MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chi phí không chính thức trong DN: Gánh nặng tự sinh

16-09-2012 - 17:57 PM |

Hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều nhận thấy được họ vừa là nạn nhân vừa là tác nhân gây ra tham nhũng.

Kết quả khảo sát của Dự án sáng kiến xây dựng tính nhất quán và minh bạch trong quan hệ kinh doanh tại VN (ITBI) do VCCI thực hiện mới đây cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều nhận thấy được họ vừa là nạn nhân vừa là tác nhân gây ra tham nhũng trong mối quan hệ giữa khu vực DN với khu vực công. Điều đáng nói là dường như tình trạng này vẫn tồn tại song song cùng với sự phát triển của DN?

Theo các chuyên gia, hiện nay quy mô, tham nhũng xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan đến DN. Trong khi đó, nhiều DN lại chưa nhận diện được tham nhũng trong chính nội bộ DN của mình.

Vay vốn cũng phải... lại quả

Có tới 16,75% số DN được hỏi cho biết, khi tiếp cận nguồn vốn họ sử dụng dịch vụ tư vấn vay vốn hoặc trung gian môi giới

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh - kinh tế trưởng - chuyên gia nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu Chính sách và phát triển, hình thức phổ biến nhất của tham nhũng trong quan hệ DN - cơ quan nhà nước được ghi nhận là hối lộ đưa “phong bì” cho các cán bộ nhà nước, trước hay sau, cho dù để cảm ơn hay để “trả giá” cho việc cán bộ nhà nước giải quyết cho DN. Hình thức này khá phổ biến và xem như thông lệ được chấp nhận trong kinh doanh ở VN.

Gần đây, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tiếp cận nguồn vốn được xem là sự sống - còn của DN, đây chính là cơ hội để “phí bôi trơn” có cơ hội hoạt động. Mặc dù, Chính phủ đã triển khai một số chương trình hỗ trợ DN vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, nhưng chỉ có 30,6% số DN được khảo sát cho biết là có tiếp cận được nguồn vốn này.

Song điều đáng nói là có tới 39,9% số DN đồng ý và 7,8% số DN hoàn toàn đồng ý là phải có chi phí “bồi dưỡng” cho cán bộ tín dụng thì mới tiếp cận được vốn. Đồng thời 49 % số DN được hỏi đồng ý rằng phải có mối quan hệ với ngân hàng hoặc cán bộ tín dụng thì mới được việc.

Điều hiển nhiên là làm ăn thì đồng vốn là đặc biệt quan trọng, nhất là với các DN thuộc lĩnh vực dịch vụ và thương mại. Vì thế, đa số các DN đều thừa nhận họ đã có “lại quả” cho ngân hàng (NH). Một DN đã “tự thú” tại cuộc thảo luận nhóm tại TP HCM: “Thường khi vay vốn cũng phải “lại quả” cho bên ngân hàng. Để họ ưu tiên cho mình, thì bắt buộc phải trả một khoản phí. Nhưng bản thân mình phải lobby cho cán bộ thẩm định, cán bộ lo tư vấn hồ sơ cho mình, và nhiều khi theo quy trình, họ nói phải trả phần trăm này phần trăm kia...”.

Có tới 16,75% số DN được hỏi cho biết, khi tiếp cận nguồn vốn họ sử dụng dịch vụ tư vấn vay vốn hoặc trung gian môi giới. Đây chưa gọi là tham nhũng, song cũng khiến DN mất một khoản phí không nhỏ - bình quân là 2,8% tổng vốn được vay. Cá biệt chi phí này có thể đến 10%.

Về các khoản vốn vay từ các khoản hỗ trợ của nhà nước, có tới 63,1% số người được hỏi cho rằng thủ tục rất phức tạp, 68,6% cho là rất mất thời gian, 47,6% cho rằng cần có “bồi dưỡng” và 60,6% cho là phải có mối quan hệ với NH hoặc cán bộ tín dụng.

Một số DN được phỏng vấn cho rằng DN vừa và nhỏ, hoạt động nghiêm chỉnh có nhu cầu thật sự cũng không thể tiếp cận vì chi phí bỏ ra quá cao, vượt xa khả năng đáp ứng của DN.

Bên cạnh đó, trong quan hệ DN - DN, hình thức tham nhũng phổ biến là tiền từ việc “lại quả” theo giá trị hợp đồng. Hình thức này cũng được ghi nhận nhiều như một thông lệ trong giao dịch, làm ăn, để giữ mối quan hệ hay thúc đẩy các hoạt động khác như thanh toán, giao nhận hàng hóa, dịch vụ…

Lãnh đạo một DN XK ở Hải Phòng đã cho biết: “Trước đây không có điều kiện để tham nhũng. Mọi cái được bao cấp, nếu có chỉ là móc ngoặc. Giờ tham nhũng muôn hình vạn trạng, tham nhũng thành cả một hệ thống. Ví dụ nhập một lô hàng, giám đốc được bao nhiêu, kế toán, thủ kho… phải tính chi phí cho cả một hệ thống. Đấy là trong DN với nhau. Tuy chúng tôi làm chặt chẽ nhưng cũng phải thỏa hiệp để mình được còn hơn là không làm được gì. Đôi khi cũng phải “cắn răng” một tí đề còn làm được một chút còn hơn không. Điều hành một bộ máy công việc nhiều vấn đề tế nhị, thấp có tham vọng của thấp, cao có tham vọng của cao...”.

DN - nạn nhân hay tác nhân?

Câu hỏi này đã được giải đáp phần nào khi có tới 49,5% DN đồng ý với quan điểm “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” nhất là trong quan hệ với cơ quan nhà nước, 56% DN đồng tình với quan điểm “việc các DN gửi quà, phong bì bày tỏ lòng cảm ơn với cán bộ nhà nước là thông lệ chung”. Với những kết quả trên, có thể khẳng định DN vừa là nạn nhân nhưng cũng là tác nhân gây nên tình trạng tham nhũng.

Mức độ giải quyết công việc có chi trả chi phí không chính thức (%)
Thực tế, “phí bôi trơn” đang là một trở ngại cho sự phát triển của DN, và đó là một gánh nặng không nhỏ cho DN. Nhưng nếu xét cho cùng thì cái gánh nặng đó không ai khác mà chính là do DN đã tự đặt lên vai mình (65,4% số DN đồng ý với nhận định này – theo kết quả nghiên cứu). Nhưng nếu nhìn vào thực tế thì những gánh nặng này lại được DN vui vẻ chấp nhận và coi đó là “phí bôi trơn” để được việc, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi các DN đang khó khăn. Bởi nếu được tiếp cận vốn, đất đai hay đơn giản hoá các thủ tục hành chính khác thì dù có khắc nghiệt, hay phải “lại quả” thì DN vẫn chấp nhận, cốt sao được việc của mình. Đó là một thực tế!

Các chuyên gia nhận định, hiện DN luôn mang sẵn tâm lý "phong bì" trong mọi hành vi, cứ gặp khó khăn khi làm việc với cơ quan công quyền là sẵn sàng làm việc này, thậm chí có khi họ đưa tiền mà không biết mình đưa vì lý do gì. 

Tình trạng này tồn tại một phần là do năng lực của chính DN còn hạn chế. Họ không nắm vững quy định về các văn bản pháp quy, không nhận biết được các hành vi tiếp tay cho tham nhũng. Trong khi việc lẽ ra phải làm là cần nắm chắc các quy định, văn bản pháp quy, các yêu cầu về thủ tục cần có mà mình phải tuân thủ khi đề nghị cấp phép hay thực hiện một thủ tục nào đó. Nếu chủ động trong việc này thì cơ quan công quyền sẽ phải làm theo đúng quy trình và DN không phải mất thêm chi phí.

Giảm “nguồn cung” từ DN

Theo nhóm nghiên cứu ITBI, nguyên nhân chủ yếu của tham nhũng là những sai lầm trong nhận thức và văn hóa DN, chẳng hạn cho rằng tham nhũng là tập quán và không đúng khi “thể hiện sự biết ơn”. Không hiểu các quy định và thể thức khi làm việc với các cơ quan nhà nước, không có các quy định và chính sách đối với việc chống tham nhũng, đưa và nhận quà, các nguyên tắc thay đổi vị trí công việc... Trong khi đó, cũng còn một lý do khách quan khác đến từ phía cơ quan công quyền là trình độ năng lực chuyên môn và đạo đức thấp; Hệ thống pháp lý yếu kém với nhiều hạn chế; Thiếu việc thực thi pháp luật một cách nghiêm minh và rõ ràng...

Có thể thấy, tham nhũng là một hiện tượng toàn cầu, xảy ra ở mọi quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển. Chính vì vậy, để giảm thiểu tình trạng tham nhũng trong DN hiện nay, thiết nghĩ các bộ, ngành và DN cần tiếp tục thực hiện các chiến lược và cam kết quốc tế, quốc gia... về phòng chống tham nhũng (PCTN). Nâng cao nhận thức của DN và đưa ra các hướng dẫn hỗ trợ cho DN, học hỏi, áp dụng từ các DN, chương trình điển hình tích cực. 

Và để giảm thiểu vai trò của DN với tư cách là tác nhân của tham nhũng không có cách nào khác là phải tăng cường minh bạch về thông tin và các quy định của pháp luật, cung cấp đầy đủ thông tin, quy định pháp luật cho DN; Đào tạo, nâng cao nhận thức DN về phòng chống tham nhũng, xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh, quản trị DN...

Đặc biệt, trong bối cảnh tiếp cận nguồn vốn khó khăn như hiện nay, cần hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng rõ ràng, minh bạch, nhất là về tỉ lệ phí dịch vụ, hoặc công khai thu nhập, quản lý nguồn thu nhập của những cán bộ có vai trò quyết định cho vay vốn, những người “cầm cân nảy mực” thì mới mong giảm thiểu được “nguồn cung” của tham nhũng.

Dự án ITBI đã nhận định, các DN phải có những bộ quy tắc ứng xử kiên quyết trong việc tặng quà biếu, tiếp khách, tổ chức tham quan nước ngoài để chống tham nhũng trá hình.

Ông Trần Đức Lượng - Phó Tổng thanh tra Chính phủ:
DN cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng

Không chỉ các cơ quan nhà nước mà chính các DN cũng cần phải chủ động thực hiện các biện pháp PCTN như tích cực tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN cho đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động trong DN.Xây dựng và thực hiện những quy tắc ứng xử phù hợp trong hoạt động kinh doanh, kiên quyết không thực hiện hành vi đưa hối lộ dưới mọi hình thức để giành lợi thế trong kinh doanh hoặc trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.

Mặt khác, các DN cũng phải chú trọng thực hiện công khai, minh bạch trong nội bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đủ mạnh, hoạt động tích cực, hiệu quả. Để giảm thiểu tác động của tham nhũng và vượt qua những thách thức, Đảng và nhà nước ta luôn thể hiện quyết tâm chính trị cao trong PCTN, đã xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách vừa lâu dài, phải thực hiện đồng bộ, kiên quyết, kiên trì với bước đi vững chắc.

Công tác PCTN chỉ có thể thành công khi phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị với sự đồng hành của toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của cộng đồng các DN, hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững VCCI:
DN cần Chủ động giảm nguồn “cung”

Đây là dự án phòng chống tham nhũng trong DN dựa trên “bối cảnh” là mối quan hệ DN - cơ quan công quyền. Trong đó, DN được coi như bên “cung” (đưa hối lộ) còn cơ quan công quyền như bên “cầu” (bên có điều kiện để nhận hối lộ).

Công việc chúng ta cần làm là phải chủ động giảm nguồn cung. Từ đó sẽ nâng cao năng lực cho DN giúp họ nhận biết được các hành vi làm gia tăng tham nhũng. Khi đã nhận biết thì họ sẽ thay đổi. Từ chỗ đưa hối lộ thì DN sẽ giảm bớt dần việc này. Đồng thời DN cũng sẽ chủ động đưa ra kế hoạch, chương trình hành động, bộ quy tắc ứng xử phòng chống tham nhũng trong DN.

Ông Conrad Ferdinand Zellmann -Phó Giám đốc, Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT):
Cần áp dụng các thông lệ tốt trên thế giới

Hiện nay trên thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển, việc hối lộ giữa khu vực tư với nhau cũng phổ biến như hối lộ giữa khu vực tư với khu vực công. Trong đó, lĩnh vực xây dựng và công trình công cộng được xem là những lĩnh vực có vấn đề nhất.

Còn tại VN, các DN VN đã cảm nhận rõ được tác động tiêu cực của tham nhũng đối với sự phát triển của DN.Tuy nhiên, nhận thức và hiểu biết của DN về Luật PCTN và các quy định còn khá yếu. Mặc dù DN đã ý thức được vai trò của mình nhưng dường như vẫn tiếp tay cho các khoản thanh toán không chính thức.

Tôi cho rằng, văn hóa DN đóng một vai trò lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho tham nhũng, phần lớn các DN chưa có chính sách về PCTN tại đơn vị. Vì vậy,VN cần nâng cao nhận thức của DN và đưa ra các hướng dẫn hỗ trợ cho DN, tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa tính liêm chính trong DN; khuyến khích hành động tập thể và đối thoại giữa chính phủ với DN (trong một số ngành, trong đấu thầu mua sắm). Cần áp dụng các thông lệ tốt trên thế giới (bộ nguyên tắc tự nguyện, tuân thủ) cũng nh ư khắc phục những lỗ hổng trong quy đinh pháp luật.


Theo DĐDN

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên