MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có sao không nếu bạn là một ông sếp hiền lành, rụt rè, bẽn lẽn?

04-09-2014 - 14:16 PM |

Liệu có phải các nhà lãnh đạo đều vĩ đại, “siêu nhân” như mọi người vẫn mô tả không? Liệu bạn có cần phải trở thành một nhà diễn thuyết tài ba đầy lôi cuốn khi trở thành lãnh đạo?

Khi được hỏi về nguyên nhân chủ yếu cho thành công của một công ty, nhiều nhà quản lý và sinh viên thường bị ấn tượng bởi những tên tuổi “vĩ đại”. Họ cho rằng các công ty leo lên vị trí thống lĩnh nhờ vào những tên tuổi xuất chúng như Sam Walton (Walmart), William Procter và James Gamble (P&G), William Boeing ,Walt Disney, Marriot,… 

Những nhà lãnh đạo xuất chúng này được mô tả như biểu tượng của sự quyết tâm cao độ, vượt qua mội trở ngại trong kinh doanh, thu hút nhân tài về công ty. Đặc biệt, họ phải có tài diễn thuyết lôi kéo khiến nhân viên bị mê hoặc cùng hướng tới mục tiêu chung, dẫn dắt công ty vượt qua những thời khắc sống còn trong lịch sử.

Điều đó có đúng không? Liệu có phải các nhà lãnh đạo đều vĩ đại, “siêu nhân” như mọi người vẫn mô tả không?  Liệu bạn có cần phải trở thành một nhà diễn thuyết tài ba đầy lôi cuốn khi trở thành lãnh đạo không?

Thực tế kiểm nghiệm cho thấy nhiều nhà lãnh đạo của các công ty hàng đầu trong lịch sử không phải là “người của quần chúng” như bạn nghĩ.

Masaru Ibuka, nhà sáng lập Sony cũng là một người kín đáo và hay suy nghĩ. Hai nhà sáng lập của P&G thì được miêu tả là cứng nhắc, nghiêm nghị, đúng mực, kín đáo, thậm chí kín đáo đến mức lặng lẽ.

Bill Allen – một trong những CEO nổi tiếng nhất trong lịch sử Boeing, vốn là luật sư, có vẻ bề ngoài hiền lành, hơi rụt rè, bẽn lẽn, với những nụ cười không thường xuyên trên môi.

Bill Allen (trái) là nhà lãnh đạo điển hình có phong cách hướng nội

Hay bạn có biết William McKnight là ai không? Ông không có tên trong danh sách những doanh nhân nổi tiếng mà tạp chí Fortune bình chọn, cũng không có tên trong cuốn sách nổi tiếng về lịch sử các công ty. Thế nhưng, ông lại là lãnh đạo một trong những công ty nổi tiếng nhất lịch sử nước Mỹ: Công ty 3M. Thậm chí, ông còn là lãnh đạo trong suốt 52 năm, từ năm 1914 đến 1956, trải qua các cương vị từ giám đốc, CEO đến Chủ tịch.

Ngay cả trong những cuốn tiểu sử của 3M, cũng chỉ có 1 đoạn duy nhất nói đến tính cách của McKnight: Ông là một người mềm mỏng, nhẹ nhàng. Còn trong cuốn sách về tiểu sử của mình, ông được mô tả là một người biết lắng nghe, khiêm tốn, hơi quá khiêm nhường, ăn nói nhẹ nhàng, lặng lẽ, suy tư và nghiêm túc.

Nghe có vẻ không giống với những gì chúng ta thường tưởng tượng về một lãnh đạo tài ba. Không có những câu nói bất hủ, không có những tuyên ngôn “sẽ làm thay đổi cả thế giới”, không có những lời truyền cảm hứng đầy lôi cuốn. Mặc dù vậy, 3M vẫn nổi tiếng nhất nhì nước Mỹ, chỉ có McKnight thì không ai biết tới. Câu trả lời ở đây chỉ có thể là vì ông ấy không muốn thế.

Trường hợp của McKnight hay Bill Allen cho thấy những nhà lãnh đạo hướng nội không phải là cá biệt. Quan trọng hơn, họ không cố gắng để tạo ra một phong cách lôi cuốn mà đặt ra một câu hỏi: “Nếu tôi không có được phong cách như thế thì sao?”.

Thật thú vị khi những nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất trong lịch sử lại thắc mắc rằng có vấn đề gì khi họ không giỏi diễn thuyết hay lôi cuốn. Nó cho thấy, bạn chằng cần phải có phong cách như vậy để trở thành một lãnh đạo xuất sắc. 

Tất nhiên, không ai nói một phong cách lôi cuốn nhân viên là có hại. Đó chỉ đơn giản không phải là điều kiện bắt buộc. Hãy nghĩ rằng những yếu tố tạo nên sự lôi cuốn, khả năng diễn thuyết trước đám đông thuộc về di truyền, và không phải ai cũng có thể xuất sắc trong lĩnh vực này. 

Chúng ta cũng không phủ nhận vai trò của những nhà lãnh đạo trong những thời khắc sống còn của công ty. Và cũng không có công ty nào cứ mãi thành công với một nhà lãnh đạo thường thường bậc trung được. Tuy nhiên, sự xuất sắc cần được kế thừa, nếu không, nó có thể sẽ gây hại cho cả công ty. Thực tế rất nhiều công ty có những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn, như William Colgate hay Charles Pfizer. Họ lèo lái công ty đến thành công, nhưng các công ty này lại không thể duy trì được thành công đó và thường sa sút sau khi nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn qua đời. Một số, như trường hợp của Colgate hay Colombia Pictures, còn đánh mất thương hiệu vào tay người khác.

>> Những công ty vĩ đại đôi khi lại sinh ra từ những ý tưởng vô vị

Jim Collins - "Xây dựng để trường tồn"

dungtq

Infonet

Trở lên trên