Ông chủ Hoa Sen Group: Quan trọng là phải điều tiết được dòng tiền
Tại diễn đàn CEO - "Quản trị khủng hoảng" diễn ra chiều 15/3 tại Hà Nội, lãnh đạo một số doanh nghiệp đã gợi ý một số cách thức giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen: "Quan trọng là phải điều tiết được dòng tiền"
Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận với dòng vốn của các tổ chức tín dụng. Vì thế, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm được dòng tiền. Những khoản đầu tư không đúng, tốn chi phí hay chưa thể sinh lời ngay thì phải cắt. Phải làm sao để duy trì dòng tiền ở mức thấp nhất và tạo lòng tin cho ngân hàng. Các doanh nghiệp cần vượt qua đươc giai đoạn khó khăn hiện tại để chờ cơ hội phát triển tới. Trong tương lai, khi các vấn đề nợ xấu được giải quyết xong, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ tiếp cận được nguồn tiền lớn với lãi suất thấp.
Cũng nhờ có quản trị dòng tiền tốt nên doanh số của chúng tôi tăng dần theo từng năm, từ 2.000 tỷ năm 2008, lên 10.000 tỷ đồng năm 2012. Năm nay chúng tôi phấn đấu 12.000 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa rằng, trong khủng hoảng chúng tôi vẫn có cách để vừa giải quyết khủng hoảng vừa đảm bảo được lợi nhuận để trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ngành tôn, thép của cả nước.
Với thực tế của doanh nghiệp mình, tôi muốn chia sẻ rằng, bản thân mỗi doanh nghiệp phải nhìn lại mình. Chúng ta phải thừa nhận rằng, trong thời gian qua, chúng ta cạnh tranh mang tính thời cơ nhiều hơn là cạnh tranh bền vững. Trong nhiều năm liền, những lĩnh vực mang tính đầu cơ cao như chứng khoán, bất động sản… đã hút đi khá lớn nguồn lực quốc gia. Do đó, chúng ta chưa đề cao chất lượng. Cạnh tranh bằng giá, bằng cơ hội sẽ không thể bền vững được.
Nói vậy để thấy rằng, khủng hoảng kinh tế toàn cầu là có, song yếu kém nội lực cũng là nguyên nhân tạo ra khủng hoảng. Chúng ta phải soi lại nội lực và rút ra bài học rằng, phải đầu tư thực sự, đừng quá chạy theo đầu cơ, hành xử có trách nhiệm đối với đồng vốn của cộng đồng.
Ông Kumar Narasimhan, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà thép Tiền chế Zamil Việt Nam: "Lãnh đạo doanh nghiệp phải thể hiện bản lĩnh"
Theo tôi, lãnh đạo doanh nghiệp phải thể hiện bản lĩnh vai trò của mình để giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Lãnh đạo phải nhanh nhạy nắm bắt thị trường để hiểu rõ lĩnh vực nào mang lợi nhuận, phải bắt đúng tín hiệu để đáp ứng nhu cầu trong thời gian khủng hoảng.
Bản thân tôi đã có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tài chính. Điều đó giúp tôi giải quyết được những khó khăn thời gian qua. Chúng tôi đã làm lại chiến lược của mình để phù hợp với thời điểm khó khăn của thị trường, mỗi hoàn cảnh khác nhau thì có những chiến lược khác nhau.
Theo đó, vấn đề cơ bản trong quản trị mà chúng tôi đã làm là giảm chi phí giá thành một cách hợp lý nhất, luôn luôn bảo đảm chất lượng sản phẩm, đồng thời để sản phẩm của mình đến tay khách hàng phù hợp nhất cho khách hàng.
Tôi cho rằng, trong cạnh tranh ở bất kỳ hoàn cảnh nào thì cũng không nên hạ giá quá mức, mà cần cạnh tranh bằng chất lượng và dịch vụ cho khách hàng, đấy là điều mà chúng tôi khuyên các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng An Bình: Cần thay đổi cơ chế làm việc của ngân hàng, doanh nghiệp
Tôi cho rằng, những khủng hoảng gây ra là do sự chủ quan của các chủ thể trong nền kinh tế. Do đó, nếu chúng ta cứ tiếp tục để các ngân hàng, doanh nghiệp được điều hành bằng cơ chế, tổ chức cũ thì sẽ không thể giải quyết được khủng hoảng.
Trong cơ chế, tổ chức cũ không phân biệt được rạch ròi giữa hai chức năng quản lý và quản trị. Từ trước đến nay, doanh nghiệp chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn đề tiêu cực như nợ xấu, thua lỗ...là do ban điều hành không có một cơ quan độc lập đứng ngoài để giám sát hoạt động của họ.
Do vậy, chúng ta phải đi vào cơ chế mới, tức là nâng cao vai trò của quản trị công ty, giám sát công việc của ban điều hành.
Nếu chúng ta có một mô hình quản trị tốt, sẽ động viên được nguồn lực của một tổ chức, từ đó vấn đề sẽ được giải quyết một cách rốt ráo hơn. Dĩ nhiên, giải quyết khủng hoảng cần nhiều yếu tố, nhưng nó là một trong những yếu tố góp phần giải quyết khủng hoảng.
Ở ngân hàng mà tôi đang làm việc, vấn đề quản trị công ty rất được coi trọng. Với những chức năng của Hội đồng Quản trị, chúng tôi đã xây dựng ra một chiến lược để định hướng và giám sát ban điều hành. Mặc dù, trong năm 2012 chúng tôi chưa đạt được mục tiêu đề ra do một số yếu tố khách quan của nền kinh tế, của chính sách, song chúng tôi cũng hài lòng với khoảng 80% kết quả kinh doanh nhờ có quản trị tốt”.
Trang Lam