Năng suất lao động của người Việt ngày càng giảm
Kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm của Việt Nam đã chậm lại và chỉ còn 3,3%.
- 12-05-2014Năng suất lao động Việt Nam thấp hơn 15 lần so với Singapore
- 31-12-2013Doanh nghiệp Việt lúng túng cải thiện năng suất
- 29-05-2014Lương của nhân lực IT thạo tiếng Nhật không dưới 1.000 USD/tháng
- 08-05-2014WB tài trợ 106 triệu USD cải thiện chất lượng nhân lực y tế
“Hiện nay, hiệu suất sử dụng lao động tại các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt khoảng 45%, con số này cho thấy chúng ta tiềm năng thì rất lớn, năng lực lại dồi dào nhưng chưa tận dụng được hết nó.”.
Ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung Ương đã nhận định như vậy tại Hội thảo “Đòn bẩy quản trị nhân lực trong việc nâng cao hiệu suất doanh nghiệp” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Công ty Hyperlogy tổ chức.
Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố năm 2013 cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam hiện thấp nhất ở Châu Á–Thái Bình Dương, kể cả khi so sánh với các nước láng giềng trong khu vực. Chẳng hạn, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 Malaysia hay 2/5 Thái Lan.
Đáng chú ý hơn, tốc độ tăng của năng suất lao động tại Việt Nam có chiều hướng giảm. Trong giai đoạn 2002-2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2% và đây mức cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm của Việt Nam đã chậm lại và chỉ còn 3,3%.
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như các doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư nguồn nhân lực để có lợi thế cạnh tranh cao; quan hệ giữa nhà quản lý và người lao động chưa được chặt chẽ; nhận thức của người lao động thấp, chưa có tác phong làm việc công nghiệp; tôn trọng pháp luật chưa cao, chưa nghiêm minh,...
Hiện tại, để tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, một số công ty đã áp dụng nhiều biện pháp để đánh giá nhân lực như KPI, iHCM, tuy nhiên, việc đánh giá vẫn còn là khái niệm mơ hồ và chưa phổ biến tại Việt Nam.
Trong khi đó, việc thiếu vắng nhân sự có kỹ năng đang ảnh hưởng trực tiếp tới "túi tiền" của doanh nghiệp. Bà Lê Minh Kha, Quản lý nhân sự của Ernst and Young Việt Nam cho biết sau khi tiến hành khảo sát trên 550 giám đốc tài chính và giám đốc nhân sự cho thấy, hai bộ phận tài chính và nhân sự đang ngày càng phải hợp tác chặt chẽ với nhau để tìm kiếm nhân tài và quản lý chi phí lao động đang ngày càng gia tăng.
Ông Hoàng Đức Hùng, Phó giám đốc phụ trách dịch vụ Tư vấn và tài chính của E&Y nhận định, bản chất sự vận hành của một doanh nghiệp gồm: quy trình – công nghệ - con người. Một doanh nghiệp được đầu tư vào công nghệ nhưng nếu không có con người vận hành thì cũng sẽ không đi tới đâu cả.
Kết quả một cuộc phỏng vấn từ hơn 2.000 doanh nghiệp gần đây của VCCI cũng cho thấy, yếu tố quản trị nguồn nhân lực luôn đứng thứ 1 và 2 trong 9 yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp.
“Việt Nam đang có sự khác biệt lớn về năng lực quản trị nhân sự giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên. sự tác trao đổi kinh nghiệm giữa hai khu vực này rất hiếm xảy ra,” bà Hằng cho biết.
Trần Dũng