MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bi kịch tiêu dùng của người Việt: "Sinh con... mới sinh cha"

13-05-2013 - 11:17 AM |

Để bắt kịp cuộc sống hiện đại, nhiều phương thức tiêu dùng mới ra đời. Tuy nhiên, người Việt vẫn giữ thói quen tiêu dùng cũ.

Thẻ mua xăng dầu bị lãng quên

Còn nhớ, cách đây 4 năm, thẻ mua xăng dầu ra đời nhằm thuận tiện hóa phương thức thanh toán của người tiêu dùng. Thẻ này còn được gọi là thẻ thanh toán đa năng, là sản phẩm của các doanh nghiệp xăng dầu liên kết với các ngân hàng để người tiêu dùng có thể thanh toán mua xăng dầu thay cho tiền mặt. Hiện, trên thị trường, hai doanh nghiệp là Petrolimex và PV Oil liên kết với các ngân hàng để tung ra thẻ mua xăng dầu. 

Thẻ này được xem là giải pháp nhằm giảm lưu thông tiền mặt trên thị trường và là cơ sở để triển khai hệ thống các cây xăng tự động trên toàn quốc.

Thẻ có hai chức năng chính là trả trước và ghi nợ. Khách hàng nạp tiền vào thẻ để mua xăng dầu hoặc thực hiện các giao dịch khác như: vấn tin kiểm tra tài khoản, chuyển khoản, rút tiền... tại các cây ATM của các ngân hàng mà doanh nghiệp xăng dầu liên kết.

Theo Petrolimex, đơn vị phát hành thẻ mua xăng dầu Flexicard, thẻ này giúp người tiêu dùng kiểm soát chi tiêu, giảm thời gian chờ thanh toán và tránh được những nhầm lẫn, mất mát khi mua xăng dầu... Ngoài ra, khách hàng còn được cộng điểm tích lũy sau mỗi lần thanh toán bằng thẻ và được hoàn lại 6-7,5% phí mua xăng dầu khi số tiền thanh toán qua thẻ trị giá từ 300.000 trở lên.

Những tiện ích mà thẻ mua xăng dầu mang lại là rất lớn nhưng tại sao người tiêu dùng vẫn thờ ơ, quay lưng với nó. Theo một số người tiêu dùng, chính những yếu điểm từ hệ thống thẻ khiến họ buộc phải dùng tiền mặt thay cho thanh toán bằng thẻ. Cụ thể, một số khách hàng kêu ca, họ không được ưu tiên khi mua xăng dầu mà vẫn phải xếp hàng sau những người thanh toán bằng tiền mặt. Đội ngũ nhân viên không được đào tạo bài bản về thanh toán bằng thẻ, dẫn đến lúng túng trong khâu quẹt thẻ cho khách hàng. Hệ thống quẹt thẻ rất hay bị lỗi khiến người tiêu dùng khó chịu khi thanh toán. Đó là chưa kể thẻ xăng chỉ thích hợp sử dụng tại những thành phố lớn, về tỉnh lẻ, đa phần là cây xăng tư nhân đều không có hệ thống quẹt thẻ.

Từng ấy lí do, bất cập của thẻ xăng dầu khiến cho người tiêu dùng khó có thể bỏ thói quen thanh toán bằng tiền mặt của mình. "Nhìn chung phần lớn người sử dụng thẻ xăng dầu là cán bộ công nhân viên trong ngành, còn người tiêu dùng lẻ thì rất ít", cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu số 31 của Petrolimex cho biết.

Xăng sinh học vừa thí điểm đã "chết trôi"

Cũng trong lĩnh vực mua bán xăng dầu, trước đây, xăng sinh học được thí điểm bán ngoài thị trường cũng không mấy thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.

 
Xăng dầu sinh học là hỗn hợp pha trộn giữa xăng dầu thông thường với ethanol theo tỉ lệ 5% ethanol sẽ ra sản phẩm E5, 10% ra sản phẩm E10 và 25% ra sản phẩm E25. Tại Việt Nam, động cơ xe có thể sử dụng được đến sản phẩm E10. Với các tỉ lệ cao hơn cần có sự can thiệp vào động cơ xe.

Theo lộ trình, từ ngày 1/12/2014, xăng sinh học E5 được sử dụng cho phương tiện đường bộ trên 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ ngày 1/12/2015, loại nhiên liệu sinh học này sẽ sử dụng trên toàn quốc. Lộ trình tương tự cho xăng E10 lần lượt là 1/12/2016 và 1/12/2017.

Từ tháng 8/2010 loại xăng sinh học E5 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã được đưa ra bán tại một số tỉnh thành, cho đến nay đã có 3 doanh nghiệp đầu mối bán loại xăng này gồm PV Oil, Petec và Saigon Petro. 

Tuy nhiên, hiện tại việc sử dụng xăng E5 còn khá xa lạ với người tiêu dùng, nhiều người còn không biết xăng E5 là gì, có lợi như thế nào và tại sao phải hướng đến sử dụng sản phẩm này, trong khi mọi người đã quen với việc dùng xăng A92, A95.

Theo một lãnh đạo Petec, một đơn vị phân phối và bán xăng sinh học, số đông người tiêu dùng còn nhầm lẫn xăng sinh học E5 với methanol khi có hiện tượng cháy xe nên người dân mang tâm lý lo ngại khi mua xăng này. Ngoài ra, loại xăng này không nên sử dụng cho các loại xe có động cơ chạy bằng xăng đời cũ hoặc xe đã thay thế phụ tùng không chính hãng. Với độ ẩm cao của Việt Nam, xăng rất dễ hấp thụ nước trong không khí, có thể gây ra hiện tượng phân lớp trong xăng, làm xăng giảm chất lượng, gây hỏng hóc động cơ, khiến người tiêu dùng càng e dè.

Hơn nữa, mạng lưới phân phối còn lẻ tẻ, chưa thuận tiện là một trong những lý do khiến nhiều khách hàng ngần ngại đổ xăng E5. Giá của loại xăng này hiện chỉ rẻ hơn xăng thường không đáng kể là 100 đồng/lít nên cũng chưa đủ sức khuyến khích người dân thay đổi thói quen tiêu dùng. Và dù biết xăng E5 tốt cho môi trường, nhưng đa số khách hàng cho biết, họ chưa có nhiều thông tin về loại xăng mới này nên vẫn đổ các loại xăng truyền thống. Đây là các vấn đề không nhỏ cho mục tiêu phổ biến xăng E5 trên cả nước trong thời gian tới.   

Đến tiền xu cũng phải "thúc thủ"

Không chỉ trong việc mua bán xăng dầu, người dân vẫn giữ những thói quen mua bán cũ, mà trong cả lĩnh vực tiền tệ, người tiêu dùng vẫn trung thành với thói quen tiêu tiền đồng của mình. Điều này, được minh chứng bằng việc, tiền xu ra đời và nó không được sử dụng rộng rãi trong dân. 

Sau hơn 5 năm sử dụng, tiền xu dần bị từ chối lưu thông. Cho đến nay, tiền xu thực sự đã bị người dân chối bỏ...

Theo khẳng định của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước lúc bấy giờ, việc phát hành tiền kim loại mệnh giá 500 đồng và 2.000 đồng nhằm mục đích tiếp tục hoàn thiện cơ cấu mệnh giá các đồng tiền kim loại trong lưu thông phù hợp với yêu cầu lưu thông tiền tệ. Tuy nhiên, đến nay, số lượng tiền xu có mặt trên thị trường, tại các điểm giao dịch mua bán gần như vắng bóng.

Một số doanh nghiệp như Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT), Bưu điện Sài Gòn và 3 doanh nghiệp nước ngoài đã lắp đặt điện thoại sử dụng tiền xu, máy bán hàng tự động, nhưng người dân đều không mấy tin dùng loại tiền này.

Khi người dân sử dụng tiền xu để thanh toán, có rất nhiều những điểm mua bán từ chối thanh toán bằng tiền xu, ngay cả những người buôn bán nhỏ lẻ cũng không mặn mà với loại tiền này.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thói quen chi tiêu của người dân vẫn là những đồng tiền giấy gọn nhẹ, tiền kim loại cồng kềnh, hình thức, chất lượng cũng chưa thỏa mãn mong đợi của người tiêu dùng là những hạn chế khiến tiền xu bị từ chối trong lưu thông.

Ông Vũ Vĩnh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Việt Nam nhận định: Khi phát hành song song đồng tiền xu với việc đồng thời lưu hành tiền giấy có mệnh giá nhỏ là điều bất hợp lý. Tiền giấy lẻ quá sẵn thì tiền xu trở thành yếu thế trong thanh toán là lẽ dễ hiểu, cho nên người tiêu dùng chẳng cần giữ tiền xu cho nặng túi. Hơn nữa, thời buổi lạm phát, chẳng ai muốn xài tiền xu vì mệnh giá quá nhỏ. Đó là lý do đó khiến cho việc phát hành tiền xu thất bại. 

Ông Phú quả quyết: “Phải mất 50-70 năm nữa, Việt Nam mới theo kịp các nước trong việc thanh toán tiền tự động và phát huy tính tiện ích tối đa của đồng tiền xu”.

Như vậy, với những phân tích trên, có thể thấy tại sao người dân khó có thể thay đổi thói quen tiêu dùng của mình. Người dân đang rất cố gắng thay đổi hình thức mua bán, tiêu dùng để bắt kịp với nhịp sống hiện đại nhưng những hạn chế trong hệ thống thanh toán, trong phương thức tiêu dùng chính là những hạn chế cản trở họ.

Như ông Vũ Vĩnh Phú nói, chúng ta đang làm ngược, không theo quy luật tiêu dùng "sinh con rồi mới sinh cha". Cụ thể, sinh ra thẻ thanh toán xăng dầu mà hệ thống thanh toán lại gặp lỗi kỹ thuật thì người tiêu dùng sẽ "nản". Khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng sinh học nhưng giá thành lại cao và không thuận tiện thì người dân khó mà tin dùng. Sinh ra tiền xu làm gì khi các dịch vụ dịch vụ công cộng, thanh toán tiền tự động không có...

thuyntt

Theo Kiến thức

Trở lên trên