Bắt đầu với một cuộc tình trái ngang, tiếp diễn bằng hàng loạt mưu kế và kết thúc thì siêu lãng mạn.
Mặc dù chưa bao giờ được đặt chân tới xứ sở kim chi, nhưng suốt hơn sáu năm trời ngày nào tôi cũng xem phim Hàn nên cũng dám tự nhận mình là chuyên gia trong mảng này.
- 28-10-2013Chuyện trong phủ Tổng thống Hàn Quốc
- 16-09-2013Hàn Quốc sắp xây tòa nhà đầu tiên biết 'tàng hình'
- 09-09-2013Nữ tổng thống Hàn Quốc 'trình diễn' thời trang tại Hà Nội
- 26-05-2013Đàn ông Hàn Quốc: Kẻ mắt, đánh son để thành công
- 16-05-2013Hàn Quốc: Xe BMW còn rẻ hơn cả Hyundai
- 24-04-2013Bill Gates bị báo chí Hàn Quốc đồng loạt 'ném đá'
Vụ suýt sụp đổ của hệ thống tài chính toàn cầu vừa qua là minh chứng hùng hồn cho thấy dân kinh tế học chúng ta thực chất chẳng hiểu gì về quy luật vận hành của thế giới. Bản thân tôi thấy khá xấu hổ, có khi phải bỏ dạy kinh tế sau hàng bao năm để hôm nay chuyển sang giảng về phim Hàn Quốc hiện đại cho các bạn nghe.
Mặc dù chưa bao giờ được đặt chân tới xứ sở kim chi, nhưng suốt hơn sáu năm trời ngày nào tôi cũng xem phim Hàn nên cũng dám tự nhận mình là chuyên gia trong mảng này.
Mở bài
Bài giảng của tôi sẽ truyền đạt lại những ấn tượng của một người ngoại quốc chỉ biết đến xứ Hàn thông qua phim ảnh. Và vì là qua phim ảnh, Hàn Quốc trong ấn tượng của tôi ít nhiều sẽ có thể khác với đời thực.
Tỉ như các bà mẹ Hàn Quốc ngoài đời biết đâu lại là những bà tiên ngọt ngào, cưng chiều dâu rể nhất quả đất. Người Hàn ngoài đời hẳn cũng không có thói quen tự ngồi nói chuyện một mình rõ to như trong phim (có thế khán giả mới biết đoạn đó nhân vật đang nghĩ gì), và chắc cũng hiếm ai hay nhảy lên giường với nguyên bộ trang phục vừa mặc ra phố, nhất là lúc họ đang "tâm trạng" như ta thường thấy trên màn ảnh.
Và trên hết, tôi đồ rằng vốn từ vựng của giới trẻ Hàn Quốc khi nói chuyện với phụ huynh chắc cũng phong phú hơn những "ne" (vâng), "anio" (không) và "juey-song hamnida" (xin lỗi). Tuy nhiên, trong phim Hàn thì bằng đó là đủ dùng ở nhà rồi.
Tôi có ví dụ sau: một thiếu nữ Hàn Quốc về nhà trong bộ dạng suy sụp thảm hại sau khi phát hiện bạn trai mình đang để ảnh cô gái khác làm hình nền điện thoại, mẹ cô sẽ hỏi han đầy quan tâm: "Có chuyện gì vậy con?", cô gái đáp "Anio!" (Không có gì) rồi bỏ về phòng, thả người lên giường với nguyên bộ quần áo vừa mặc ngoài phố, úp gối lên mặt và không quên để di động ngay cạnh mình, thế mới tiện cho việc tháo pin điện thoại nhằm "trừng phạt" kẻ đang có nguy cơ biến thành "bồ cũ" nếu hắn "dám" gọi điện cho cô. Đáng ra hắn phải làm vậy nhưng dĩ nhiên là còn lâu!
Tương tự, cậu con trai bước vào nhà với khuôn mặt lo lắng vì lỡ đâm xe máy vào cái ô tô mới toanh của bố. Mẹ cậu hỏi thăm và như thường lệ, cậu đáp "Anio", lỉnh về phòng để "nghỉ ngơi một chút". Khi ông bố phát hiện ra và nổi đóa, cậu con trai sẽ lầm bầm rầu rĩ: "Juey‐soong hamnida" (Con xin lỗi!). Câu này được hiểu rằng (từ giờ đến) lần sau con sẽ không như thế nữa. Ấy thế mà lại có tác dụng đáng kinh ngạc!
Bài giảng thứ nhất
Sau khi điểm qua vài ý sơ bộ, tôi xin được bắt đầu bài giảng đầu tiên như sau.
Tất cả các bộ phim Hàn Quốc hiện đại đều được khởi đầu bởi hai kẻ tội đồ vị thành niên: Hai bạn trẻ đẹp trai, xinh gái như thiên thần dám yêu nhau khi các bà mẹ còn chưa cho phép và cũng chưa hay biết gì.
Thật ra ở châu Âu và Mỹ cũng vậy thôi, đôi khi các ông bố bà mẹ cũng chẳng vui vẻ gì nếu rơi vào trường hợp đó. Nhưng chỉ ở Hàn Quốc, những mối tình vô tội, nhưng "trái phép" kia mới có khả năng khiến các bà mẹ lao vù lên giường (vẫn nguyên trên người bộ quần áo vừa mặc ngoài phố), úp gối lên trán và rền rĩ não nề "Aigoo! Aigoo!"
Thường thì các ông bố hiện đại sẽ đứng về phía con cái vì quan điểm về hôn nhân của họ khác xa với vợ, nhưng chỉ dám công khai khi đối diện với con, còn một khi có sự hiện diện của mẹ thì vẫn phải ra vẻ lắc đầu, tặc lưỡi.
Theo thứ quan điểm "không dám hé ra" của các ông bố, hôn nhân là chuyện riêng của hai người, tình yêu là nền tảng hôn nhân, là con đường dẫn tới cuộc sống tươi đẹp. Nhưng các bà mẹ lại cho rằng hôn nhân là chuyện của cả hai đằng nội ngoại, mỗi cặp vợ chồng chỉ là một tế bào trong cả "liên minh" đồ sộ ấy. Và "điều kiện phù hợp" - tức địa vị xã hội, kinh tế - mới là nền tảng lý tưởng cho mỗi cuộc hôn nhân.
Trong khi đó, các nhà xã hội học, nhân chủng học vẫn đang miệt mài nghiên cứu xem lý thuyết bên nào chuẩn hơn. Nhưng mặc các vị nghiên cứu, những bộ phim Hàn lừng danh nhất vẫn được chế tác dựa trên sự đối chọi của hai quan điểm nước và lửa trên.
Xem thêm: Chuyện trong phủ Tổng thống Hàn Quốc
Tôi xin nói tiếp về cốt truyện trong phim Hàn.
Một bộ phim Hàn hay thường kéo dài từ 50 đến 80 tập, diễn biến chính hình thành từ loạt mưu kế, chiêu trò của các bà mẹ hòng chia cắt hai kẻ dám yêu đương trái lời.
Tướng quân Yi Sun Shin huyền thoại trong sử Hàn, người đánh bại shogun Nhật Bản Hideyoshi bằng đội chiến thuyền Chosun hình con rùa, hẳn được xếp vào hàng những nhà chiến lược quân sự sắc sảo nhất lịch sử loài người. Ấy thế mà danh tướng lịch sử này vẫn sẽ phải toát mồ hôi hột trước những mưu kế thần sầu của các bà mẹ phim Hàn hiện đại hòng đặt dấu chấm hết cho mối tình của hai bạn trẻ.
"Chiến dịch quân sự" mở đầu bằng cuộc hội nghị bàn tròn giữa hai bà mẹ trong một nhà hàng. Nhà hàng này hình như chuyên dành riêng cho những người mẹ đang tức giận, mỗi lần chỉ phục vụ một cặp duy nhất vì theo tôi thấy hễ hai bà gặp nhau thì bên trong không có một ai. Công việc kinh doanh của nhà hàng này hẳn phải ở mức đáng kinh ngạc vì lần nào các bà mẹ cũng chỉ gọi nước lọc hoặc nước ép hay cà phê. Làm thế nào họ trang trải được vốn đầu tư và sinh lời được nhỉ?
Sau khi xong xuôi các thủ tục chọn chỗ, gọi đồ, một bà mẹ sẽ đề-pa bằng một tràng xúc phạm người đối diện, nhắc khéo rằng nhà kia vừa không có điều kiện vừa thuộc hạng xoàng trong xã hội. Người mẹ bị xúc phạm sẽ phản pháo bằng lời tuyên bố không bao giờ để con mình lấy phải một gia đình đã thô thiển lại còn kiêu căng như thế. Đoạn họ đồng ý quan điểm rằng hai nhà sẽ không bao giờ có thể hòa hợp với nhau nếu "chúng nó cưới", thế có nghĩa đôi trẻ phải chia tay nhau bằng mọi giá.
Các mưu kế khác lần lượt xuất hiện trong các phần tiếp.
Người mẹ cùng những bà bạn thân sắp xếp các buổi xem mặt cho con cái. Dù rất ghét phải đến những cuộc hẹn vô nghĩa này, chàng hoặc nàng vẫn phải đi nếu không mẹ mình sẽ bị mất mặt với người ta.
Thi thoảng các bà mẹ còn nấp sau cổng nhà rình bắt hai kẻ tội đồ đang nắm tay nhau trước cửa, tệ hơn là ôm ấp để rồi rồi làm ầm lên.
Khi đã tuyệt vọng vì hết cách, một trong hai bạn trẻ sẽ bị "tống" sang Mỹ du học. Hình như Mỹ là điểm tập kết của những thanh niên Hàn Quốc yêu đương trái lời người lớn. Hiếm có bà mẹ nào nhận thấy mình đang đẩy con vào một mối nguy hiểm khác nghiêm trọng không kém: biết đâu tại Mỹ con mình lại yêu và lấy một ai đó khác, chưa chắc đã là người Hàn thì sao?
Nhưng lắm chiêu nhiều trò đến mấy thì cũng khó lòng rải kín nội dung gần trăm tập phim. Để các tập còn lại được diễn ra, nhà biên kịch phải phát minh ra những tình tiết mới.
Một mô típ phổ biến là sự xuất hiện của một người chú bác vừa đứng ra đảm bảo cho một người "bạn" vay một khoản lớn, về sau hắn mới lộ ra tính vô lại. Gia đình chú khuynh gia bại sản và phải chuyển vào sống cùng gia đình của chàng hoặc nàng. Vô số "xì-trét" được châm ngòi từ đây. Khó khăn tài chính luôn là căn nguyên to lớn cho mọi nỗi căng thẳng trong phim Hàn, thế nên phim nào cũng phải đưa vào bằng được.
Ngoài ra, còn một người dì hoặc vừa ly hôn hoặc có con ngoài giá thú đang đi học Trung học cũng sẽ chuyển vào ở cùng với gia đình nhân vật chính (dĩ nhiên cũng dắt cả con theo, nếu có). Đôi khi đạo diễn sẽ cho người dì bị cuốn vào một mối tình bí mật mà theo nguyên tắc, cả gia đình chắc chắn sẽ phải phản đối kịch liệt. Stress lại chồng chất hơn bao giờ hết.
Phim Hàn và cách xả stress
Và nhờ đó, mọi bộ phim Hàn hay đều có rất nhiều cảnh quay tại bệnh viện sạch bóng với với đội ngũ y bác sĩ đẹp như minh tinh. Người Hàn Quốc có vẻ rất yêu quý bệnh viện, sểnh ra lại chạy ngay tới bệnh viện hễ khi cảm lạnh, nhức đầu, tương tư hay chỉ đơn giản là tại "stress".
Là một nhà kinh tế học, tôi thấy vô cùng kinh ngạc khi thấy bệnh viện ở đây được chuộng đến thế, bởi lẽ tại Hàn Quốc viện phí rất đắt và hầu như không được bảo hiểm y tế nhà nước hỗ trợ. Khái niệm độ co giãn của cầu có vẻ không được đúng lắm trong phim Hàn.
Được cái người ta vẫn có cách tiết kiệm hơn để chống lại stress, đó là ghé vào một tiệm mì ven đường, ăn một bát Ramen và uống thật nhiều rượu Soju. Sáng hôm sau, chỉ cần nhấp một chút trà mật ong là đầu óc lại tỉnh táo như thường cho dù đêm qua "nốc" cực hăng.
Ai giàu hơn thì không uống Soju. Thay vì một tiệm Ramen xập xệ rẻ tiền, họ sẽ bước chân vào quán bar sang trọng. Và một lần nữa, họ lại là khách hàng duy nhất của bar đêm nay. Họ sẽ uống scotch hoặc cognac đắt tiền, không phải bằng ly mà là bằng chai. Tương tự, sáng hôm sau chỉ cần một chút trà mật ong là lại tỉnh như sáo.
Nhưng cách rẻ nhất để đối phó với stress là lái xe tới một bờ sông hay bãi biển và lặng nhìn mặt nước hàng giờ. Cảnh này trong phim Hàn xuất hiện nhiều không kể xiết. May mà Hàn Quốc có kha khá đủ bờ sông, bờ biển để chứa hết toàn bộ dân số Hàn nếu chẳng may họ bị stress cùng một lúc. Theo lý của phim Hàn thì chuyện này dễ xảy ra lắm chứ!
Ấn tượng chung nhất trong tôi khi xem phim Hàn là hình ảnh của một xứ sở, nam thì tuấn tú như hoàng tử, nữ thì diễm lệ như công chúa. Phụ nữ Hàn đẹp đến mức sau khi bác sĩ phẫu thuật đắp lên khuôn mặt Á châu của họ một cái mũi cao thẳng và mí mắt kiểu người Tây, trông họ vẫn đẹp lạ lùng.
Có lẽ do học hành quá chăm tại các lò luyện thi, người Hàn cực kỳ thông minh và cần cù. Dường như họ có thể sống được trong những ngôi nhà đẹp, nhưng nội thất như cùng đúc từ một khuôn và cách bài trí y sì như nhau. Bên trong nhà nào cũng thấy có một chiếc ghế lớn dành cho người có địa vị cao nhất gia đình hễ khi cần.
Sinh sống ở một vùng đất trù phú, đẹp tươi là vậy, mà người Hàn Quốc trong phim chỉ toàn dành cả ngày lẫn đêm để hành hạ người khác và bắt ông trời phải nghe hàng triệu câu "aigoo" mỗi ngày. Đáng tiếc làm sao!
Lãng mạn trong phim Hàn
Nhưng chúng ta vẫn có thể phấn khởi vì lãng mạn vẫn còn tồn tại ở xứ sở này. Phải mất vài năm cho ánh mắt liếc nhìn kín đáo ở trường trung học hay đại học trước khi một trong hai người có đủ dũng khí để run rẩy thốt lên: "Tớ thích cậu". Mất vài tháng, có khi vài năm để một trong hai người dám nắm tay người kia. Và mất tiêu thêm vài tháng nữa để có cái ôm đầu tiên cùng lời tỏ tình "Anh/em yêu em/anh". Một nụ hôn trộm đặt vội lên má cũng đã là niềm hạnh phúc thuần khiết!
Lãng mạn có đủ sức mạnh để áp đảo những bà mẹ hiếu chiến, khiến họ phải bất đắc dĩ đến dự lễ cưới của hai bạn trẻ trong không khí ấm cúng hiếm hoi mà vô số người đang kỳ vọng được nhìn thấy giữa hai bàn tay của hai nhà đàm phán Hàn Quốc - Bắc Triều Tiên.
Cuối cùng, sau 80 tập phim, đôi trẻ sẽ đến đảo Cheju, điểm đến của mọi cuộc trăng mật tại Hàn Quốc. Nhưng sau khi trở về từ hòn đảo thiên đường, cô dâu mới sẽ phải về ở chung với bố mẹ chồng và nhanh chóng vấp ngã trước những quy luật cổ điển nhất ở Hàn Quốc, như:
Không một cô con dâu nào có thể muối kimchi, nấu cơm, làm cá khéo bằng mẹ chồng.
Theo ý nghĩa của quy luật này, sau một thiên niên kỷ truyền từ đời này sang đời khác, kimchi Hàn Quốc chắc phải dở đi gấp mười lần.
Bởi theo như tôi thấy, kimchi Hàn Quốc ngày nay vẫn ngon đến nỗi ngay cả món kimchi dở nhất cũng thường xuyên hạ gục cả món dưa cải Đức trong Cúp Dưa Cải Thế Giới. Bằng phép ngoại suy tuyến tính ngược trở lại, ai cũng có thể hình dung ra kimchi thời xưa ngon đến thế nào. Sử viết, chiến binh nổi tiếng xứ Cao Ly Dae Jo-Yeong (năm 700 trước CN) thường nhai nhóp nhép món kimchi khoái khẩu trên con đường tây chinh đi chiến đấu với quân đội của hoàng đế Võ Tắc Thiên. Ngon thế cơ mà!
Bài giảng đầu tiên kết thúc ở đây.
Thùy An