Nhật Bản: Quan chức chuộc lỗi bằng cách tự tử?
Tự tử, cho dù dính líu trực tiếp hay gián tiếp tới bê bối.
- 05-08-2014Vì sao nhân tài quốc tế không ai muốn đến Nhật Bản?
- 01-07-2014Nhật Bản: Ngủ tại công sở là 'cống hiến' cho công việc
- 20-06-2014Các công ty Nhật cho nhân viên nghỉ việc xem World Cup trận Nhật Bản - Hi Lạp
- 09-06-2014Phong cách làm việc của người Nhật Bản
- 12-05-2014Những điều nên biết khi đàm phán với đối tác Nhật Bản
- 25-01-2014Công thức quản lý nhân sự của các công ty Nhật Bản
Vừa qua, Trung tâm Phát triển Sinh học Riken, Nhật Bản, đã phát hiện ra tiến sĩ Yoshiki Sasai chết trong tình trạng thắt cổ tự vẫn. Trung tâm cho biết nhà chuyên gia tế bào gốc này đã để lại thư tuyệt mệnh, tuy nhiên động cơ chính xác cho việc tự tử vẫn chưa được làm rõ.
Cái chết của nhà khoa học Yoshiki Sasai, người đã mang lại nhiều bước đột phá cho sự nghiệp khoa học của thế kỷ 21, đã làm rúng động Nhật Bản. Người ta bất chợt nhìn lại các vụ tự sát đình đám tại đất nước này và không khỏi giật mình khi thấy nhiều nhân vật có tiếng trong giới chính trị, kinh doanh cũng từng phải chọn cái chết làm "giải pháp" cho những bê bối mình có dính líu, dù là trực tiếp hay gián tiếp.
Năm 1989, Ihei Aoki, thư ký cấp cao của cựu Thủ tướng Noboru Takeshita, đã cắt cổ tay rồi treo cổ tự sát. Trước đó, ông Takeshita đã tuyên bố từ chức vì những thị phi tham nhũng. Tháng 4 năm ấy, nhà báo Stephen Kreider Yoder đã viết trên báo Wall Street Journal rằng cái chết của ông Aoki là không thể tránh khỏi, bởi đây là "truyền thống của đức trung thành tại đất nước này. Đối với các phụ tá chính trị hay trợ lý doanh nghiệp ở Mỹ, thì niềm vinh hạnh ấy là một điều điên rồ. Nhưng Nhật Bản là đất nước mà người lao động nguyện trung thành cả đời với công ty, nơi chủ tịch công ty từ chức vì những vụ bê bối, ô danh của doanh nghiệp mà cá nhân họ không hề liên quan".
Tháng 5 năm 2007, Toshikatsu Matsuoka, bộ trưởng bộ nông nghiệp đương thời, cũng đã treo cổ tự vẫn tại một khu nhà ở quốc hội ở Tokyo sau khi bị cáo buộc lạm dụng công quỹ. Trong bức thư tuyệt mệnh, ông này có ghi: "Từ tận đáy lòng tôi muốn xin lỗi vì đã gây ra những sai phạm vì thiếu trong sạch".
Việc dùng cái chết để chuộc lỗi bê bối, ô danh không chỉ giới hạn trong giới chính trị. Sau khi Nhật Bản đầu hàng trong Thế Chiến II, nhiều quan chức cấp cao, trong đó có cả đô đốc Takijiro Onishi cũng tự sát, từ đó mở màn cho một loạt các vụ tự tử của các phi công Kamikaze.
Giám đốc điều hành công ty đường sắt Hokkaido, Naotoshi Nakajima đã bị mất tích vào tháng 9 năm 2011 sau khi vụ xe lửa trật bánh làm hơn 40 hành khách bị thương xảy ra vài tháng. Thi thể của ông được phát hiện tại bờ biển Otaru, Hokkaido ngay trong tháng đó. Các báo cáo cho biết ông đã để lại khoảng 10 bức thư tuyệt mệnh, trong đó có lời xin lỗi cho việc quản lý công ty yếu kém.
Vào tháng 3 năm 2004, chủ tịch của một công ty gia cầm ở tỉnh Hyogo đã tự tử cùng vợ vì đã không báo cáo số lượng gà chết trong trang trại, từ đó góp phần làm lây lan dịch cúm gia cầm. Trứng và thịt từ công ty được đem đi bán cho tới khi có người gọi điện cảnh báo các nhà chức trách. Các báo cáo cho biết vợ chồng ông đã để lại thư tuyệt mệnh xin lỗi.
Tuy gần đây có giảm nhẹ nhưng tỷ lệ tự tử của Nhật Bản vẫn đứng top đầu thế giới. Trong suốt thập kỷ qua, mỗi năm nước này có khoảng 30.000 vụ tự tử. Liệu cái chết của những người có chức, có quyền này xuất phát từ "văn hóa chịu trách nhiệm", do đức trung thành hay do áp lực cuộc sống quá đỗi nghẹt thở vốn có tại Nhật Bản?
>> Tự tử - Nỗi đau khủng khiếp trong lòng xã hội Nhật
Thùy An