” cũng khác nhau giữa các cơ quan liên bang. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) coi tiền mã hóa l à chứng khoán, trong khi Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) lại coi Bitcoin là một loại tài sản hàng hóa và cho phép các tài sản phái sinh của tiền mã hóa giao dịch công khai.
Liên minh châu Âu (EU): Yêu cầu các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nữa để giảm thiểu rủi ro do tài sản tiền ảo gây ra, đồng thời, thông qua gói tài chính kỹ thuật số mới mở rộng với mục tiêu là nâng cao năng lực cạnh tranh của châu lục về công nghệ và lĩnh vực Fintech, đồng thời giảm thiểu rủi ro và đảm bảo ổn định tài chính trong nền kinh tế. Khuôn khổ pháp lý quy định mới cũng bao gồm một đề xuất lập pháp mới toàn diện về tài sản mã hóa, được gọi là Thị trường Tài sản tiền mã hóa (MiCA) đang được phát triển để giúp hợp lý hóa quy định về công nghệ sổ cái phân tán (DLT) và tài sản ảo tại EU để hoạt động và bảo vệ người sử dụng và nhà đầu tư. NHTW châu Âu (ECB) đang xem xét khả năng phát hành đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình. Các loại tiền ảo, tiền kỹ thuật số chỉ là phương tiện trao đổi giá trị, không có tính thanh khoản bắt buộc, càng không phải là tiền Pháp định nên càng sớm phải Luật hóa cả chức năng làm phương tiện thanh toán, cả cơ chế quản lý chống rủi ro tiền tệ.
Nhật Bản: Hoạt động kinh doanh và trao đổi tiền kỹ thuật số được điều chỉnh bởi Đạo luật dịch vụ thanh toán năm 2009 đã sửa đổi, bổ sung năm 2016. Theo đó, Luật dịch vụ thanh toán quy định tiền kỹ thuật số được hiểu là loại phương tiện thanh toán hợp pháp nhưng không phải là một loại tiền tệ. Tiền kỹ thuật số chỉ được các bên thanh toán xác định là một giá trị tài sản. Còn đồng tiền pháp định là tiền tệ chính thống quốc gia chỉ được phát hành duy nhất bởi NHTW của quốc gia, đảm bảo tính thanh khoản và được quản lý một cách tập trung, thống nhất bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, tại Nhật Bản, Nhà nước không công nhận tiền kỹ thuật số là một loại tiền tệ mà chỉ là tài sản số, do đó không được đảm bảo tính thanh khoản bắt buộc. Tiền kỹ thuật số chỉ có giá trị đối với các bên chấp nhận nó với tư cách là một loại phương tiện kỹ thuật thanh toán.
Nhật Bản gọi là tiền kỹ thuật số chỉ vì nó có đặc tính được lưu giữ trên các thiết bị điện tử hoặc các phương thức điện tử và các giao dịch tiền kỹ thuật số chỉ có thể được thực hiện thông qua hệ thống mạng internet. Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA) là cơ quan quản lý tài chính cấp quốc gia chịu trách nhiệm giám sát, quản lý những hoạt động liên quan đến việc giao dịch, trao đổi tiền kỹ thuật số. Luật Dịch vụ thanh toán của Nhật Bản yêu cầu tất cả các trao đổi tiền kỹ thuật số phải được đăng ký theo giấy phép của FSA. Đồng thời, các công ty kinh doanh dịch vụ trao đổi tiền kỹ thuật số có nghĩa vụ lưu giữ hồ sơ kế toán về các giao dịch tiền kỹ thuật số tại doanh nghiệp và gửi báo cáo kinh doanh cho FSA vào mỗi cuối năm tài chính. FSA có quyền thanh tra các doanh nghiệp cả định kỳ, cả bất thường và có thẩm quyền yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cải thiện hoạt động kinh doanh theo thời hạn luật định.
Trung Quốc (TQ): Nhà nước TQ đã ra lệnh cấm hoàn toàn các hoạt động liên quan đến tiền mã hoá. Theo đó, NHTW TQ (PBoC) đã cấm các tổ chức tài chính giao dịch Bitcoin, không coi tiền mã hóa là đồng tiền pháp định. Tuy nhiên, một số tòa án TQ đã ra phán quyết vào giữa năm 2020 cho rằng, tiền mã hóa là tài sản cần được pháp luật bảo vệ. Bất chấp lệnh cấm gần như toàn diện đối với giao dịch tài sản mã hóa và các dịch vụ liên quan, luật pháp vẫn cho phép các hoạt động khai thác tiền mã hóa và TQ có thể sẽ sớm dỡ bỏ hoặc nới lỏng lệnh cấm đối với tiền mã hóa, khi những tuyên bố gần đây của các quan chức Chính phủ ủng hộ công nghệ Blockchain và hoạt động khai thác tiền mã hóa vẫn được coi là hợp pháp đã khiến nhiều người suy đoán rằng TQ có ý định trở thành “người” dẫn đầu trong lĩnh vực này. Tuy nhiên lịch trình vẫn chưa được xác định. Trong nhiều năm, PBoC đã nghiên cứu để giới thiệu một loại tiền kỹ thuật số chính thức của Nhà nước và hiện vẫn đang thí điểm đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số trong thanh toán tại nhiều địa phương.
Canada: Pháp luật Canada cho phép sử dụng tiền kỹ thuật số. Theo đó, người tiêu dùng có thể sử dụng các loại tiền kỹ thuật số để mua hàng hóa và dịch vụ trên internet và trong các công ty chấp nhận tiền kỹ thuật số. Đồng thời, người tiêu dùng có thể mua và bán tiền kỹ thuật số trên các sàn giao dịch mở giống như mua bán chứng khoán. Tuy nhiên, tiền kỹ thuật số, bao gồm Bitcoin, không được coi là tiền tệ hợp pháp tại Canada. Mặc dù Canada không công nhận tiền kỹ thuật số là tiền pháp định, nhưng tiền kỹ thuật số được quy định là công cụ tài chính, do đó tiền kỹ thuật số có thể được sử dụng để thanh toán cho các giao dịch. Các quy định về thuế của Canada cũng áp dụng cho các giao dịch tiền kỹ thuật số.
Đề xuất cho Việt Nam
Với sự phát triển của khoa học công nghệ thông tin truyền thông đang phủ sóng toàn cầu, sự xâm nhập và lan tỏa nhanh chóng của tiền kỹ thuật số cũng đi theo và không loại trừ Việt Nam cũng phát triển tiền kỹ thuật số quốc gia theo xu hướng đang diễn ra. Tôi cho rằng vấn đề của chúng ta là làm thế nào để quản lý được tiền kỹ thuật số hơn là nghiêm cấm hoạt động này. Vì vậy:
Khung pháp lý về quản lý thị trường tiền kỹ thuật số tại Việt Nam nên tham cứu mô hình quản lý của Nhật Bản là phù hợp, theo tác giả (ảnh minh họa)
Việt Nam cần xây dựng cơ quan chuyên trách quản lý cấp Nhà nước để hoạch định chính sách và giám sát các hoạt động của tiền kỹ thuật số. Hoạt động mua bán, trao đổi và cung cấp các dịch vụ về tiền kỹ thuật số sẽ có mức độ rủi ro và ảnh hưởng lớn đến các chính sách tiền tệ quốc gia nếu như không được kiểm soát thích hợp và chặt chẽ. Do đó, thành lập và trao quyền cho một cơ quan chuyên trách cấp quốc gia để quản lý và giám sát các hoạt động liên quan đến tiền kỹ thuật số giống như Cơ quan FSA của Nhật Bản là phù hợp trong quá trình xây dựng khung pháp lý về quản lý thị trường tiền kỹ thuật số tại Việt Nam.
Áp dụng kinh nghiệm của Nhật Bản, Việt Nam cũng cần xây dựng kế hoạch phát hành đồng tiền kỹ thuật số được sử dụng trên phạm vi toàn quốc. Đồng tiền điện tử của Nhật với tên gọi là Đồng tiền Nhật Bản - J-Coin. Đồng J-Coin được buộc “tỷ giá” với đồng Yên Nhật là đồng tiền giấy quốc gia và được sử dụng cho hoạt động thanh toán và chuyển tiền thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động.
Đồng thời, nên có qui định pháp lý để khẳng định tiền kỹ thuật số không phải là tiền tệ pháp định, nhưng được thừa nhận là một loại tài sản mang giá trị, mà cụ thể đó là giá trị quyền tài sản. Trong thực tế thì quyền tài sản này đã thuộc về nhóm quyền sở hữu tài sản động sản theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam.
Việt Nam cần phải sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung vào nội hàm pháp luật trong quản lý tiền tệ nói chung và tiền kỹ thuật số nói riêng nhằm ngăn chặn những hành vi lợi dụng, tham ô, tham nhũng, rửa tiền...bất hợp pháp. Các giải pháp căn bản cần làm ngay ở nước ta lúc này theo tôi là: Trong lĩnh vực vào/ra một lượng tiền với mục đích gửi/thanh toán/chuyển khoản hay cho vay bằng tiền mặt hay phi tiền mặt đều phải đi qua hệ thống quản trị dữ liệu quốc gia và các Tổ chức tài chính được cấp phép hoạt động thanh toán, gồm Trung tâm quản trị dữ liệu của NHTW đặt tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) và hệ thống các Ngân hàng, tổ chức tài chính được cấp phép thực hiện giao dịch thanh toán điện tử.
Theo đó cần bổ sung chức năng kiểm soát lượng tiền thanh toán cho CIC bên cạnh chức năng kiểm soát thông tin tín dụng tiền pháp định hiện hành...Việc sử dụng mọi nguồn tiền từ tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để thanh toán hàng hóa, chuyển tiền tới bên thụ hưởng...đều bắt buộc phải đi qua đường nhận thông tin của CIC trước khi tới bên thụ hưởng. Nguyên tắc tối quan trọng này cần phải ghi bổ sung vào chức năng nhiệm vụ của CIC và bổ sung vào Luật các TCTD VN hiện hành.
Trước mắt Việt Nam cần khuyến khích thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, phát triển sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) chính thống dễ tiếp cận qua hệ thống NH Việt Nam.
Mọi nguồn tiền vào TCTD của cá nhân, doanh nghiệp hay tổ chức phi kinh doanh đều phải có xuất xứ thu nhập (lương, tiền bán hàng, tiền từ NSNN, tiền bán ngoại tệ, nhận tiền khác...), ghi bằng số lượng tiền pháp định Việt Nam (VND), gồm tiền mặt và tiền chuyển khoản.
Việt Nam cần xây dựng cơ quan chuyên trách quản lý cấp Nhà nước để hoạch định chính sách và giám sát các hoạt động của tiền kỹ thuật số. Nhà nước cần sớm ban hành sắc lệnh nghiêm cấm sử dụng, mua bán tiền mã hóa, tiền ảo phi Nhà nước của mọi quốc gia đang hoạt động trên thị trường tài chính hiện nay.
Việt Nam phải sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung vào nội hàm pháp luật trong quản lý tiền tệ nói chung và tiền kỹ thuật số nói riêng nhằm ngăn chặn những hành vi lợi dụng, tham ô, tham nhũng, rửa tiền...bất hợp pháp. Vì vậy, các giải pháp căn bản cần làm ngay ở nước ta lúc này là: Trong lĩnh vực vào/ra một lượng tiền với mục đích gửi/thanh toán/chuyển khoản hay cho vay bằng tiền mặt hay phi tiền mặt đều phải đi qua hệ thống quản trị dữ liệu quốc gia và các Tổ chức tài chính được cấp phép hoạt động thanh toán, gồm Trung tâm quản trị dữ liệu của NHTW nên đặt tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam - CICB và hệ thống các Ngân hàng, tổ chức tài chính được cấp phép thực hiện giao dịch thanh toán điện tử.
Ngoài ra, cần thực hiện tuyệt đối nguyên tắc: Trên đất Việt Nam chỉ sử dụng tiền Việt Nam làm tiền tệ.
Các bộ phận thanh tra chuyên ngành phải hành động và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm ngặt các hành vi vi phạm Luật TCTD, Luật NHTW đã cập nhật của các bên liên quan và thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Diễn đàn doanh nghiệp