Bradley Smith là một doanh nhân giỏi dưới mọi góc độ. Anh là CEO của công ty dịch vụ tài chính Rescue One Financial, trụ sở tại California, doanh thu gần 32 triệu USD trong năm ngoái.
Công ty của Smith tăng trưởng 1.400% trong 3 năm qua, lọt vị trí 310 trong top 500 công ty tăng trưởng nhanh nhất do tạp chí Inc.bình chọn. Nên bạn khó có thể tưởng tượng chỉ 5 năm trước đây, Smith đã đứng trên bờ vực phá sản, cả về tài chính lẫn tinh thần.
Ngược lại trở về năm 2008, Smith vẫn làm thêm giờ để tư vấn cho các khách hàng lo sợ trong núi nợ. Nhưng vẻ ngoài bình thản đang che giấu cơn bão lòng trong anh: Anh cũng có chung nỗi sợ hãi của họ.
Cũng như khách hàng, Smith đang chìm ngày càng sâu trong nợ nần, dưới cương vị là một CEO của công ty tư vấn nợ.
“Tôi nghe khách hàng kể về việc họ buồn thảm ra sao, mất phương hướng thế nào, nhưng trong đầu tôi thầm nghĩ: ‘Tôi còn đang nợ nhiều gấp đôi ông đây’”, Smith kể lại.
Anh tiêu hết khoản tiết kiệm 60.000USD, tiêu cả số hưu. Thậm chí anh phải bán cả chiếc đồng hồ Rolex anh mua bằng tháng lương đầu tiên trong đời, hồi anh làm môi giới chứng khoán.
Tiếp đó, anh phải nhờ cậy tới cả cha mình – người nuôi dạy anh với những triết lý như “tiền không tự mọc trên cây” hay “đừng bao giờ làm ăn với gia đình” – bằng cách hỏi vay 10.000USD, với lãi suất 5% sau khi ký vào một tờ giấy hẹn.
Trên công ty, Smith thể hiện sự lạc quan với người đồng sáng lập và 10 nhân viên của mình, nhưng thực sự tâm can anh đang run rẩy.
“Tôi và vợ uống một chai rượu giá 5USD cho bữa tối, và chỉ ngồi đó nhìn nhau”, Smith nhớ lại. “Chúng tôi biết mình đang đứng trên bờ vực”.
Sau đó, áp lực càng tăng lên khi vợ anh mang thai đứa con đầu lòng.
“Tôi thức trắng nhiều đêm, chỉ nhìn lên trần nhà”, Smith kể. “Tôi bật dậy vào lúc 4 giờ sáng, đầu óc quay cuồng, nghĩ về thứ này rồi thứ kia mà không dừng lại được, tự hỏi ‘Bao giờ gió mới đổi chiều’”.
Sau 8 tháng lo lắng triền miên, cuối cùng công ty của Smith lại kiếm được tiền.
Trong xã hội hiện tại, các doanh nhân thành đạt được xem như những anh hùng. Chúng ta tung hô những Mark Zuckerbergs và Elon Musks.
Nhưng rất nhiều trong số những doanh nhân đó, như Smith, cất giấu nhiều bí mật thương đau trong lòng: Trước khi họ thành đạt, họ đã phải trải qua những giây phút gần như sụp đổ, tuyệt vọng, khoảng khắc dường như mọi thứ sẽ tan tành.
Không lâu về trước, việc thừa nhận những cảm xúc đó dường như là điều tối kỵ.
Thay vì thể hiện sự yếu đuối, các lãnh đạo doanh nghiệp phải thể hiện một phong thái mà các nhà tâm lý học xã hội gọi là “quản lý sự ấn tượng” – còn được hiểu như giả vờ thành công cho đến khi bạn thành công thật sự ("fake it till you make it.").
Toby Thomas, CEO của EnSite Solutions – công ty đứng thứ 188 trong top Inc. 500, giải thích hiện tượng này với một so sánh ưa thích: Người đàn ông cưỡi sư tử.
“Mọi người trầm trồ nhìn vào và nghĩ: ‘Anh chàng này vẫn bình tĩnh! Dũng cảm thật!'. Người đàn ông thì nghĩ: ‘Thế quái nào mình lại trèo lên lưng con sư tử này, làm thế nào để không bị nó ăn thịt bây giờ?”, Thomas nói.
Không phải người nào cũng vượt qua được giai đoạn tăm tối này.
Vào tháng Một, sáng lập gia nổi tiếng của trang web thương mại điện tử Ecomom - Jody Sherman, 47 tuổi – tự tử.
Cái chết của ông đã làm rúng động cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp.
Nó cũng thổi bùng lên một cuộc tranh luận về thương trường và sức khỏe về mặt tinh thần của doanh nhân, vốn đã nhen nhóm khi Ilya Zhitomirskiy, 22 tuổi – sáng lập gia của mạng xã hội Diaspora tự tử trước đó hai năm.
Về sau này, ngày càng nhiều doanh nhân lên tiếng kể về giai đoạn vật lộn tinh thần trong cuộc chiến chống lại một tư tưởng cố hữu trong xã hội, khiến những người phải chịu đựng chúng khó nhận được sự giúp đỡ.
Mọi người trầm trồ nhìn vào và nghĩ: ‘Anh chàng này vẫn bình tĩnh! Dũng cảm thật!'. Người đàn ông thì nghĩ: ‘Thế quái nào mình lại trèo lên lưng con sư tử này, làm thế nào để không bị nó ăn thịt bây giờ?
Trong một bài đăng trên blog cá nhân có tên “Khi cái chết là một sự giải thoát”, Ben Huh, CEO của trang web hài Cheezburger Network, viết về chính vụ tự tử của mình sau khi công ty non trẻ sụp đổ vào năm 2001.
Sean Percival, cựu phó chủ tịch kiêm đồng sáng lập gia của mạng xã hội MySpace đã viết một bài xã luận có tên “Khi không cảm thấy ổn, hãy kêu gọi giúp đỡ” trên trang web của mình.
“Vài năm trước, tôi vài lần đứng bên vực thẳm trên thương trường và những vấn đề cá nhân. Nếu bạn cảm giác mình sắp không níu giữ được nữa, hãy liên lạc với tôi”, ông viết.
Brad Feld, giám đốc điều hành tập đoàn Foundry Group, đã viết blog tháng 10 năm ngoái về một chương suy sụp trong đời mình.
Vấn đề không mới: Một doanh nhân tư bản vật lộn với rối loạn cảm xúc thời trưởng thành, và ông không hy vọng bài blog sẽ nhận được nhiều phản hồi.
Nhưng những email bắt đầu đổ về, tới hàng trăm cái. Rất nhiều trong số đó có tác giả là những doanh nhân cũng đang chật vật với sự lo âu và tuyệt vọng.
“Nếu bạn được nhìn địa chỉ của những email đó, bạn sẽ cực kỳ ngạc nhiên. Đó là những nhân vật rất thành công, rất nổi tiếng, rất quyến rũ – những họ vẫn phải đối mặt với tất cả điều này trong câm lặng. Có một luật lệ bất thành văn khiến họ không được nói về điều đó, chúng được coi như một điều đáng xấu hổ, một điểm yếu, hay gì đó tương tự. Họ cảm thấy mình đang giấu giếm, điều này càng làm mọi thứ xấu đi”, Feld kể lại.
Khi bạn điều hành một công ty, có vẻ những điều ngày nghe rất quen. Đó là một công việc căng thẳng có thể dẫn đến rối loạn cảm xúc.
Với những dự án khởi nghiệp, tỷ lệ thất bại là khá cao. Theo một báo cáo của trường kinh doanh Harvard Business School, cứ 4 dự án khởi nghiệp thì có 3 dự án thất bại.
Thêm vào đó, báo cáo cho thấy hơn 95% doanh nghiệp non trẻ thất bại trong lần triển khai đầu tiên...
>> Mặt tối đằng sau một doanh nhân thành đạt chỉnh chu