Doanh nhân Việt thời lạm phát: Làm sao vững tay chèo?
Lãnh đạo lung lay, doanh nghiệp chẳng khác nào con tàu mất lái...
- 11-12-2011Sếp 'buộc bụng' thời lạm phát
- 07-11-2011Chiêu độc bán hàng "giữ giá, hạ lượng" thời lạm phát
- 08-07-2011Giàu nghèo trong cơn bão lạm phát
Nói về vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự phát triển, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đánh giá: “Đội ngũ doanh nhân giữ vai trò quan trọng không thể thiếu trong nền kinh tế đất nước.Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, các doanh nhân đã thực sự tạo một nguồn của cải vật chất khổng lồ đóng góp vào sự phồn vinh của xã hội”…
Thử hình dung nếu thiếu đi đội ngũ hùng hậu hàng chục vạn doanh nhân, Việt Nam sẽ mất đi một nguồn của cải lớn như thế nào và tốc độc phát triển các mặt của xã hội sẽ bị ảnh hưởng ra sao. Đặc biệt, trong thời kỳ lạm phát hiện nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam càng có trọng trách nặng nề hơn.
Bởi họ không chỉ điều hành DN mà còn đưa ra những chiến lược phát triển mới, những mục tiêu mới phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, đồng thời góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Trọng trách ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”
Trong năm 2011, kinh tế VN lạm phát ở mức cao ngất ngưởng 18,13%, cao hơn năm 2010 (năm 2010 là 11,7%). Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm 2012 đạt mức thấp so với các năm trước do nhiều ngành gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhưng kết quả tăng thấp.
Gánh nặng đè lên đôi vai người lãnh đạo, bởi hơn bao giờ hết, chỉ có họ là người ra quyết định quan trọng nhất cho sứ mệnh doanh nghiệp, nếu họ bị lung lay thì DN chẳng khác nào con tàu mất lái…
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song đội ngũ doanh nhân VN đã phấn đấu hoàn thành tốt trách nhiệm cũng như năng lực lãnh đạo của mình. Cụ thể, trong năm 2011 đã có 500 DN đạt doanh thu 1.500 tỉ đồng trở lên.
Tuy nhiên, song song với những thành tựu đội ngũ doanh nhân đạt được, thì trong họ còn nhiều mặt hạn chế chưa hoàn thiện, đó là khát vọng, tầm nhìn, tầm nhận thức chưa đủ mạnh để vượt qua thử thách của thời cuộc, bà Phạm Ngọc Vy – Giám đốc nhân sự VietUnion Online Services Corp cho hay.
Theo bà Vy, những hạn chế nêu trên đã cản trở doanh nhân và doanh nghiệp tiến ra biển lớn hội nhập. Kể từ khi VN gia nhập WTO, nhiều ngành hàng, nhiều mặt hàng đuối dần và thua ngay trên sân nhà. Nhiều DN khó thoát khỏi tình trạng gia công, lắp ráp, trở thành đại lý phân phối bán hàng, thực chất là làm thuê, bán hàng thuê cho DN nước ngoài, giúp họ chiếm lĩnh thị trường VN, thu lợi nhuận ngay trên dân mình.
Bên cạnh đó, đội ngũ doanh nhân Việt hầu hết bước vươn lên bằng ý chí làm giàu, chưa được đào tạo bài bản về kinh doanh. VN vẫn chưa có trường đào tạo doanh nhân, mà chỉ có một số trường, đơn vị đào tạo kiến thức và kỹ năng quản lý kinh tế cho cán bộ quản lý. Vì thế, khi gặp sóng to gió lớn, họ không thể lái nổi con tàu mà mình đang dẫn dắt. Minh chứng rõ nhất là trong 6 tháng đầu năm 2012, cả nước có tới 26.234 DN giải thể và ngừng hoạt động.
Chưa có đội ngũ doanh nhân mang tầm quốc tế
Để khắc phục tình trạng thiếu kỹ năng, cách quản lý, thiếu tầm nhìn về sứ mệnh và thời cuộc, doanh nhân cần tự trau dồi các kiến thức cơ bản về điều hành, quản lý DN, có tầm nhìn về hội nhập và có nghệ thuật tổ chức, nghệ thuật dụng nhân. Họ phải luôn trang bị những nhận thức mới và tư duy mới về kinh tế, kinh doanh và quản trị DN để lựa chọn con đường phát triển bền vững cho DN mình.
Theo bà Vy, điều đáng nói là nhiều doanh nhân chưa hiểu về vai trò người lãnh đạo nên sa vào công việc của người cán bộ quản lý DN, không có thời gian học hỏi, thay đổi để phát triển DN. Do vậy, không ít doanh nhân từ bỏ cuộc chơi chỉ vì thiếu những kĩ năng nói trên.
Sở dĩ VN chưa có đội ngũ doanh nhân mang tầm quốc tế xuất phát từ nhiều lý do, trong đó việc mạo hiểm, chấp nhận rủi ro và vững tay lái đưa DN vượt qua giai đoạn khó khăn là điều cần thiết. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng cần có những chính sách thúc đẩy đào tạo đội ngũ doanh nhân, hỗ trợ tới mức tối đa, tạo điều kiện để họ có thể tham gia vào các lớp đào tạo bài bản. Có như thế VN mới mong có một đội ngũ doanh nhân mang tầm quốc tế.
Diệp Vi