Quản tín dụng chảy vào bất động sản: Làm thế nào cho đúng và trúng?
Với những phân khúc có tính đầu cơ, giá rất cao thì cần có sự kiểm soát, sự xem xét thận trọng. Không chỉ kiểm soát tín dụng, ngay cả về việc kiểm soát quản lý đầu tư kinh doanh những loại hình đó cũng cần được quan tâm, chặt chẽ.
Ảnh minh hoạ.
Đó là quan điểm của ông Vương Duy Dũng, Trưởng phòng Quản lý thị trường bất động sản, Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đưa ra tại tọa đàm trực tuyến "Quản tín dụng bất động sản thế nào cho đúng, trúng?" do báo điện tử Dân Trí tổ chức sáng 16/6.
Cụ thể, phát biểu quan điểm tại toạ đàm trên, ông Dũng cho biết, vấn đề kiểm soát tín dụng vào động sản thời gian qua được dư luận rất quan tâm. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã lên tiếng khẳng định không có chủ trương siết tín dụng mà là kiểm soát dòng vốn để tránh rủi ro, hướng dòng vốn sử dụng đúng mục đích. Như vậy, thông tin từ phía cơ quan quản lý đã khá rõ ràng.
Đề cập đến việc thị trường hiện nay đã quá "nóng" đến mức cần có sự kiểm soát, ông Dũng đưa ra nhận định, đúng là trong thời gian vừa qua, giá bất động sản có xu hướng biến động rất mạnh. Tuy nhiên, không phải là tất cả.
Theo ông Trưởng phòng Quản lý thị trường bất động sản, Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, bất động sản có nhiều phân khúc, loại hình khác nhau chứ không chỉ có một, có phân khúc cao cấp, dành cho nhà đầu cơ, có phân khúc phục vụ chủ yếu để tiêu dùng.
Những phân khúc dành cho người dân, người thu nhập thấp, trung bình, cho công nhân là những bất động sản chủ yếu phục vụ mục đích tiêu dùng… thì việc đầu tư cho các loại hình này tương đối an toàn, đáp ứng mục tiêu an sinh xã hội. Do đó, theo ông Dũng, cần khuyến khích để hỗ trợ phát triển các loại hình này.
"Còn những phân khúc có tính đầu cơ, giá rất cao thì cần có sự kiểm soát, sự xem xét thận trọng. Không chỉ kiểm soát tín dụng, ngay cả việc kiểm soát quản lý đầu tư kinh doanh những loại hình đó cũng cần được quan tâm, chặt chẽ. Nhìn chung, theo tôi việc kiểm soát vốn tín dụng cũng phải tùy theo các phân khúc, tùy dự án, chứ không áp chung với mọi dự án", ông Dũng nêu quan điểm.
Cho vay bất động sản nên áp dụng tiêu chí nào?
Tham dự toạ đàm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đặt vấn đề, nếu xét về yếu tố vĩ mô của nền kinh tế, trong 2 năm 2020 và 2021, giá thị trường chứng khoán, bất động sản tăng lên bất thường, trong khi nền kinh tế tăng chậm 2,91%, năm 2021 là 2,58%.
Ông Thịnh cho biết, ngay từ năm 2020, ông đã nhìn thấy sự tăng giá bất thường của hai thị trường này và đã đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc xem xét, kiểm soát hai thị trường rủi ro để từ đó không hình thành bong bóng bất động sản, bong bóng chứng khoán, gây ảnh hưởng tới 2 thị trường, gây ảnh hưởng sự phát triển của nền kinh tế.
"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc rà soát, chấn chỉnh lại hoạt động cung cấp vốn cho thị trường bất động sản, chứng khoán. Từ đó làm trong sạch, làm lành mạnh hóa thị trường", ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia kinh tế này, riêng với thị trường bất động sản, việc siết tín dụng đã có mục đích. Chúng ta đã có lộ trình giảm sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.
"Chúng ta đang chấn chỉnh trong lĩnh vực bất động sản để phòng ngừa rủi ro. Việc này là cần thiết. Tuy nhiên, việc chấn chính cũng tùy phân khúc, từng thời điểm, từng thể loại, từng ngân hàng", ông Thịnh nói.
Đề cập đến tiêu chí thế nào là khoản vay đúng, trúng khi vốn tín dụng chảy vào bất động sản, vị chuyên gia kinh tế cho rằng, thứ nhất phải đạt được mức độ rủi ro phù hợp với ngân hàng thương mại (NHTM).
Điều thứ hai, họ phải đáp ứng được mục tiêu chủ yếu của ngân hàng vì ở đây chủ yếu là NHTM.
Thứ ba là giải quyết được mục tiêu của ngân hàng trong lĩnh vực thương mại, tín dụng. Họ hướng đến mục tiêu tín dụng vào lĩnh vực gì trong nền kinh tế quốc dân. Có ngân hàng đặt ra mục tiêu cho vay nông nghiệp nông thôn, cũng có ngân hàng đặt ra phát triển doanh nghiệp, công nghiệp.
"Bất động sản chỉ là lĩnh vực nhỏ. Tuy nhiên, tất cả mục tiêu nằm trong khuôn khổ như NHNN quy định, nếu là NHTM thì không được cho vay vào lĩnh vực bất động sản vượt quá 8% tổng số vốn vay", ông Thịnh nói.
Bizlive